1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những “thiên thần” chống ma túy ở Kabul

Ban ngày, Malalai Badahari mang kiếng đen, khoác bộ quân phục rằn ri và đeo khẩu AK-47. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống, cô cảnh sát chống ma túy nhỏ bé này choàng khăn che kín mặt và trở về nhà, láng giềng đều nghĩ cô là một giáo viên.

Trên một con đường đầy bụi bặm ở thủ đô Kabul, Malalai đang sống với chồng, 5 đứa con trai và cha chồng. Việc để lộ những gì cô đang làm đồng nghĩa với cái chết. Vì trên khắp đường phố ở thủ đô Afghanistan nhan nhản những băng đảng tội phạm và chiến binh có dính líu đến việc buôn bán thuốc phiện đang bùng phát tại nước này, gia đình cô cũng lo lắng vì sợ cô có thể bị các phần tử Hồi giáo cực đoan đe dọa khi bọn chúng muốn trở lại thời điểm 4 năm trước, lúc phụ nữ Afghanistan bị cấm làm việc hoặc ra khỏi nhà nếu không mang khăn choàng.

 

Người phụ nữ 37 tuổi này là một trong 6 nữ cảnh sát được huấn luyện tại một trung tâm bị bom mìn tàn phá ở phía Tây Kabul. Nhóm của cô trực thuộc đơn vị chống ma túy tinh nhuệ gồm 25 người, được các chuyên gia Anh, Mỹ hướng dẫn để truy quét nạn ma túy đang bùng nổ ở nền kinh tế bị tàn phá của Afghanistan.

 

Đơn vị Ngăn chặn Quốc gia của Malalai được thành lập để tuyên chiến với chiến tranh ma túy ở Afghanistan. Đơn vị này dự kiến sẽ tuyển được 200 thành viên cho đến cuối năm, trong đó có khoảng 15 - 20 phụ nữ. Sự có mặt của các nữ cảnh sát là rất cần thiết vì họ có thể đột nhập vào những căn phòng phụ nữ bị tình nghi, điều mà những đồng nghiệp nam không thể làm được vì vi phạm quy định nhạy cảm của đạo Hồi.

 

Kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ vào cuối năm 2001, việc trồng thuốc phiện - nguyên liệu chính làm ra heroin - đã tăng đột biến, biến Afghanistan thành nguồn cung cấp thuốc phiện chính của thế giới. Hiện tại, đơn vị của Malalai hoạt động như một đội đặc nhiệm, tổ chức các cuộc truy bắt chớp nhoáng vào bọn buôn lậu thuốc phiện được trang bị vũ khí đầy đủ, vào những phòng thí nghiệm điều chế heroin ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa Afghanistan và kiểm tra các xe tải tiến vào Kabul tìm “hàng”.

 

Do thiếu nguồn tin tình báo và hệ thống thông tin hiện đại như các nước phương Tây, các đợt truy quét của Malalai và đồng nghiệp chỉ mới thu được lượng thuốc nhỏ và chưa bắt được trùm thuốc phiện nào. Thành tích lớn nhất của Malalai là tìm được 7 kg thuốc phiện và 70 kg hasit được cất giấu bí mật trong phòng phụ nữ ở một ngôi nhà tại Kabul, nơi cô và đồng nghiệp 40 tuổi tên Habiba tiến hành lục soát.

 

Malalai cho rằng những nguy hiểm mà cô phải đối mặt không đáng kể so với nỗi sợ lúc cô dạy học cho các nữ sinh dưới chế độ Taliban. Từ năm 1997 đến năm 1999, Malalai là một trong 26 phụ nữ dạy cho 300 nữ sinh tập đọc, tập viết trong một xưởng cơ khí ở Shashadarak, vùng nằm kề Kabul.

 

Khu vực này hiện là đại bản doanh của lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO chỉ huy. Lúc ấy, Taliban chỉ cho phụ nữ làm công việc nội trợ hoặc cầu nguyện nên khi được tin báo về việc làm của Malalai và các cô giáo lúc đó, chúng đã 2 lần lục soát trường để tìm kiếm sách vở và dụng cụ học tập. Malalai kể: “Chúng tôi phải mua máy may và treo những bức vải thêu lên tường để ngụy trang khi bọn chúng đến”.

 

Khó khăn lớn nhất đối với Malalai và các đồng đội nữ trong đơn vị chống ma túy đầu tiên của Afghanistan là họ phải mất khá nhiều thời gian để thuyết phục người thân trong gia đình chấp nhận để họ làm công việc nguy hiểm này, ngay cả khi vài người trong số họ là lao động chính của gia đình với mức lương 150 USD/tháng.

 

Theo Văn Quyên

Người lao động/AFP, AP