1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những vấn đề "gai góc" trong cuộc đối đầu trực tiếp Putin - Biden đầu tiên

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên vào tuần tới tại một quốc gia thứ ba.

Những vấn đề gai góc trong cuộc đối đầu trực tiếp Putin - Biden đầu tiên - 1

Nga và Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho thượng đỉnh Biden - Putin sắp tới (Ảnh: Reuters).

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6 tới, Nhà Trắng tỏ thiện chí khi miễn một số trừng phạt nhằm vào tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) của Nga.

Tuy nhiên, những kỳ vọng về tương lai tươi sáng hơn giữa hai nước đang bị phủ bóng đen u ám sau vụ Belarus điều chiến đấu cơ chặn máy bay thương mại của hãng Ryanair (chở chính trị gia đối lập Belarus Raman Pratasevich và 132 hành khách) hạ cánh khẩn cấp.

Vụ việc bất thường vào ngày 23/5 xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm với cả Washington và Moscow. Vào ngày 16/6 tới, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1. Nhà Trắng đã phát đi thông điệp mong muốn xây dựng một mối quan hệ ổn định và dễ đoán định với Điện Kremlin.

Mới đây, chính quyền ông Biden đã miễn một số biện pháp trừng phạt đối với tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2", vốn kết nối từ Nga đến các nước Liên minh châu Âu (EU) để Moscow bán được nhiều khí đốt hơn cho EU.

Nhưng vài ngày sau, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bất ngờ ra lệnh điều chiến đấu cơ MiG-29 hộ tống máy bay chở khách Ryanair hạ cánh xuống sân bay ở Minsk và sau đó bắt giữ nhà báo đối lập Raman Pratasevich.

EU phản ứng dữ dội, khuyến cáo các hãng hàng không nên tránh không phận Belarus, cấm các hãng hàng không Belarus đến châu Âu và giáng đòn trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Belarus.

Vài ngày sau sự cố này, Tổng thống Putin đã đón tiếp ông Lukashenko tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga. Cả hai trò chuyện và sau đó cùng nhau đi du thuyền trên Biển Đen, cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo.

Hàng loạt vấn đề gai góc 

Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Geneva, ưu tiên trên bàn nghị sự của 2 ông Biden - Putin là hàng loạt các vấn đề cấp bách như việc Nga điều quân đội đến gần Ukraine, kiểm soát vũ khí và đại dịch Covid-19.

Nhưng giờ đây, Tổng thống Biden còn có thêm một "nhiệm vụ" nữa: thuyết phục ông Putin gây áp lực lên Tổng thống Lukashenko. Theo các chuyên gia, Nga có đủ tầm ảnh hưởng để làm điều đó, nhưng vấn đề là Tổng thống Putin có thể không mặn mà với điều này.

Tổng thống Lukashenko lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8/2020 nhưng Mỹ và EU cáo buộc gian lận. Belarus sau đó hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt. Nhưng Moscow vẫn luôn ủng hộ Minsk. Không chỉ công nhận ông Lukashenko là Tổng thống hợp pháp của Belarus, ông chủ Điện Kremlin cam kết bảo vệ Belarus và cảnh báo các nước không can thiệp vào công việc của Belarus.

Và theo giới phân tích, mối quan hệ đồng minh thân cận Putin - Lukashenko không hề lung lay sau vụ việc mà EU cáo buộc là "hành động không tặc" của Belarus. Sau cuộc gặp tại Sochi, Nga tuyên bố sẽ sớm giải ngân khoản tín dụng 500 triệu USD cho Belarus. Moscow cũng đồng ý tăng các chuyến bay giữa hai nước.

Trong khi đó, quan hệ Nga - Mỹ đang "căng như dây đàn". Đầu tiên sự việc bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga vào năm 2014. Sau đó là cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, vốn đưa ông Donald Trump lên nắm quyền, và cả cáo buộc Nga tấn công mạng hãng giải pháp công nghệ SolarWinds vào năm 2020, gây thiệt hại cho các công ty bảo mật và khiến nước Mỹ rúng động. Hồi tháng 4, ông Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vụ tấn công này.

Trong vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc hồi năm 2020, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng cáo buộc do các đặc vụ của chính phủ Nga gây ra, và việc ông này bị bắt giam sau đó càng khiến căng thẳng leo thang. Thậm chí, trên truyền hình, khi được hỏi liệu ông có nghĩ Tổng thống Putin là "sát nhân" trong vụ việc này hay không, Tổng thống Biden đáp: "Tôi đồng ý". Bình luận này bị phía Nga lên án gay gắt, cáo buộc ông Biden xúc phạm người dân Nga.

Những tranh cãi như vậy là lý do giải thích tại sao cả Mỹ và Nga đều không đặt nhiều kỳ vọng cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm