1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nợ của Hy Lạp làm “nóng” Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng Trung ương G7 đã nhóm họp tại thành phố Dresden, CHLB Đức nhằm thảo luận những triển vọng và rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

Nội dung chủ chốt trong chương trình nghị sự lần này của các Bộ trưởng Tài chính G7 là làm thế nào để tìm cách giữ vững đà phục hồi kinh tế toàn cầu, trong thời điểm chưa tìm được giải pháp đối với nền kinh tế Hy Lạp, giá dầu tăng và những bất ổn trên thị trường trái phiếu khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 29-5, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Schaeuble cho biết, sau các phiên họp, các nhà lãnh đạo tài chính trong nhóm G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng trong việc tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ cải cách cơ cấu kinh tế ở nhiều nước. Ngoài ra, các bên cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, các nước trong G7 sẽ từng bước xây dựng cơ chế xóa bỏ những khác biệt để tạo cơ sở cho việc hình thành các biện pháp kiểm tra phối hợp liên quốc gia, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng chuyển giá và gian lận thuế.

Các nhà lãnh đạo tài chính G7 dự hội nghị ở thành phố Dresden ngày 28-5
Các nhà lãnh đạo tài chính G7 dự hội nghị ở thành phố Dresden ngày 28-5

Liên quan đến việc ngăn chặn nguồn tài trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế, lãnh đạo tài chính G7 thống nhất cần tăng cường các biện pháp giám sát nguồn tiền luân chuyển trong hệ thống tài chính quốc tế của các cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố.

Dù không phải là nội dung của chương trình nghị sự, song nợ của Hy Lạp lại chi phối phần lớn nội dung các cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo ngành tài chính các nước G7, cũng như trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
 
Trong các cuộc trao đổi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã hối thúc các bên liên quan sớm thống nhất hướng xử lý cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp nhằm góp phần vào sự ổn định chung của kinh tế thế giới.
 
Về phần mình, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đánh giá "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Hy Lạp đã tiến rất gần tới một giải pháp cuối cùng trong việc xử lý khủng hoảng nợ của nước này, song phủ nhận quả quyết của Athens về giải pháp này, cho rằng Hy Lạp cần chứng tỏ quyết tâm cải cách của mình mạnh mẽ hơn nữa.
 
Mặc dù vậy, các bên vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh nội dung cụ thể cho giải pháp cuối cùng này. Bên lề hội nghị, Tổng giám đốc IMF lần đầu tiên tuyên bố không loại trừ khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
 
Bà Lagarde nhấn mạnh, dù không ai ở châu Âu muốn kịch bản này xảy ra, song các cuộc đàm phán về vấn đề nợ của A-ten không phải "một cuộc dạo chơi", theo đó IMF sẽ phải đưa ra những quyết định cuối cùng. Theo bà Lagarde, IMF có những nguyên tắc, quy định tài chính chặt chẽ và Hy Lạp sẽ không phải là ngoại lệ để tổ chức này phải phá vỡ các nguyên tắc của mình. Ngoài ra, bà Lagarde cũng tuyên bố việc Hy Lạp đi hay ở lại Eurozone không phụ thuộc vào IMF mà trước hết phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm của chính các nước Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
 
Lãnh đạo ECB và EC tiếp tục giữ điều kiện Hy Lạp phải thực hiện ngay những cải cách quyết liệt nếu muốn nhận các khoản cứu trợ bổ sung, điều mà đến nay chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn kiên quyết từ chối.
 
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ tạo ra một “vấn đề về độ tín nhiệm” đối với khu vực này.
 
Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Vấn đề Công cộng của Hy Lạp thực hiện và công bố, phần lớn người dân Hy Lạp ủng hộ chính phủ của đảng Syriza cầm quyền trong tiến trình đàm phán với các chủ nợ và mong muốn Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận để ở lại Eurozone.
 
Theo AP, hiện nay, các cuộc thương lượng giữa Chính phủ Hy Lạp với các đối tác ở Eurozone chưa đạt được tiến triển nào. Hy Lạp không có khả năng thanh toán khoản 300 triệu euro ban đầu trong tổng số tiền 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) mà Athens nợ IMF và dự kiến phải trả vào ngày 5-6 sắp tới, nếu các chủ nợ quốc tế không cấp thêm tiền cứu trợ.
 
Trong khi đó, các nước thuộc Eurozone đã yêu cầu Hy Lạp nhanh chóng trình danh mục các đề xuất cải cách để có thể nhận được khoản cứu trợ tránh nguy cơ bị phá sản, song cho tới lúc này, Athens vẫn chưa trình được danh sách cải cách cập nhật.
 
Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm