Những vũ khí thay đổi cuộc chơi
Một trong những lý do Nga phát triển hệ thống phòng không tiên tiến là không đủ khả năng đầu tư cho một phi đội tiêm kích hiện đại và có quy mô lớn
Việc Ả Rập Saudi gần đây đồng ý mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga là đòn giáng mạnh vào Mỹ và các đồng minh châu Âu. Thỏa thuận này theo sau hợp đồng mua S-400 trị giá 2,5 tỉ USD của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ và đồng minh lo ngại
Trong khi đó, Ai Cập cũng đang đàm phán để mua S-400 (ban đầu có tên gọi là S-300 PMU-3). Cairo đã có hệ thống phòng không S-300VM (còn gọi là Antey 2500) với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay chiến thuật và chiến lược, máy bay tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.
Một trong những nước đang sở hữu S-300 là Hy Lạp - đồng minh của NATO. Nước này nhận S-300 từ Cyprus sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa chiến tranh với Cyprus nếu họ không từ bỏ tên lửa. Nhằm tháo gỡ khủng hoảng, Cyprus đã bàn giao S-300 cho Hy Lạp. Ngoài ra, một số nước - như Trung Quốc, Ấn Độ, Ukraine, Venezuela, Bulgaria (thành viên NATO)... - cũng đang sở hữu S-300.
Tuy nhiên, S-400 mới thay đổi cuộc chơi thực sự. Lý do là hệ thống phòng không này có thể bắn nhiều loại tên lửa khác nhau, gồm 40N6E (tầm bắn 400 km), 48N6 (250 km), 9M96E2 (120 km) và 9M96E (40 km). So với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ (chỉ hỗ trợ một loại tên lửa đánh chặn với tầm bắn 96 km), S-400 được coi là một hệ thống đa năng.
Riêng 9M96E2 là một trong những "báu vật" của hệ thống. Với vận tốc Mach 15 (khoảng 18.500 km/giờ), nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu nằm ở độ sâu 5 m dưới mặt đất, đánh chặn máy bay, tên lửa và vô hiệu hóa tên lửa hành trình.
Ông Carlo Kopp, một trong những chuyên gia hàng không hàng đầu thế giới, đánh giá S-400 còn có thể tích hợp thêm radar có khả năng phát hiện loại máy bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35. Thiết kế tàng hình ra đời dựa trên hoạt động của các loại radar băng tần X - được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực quân sự và dân sự.
F-35 tích hợp chức năng tàng hình nhưng chủ yếu ở phía trước máy bay, có nghĩa là nó dễ dàng bị tổn thương một khi rời xa mục tiêu. Theo thời gian, toàn bộ hệ thống phòng không của Mỹ và các đồng minh, chủ yếu dựa trên băng tần X, sẽ trở nên lỗi thời khi Trung Quốc và Nga đẩy mạnh công nghệ chống máy bay và tên lửa tàng hình.
Tham vọng siêu tàu sân bay
Cùng với những cải tiến về radar (hiện chưa rõ có đến tay khách hàng nước ngoài hay không), Nga còn sở hữu một hệ thống phòng không đáng nể dù quy mô phi đội thật sự hiện đại của nước này khá nhỏ so với Mỹ và NATO. Nga bị tụt lại phía sau trong cuộc đua vũ trang thời gian qua do không đủ tiền để phát triển và chế tạo tiêm kích mới. Tình hình kinh tế lúc này gần như cũng không cho phép họ mua nhiều thiết bị tiên tiến.
Theo trang Asia Times, một trong những lý do Nga phát triển hệ thống phòng không với ý định chống lại máy bay tàng hình và tên lửa hành trình của Mỹ là vì Moscow không đủ khả năng đầu tư cho một phi đội tiêm kích hiện đại và có quy mô lớn. Tên lửa tầm xa của S-400 có thể được dùng để chống lại các hệ thống đang được Mỹ và các đồng minh NATO sử dụng, như máy bay chỉ huy trên không, máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry... S-400 cũng có thể chống lại tên lửa đạn đạo dù vẫn chưa rõ tính năng này hiệu quả đến đâu.
Chưa hết, Moscow sẵn sàng cho thử nghiệm tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat (NATO gọi là Satan 2), được giới thiệu là đủ khả năng "quét sạch một khu vực có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas - Mỹ". Nó được mệnh danh là tên lửa hạt nhân mạnh và chết chóc nhất thế giới tính đến giờ. Nó mang những quả bom có sức công phá gấp 1.000 lần 2 quả bom mà Mỹ thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản hồi Thế chiến thứ hai, theo báo The Sun.
Do công ty chế tạo tên lửa Makeyev Design Bureau (Nga) chế tạo, RS-28 Sarmat được cho là có thể mang được 16 quả bom, đạt tầm bắn khoảng 11.000 km và được trang bị công nghệ tàng hình để tránh radar đối thủ. RS-28 Sarmat ra đời nhằm thay thế tên lửa R-36M của Liên Xô (NATO gọi là Satan). Vào tháng 2-2014, một quan chức quốc phòng Nga cho biết RS-28 Sarmat sẵn sàng đưa vào sử dụng năm 2020.
Trong tương lai, sức mạnh quân sự của Nga không chỉ có S-400 và tên lửa Satan 2 sau khi xuất hiện thông tin Moscow đang hy vọng có đủ cơ sở cần thiết để bắt đầu đóng một tàu sân bay tải trọng 115.000 tấn vào năm 2020. Theo hãng tin TASS, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng tuyên bố khi Moscow xây dựng được các xưởng đóng tàu mới cùng một bến tàu khổng lồ ở vùng Viễn Đông, nhiều khả năng một tàu sân bay trọng tải 110.000-115.000 tấn sẽ ra đời.
Sở dĩ ông Rogozin nói vậy là vì các tàu sân bay cuối cùng của Nga được chế tạo dưới thời Liên Xô tại xưởng đóng tàu Nikolaev hiện nằm ở Ukraine.
Tạp chí The National Interest cho rằng dù người Nga xây dựng được các cơ sở hạ tầng cần thiết thì họ chưa chắc đã nắm được những kỹ thuật, công nghệ để cho ra lò một siêu tàu sân bay hạt nhân. Trong lịch sử, Nga chưa bao giờ chế tạo một tàu chiến nào lớn và phức tạp như vậy.
Một số tàu chiến được chế tạo dưới thời Liên Xô là những tàu sân bay lớp Kuznetsov trọng tải 55.000 tấn. Ngay cả Ulyanovsk, tàu sân bay hạt nhân chỉ mới đóng được 20% trước khi dự án bị hủy năm 1992, có trọng tải dự kiến không quá 85.000 tấn.
Theo Phạm Nghĩa
Người lao động