1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2021

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX hay nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel hòa bình năm nay.

Những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2021 - 1

Một nhân viên dán nhãn dán COVAX khi lô vaccine AstraZeneca được dỡ xuống từ máy bay tại sân bay Felix Houphouet-Boigny ở Abidjan, Bờ Biển Ngà hồi tháng 2 (Ảnh: AFP).

Giải Nobel Hòa bình là một trong những giải thưởng danh giá nhất và thu hút sự chú ý của dư luận. Giải thưởng này nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức có vai trò thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Năm 2020, giải Nobel Hòa bình đã gọi tên Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Theo Ủy ban Giải Nobel Na Uy, WFP được trao giải vì "nỗ lực trong việc chiến đấu chống lại nạn đói, sự đóng góp vì hòa bình tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và trở thành động lực nhằm ngăn chặn việc biến nạn đói trở thành vũ khí của chiến tranh và xung đột".

Giải Nobel Hòa bình 2021 sẽ được Ủy ban Noel Na Uy công bố vào chiều nay 8/10. Nhiều ứng viên nổi bật đã được đề cử cho giải thưởng năm nay.

Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX được xem là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2021.

Trong khi các quốc gia giàu có thống trị thị trường vaccine ngừa Covid-19, sáng kiến COVAX đã trở thành một trong những cách duy nhất để phần lớn các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, được tiếp cận vaccine.

Sáng kiến COVAX do Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu Gavi, Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng. COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021.

Việc trao giải thưởng cho COVAX được đánh giá là phù hợp với tiêu chí của Ủy ban Nobel, đó là tôn vinh những nỗ lực đóng góp cho hòa bình và biểu tượng của hy vọng, hướng tới những thành tựu trong tương lai.

WHO và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng được xem là ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2021. WHO đã triển khai liên tục các cuộc họp cấp cao và các cuộc họp báo để cung cấp thông tin xuyên suốt về đại dịch trong suốt 2 năm qua. WHO cũng hoạt động như "tiếng nói lương tâm" toàn cầu trong bối cảnh sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine ngày càng rõ rệt.

Tuy vậy, WHO cũng trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời vấp phải sự chỉ trích vì cách ứng phó ban đầu với đại dịch.

Tổ chức B'Tselem của Israel và Trung tâm Nhân quyền Palestine cũng được kỳ vọng có thể trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2021. Cả 2 tổ chức này đã nỗ lực trong nhiều thập niên để ghi lại các vi phạm nhân quyền ở Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài trong khu vực.

Những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2021 - 2

Nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny tham gia biểu tình tại Moscow năm 2019 (Ảnh: Getty).

Alexei Navalny, nhà hoạt động đối lập người Nga và từng tham gia các cuộc biểu tình tại Nga, cũng nằm trong danh sách ứng viên có thể được trao giải Nobel Hòa bình năm nay. Ông Navalny từng nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại sân bay ở Nga hồi tháng 8/2020, tuy nhiên Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ việc này.

Danh sách ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2021 còn có Tổ chức Phóng viên Không biên giới và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo. Đây là 2 tổ chức đi đầu trong "cuộc chiến" bảo vệ các nhà báo trên toàn thế giới trong bối cảnh nhiều vụ sát hại thành viên của các cơ quan thông tấn báo chí đã xảy ra trong những năm qua.

Những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2021 - 3

Greta Thunberg tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ (Ảnh: AFP).

Nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu Greta Thunberg được xem là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay. Kể từ sau các cuộc biểu tình đơn độc bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển ở tuổi 15 với yêu cầu hành động tích cực chống lại biến đổi khí hậu, cho đến khi trở thành một phong trào toàn cầu, Greta Thunberg hàng năm đều được xem là ứng viên cho giải Nobel.

Thunberg đã được mời tới phát biểu tại hàng loạt các sự kiện lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Tạp chí Times danh tiếng cũng chọn cô gái trẻ này là Nhân vật của Năm 2019.