1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những thách thức với an ninh toàn cầu năm 2016

(Dân trí) - Năm 2016, tình hình quốc tế tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường; đấu tranh giữa xu hướng cấu trúc an ninh mới đang hình thành với cấu trúc an ninh cũ ngày càng quyết liệt hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “hoà bình, hợp tác vẫn giữ xu thế chủ đạo”.

Những thách thức với an ninh toàn cầu năm 2016 - 1

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc gia tăng tốc độ bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông. (Ảnh: Le Figaro)

Đấu tranh quyết liệt, nhưng hòa bình hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo

Năm 2015 vừa qua tình hình an ninh quốc tế được đánh giá là diễn biến sôi động, phức tạp đan xen giữa hoà bình, chiến tranh, xung đột; hợp tác, liên kết; cạnh tranh, đấu tranh; cơ hội và thách thức… Tuy nhiên, hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; cục diện đa cực hóa thế giới đang chuyển hóa từ định hướng sang định hình, khiến xuất hiện những nhân tố bất thường tác động lớn đến an ninh toàn cầu. Trên cơ sở nhận định, đánh giá năm 2015 giới chuyên gia phân tích đã đưa những dự báo an ninh toàn cầu cho năm 2016.

Cuộc đấu tranh giữa trật tự “đa cực hóa” thế giới đang hình thành với trật tự “đơn cực” ngày càng quyết liệt hơn. Trong quá trình chuyển hóa cấu trúc an ninh toàn cầu từ định hướng (đa cực) sang định hình (một hay nhiều trung tâm, từng nước hay nhóm nước, khu vực hay liên khu vực…). Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích tạo ra sự cân bằng hơn trong cán cân quyền lực quốc tế.

Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới, có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ và sức mạnh quân sự với ít đối thủ. Trong khi thực hiện “đồng bộ” các chiến lược, Washington đặt kế hoạch chấn hưng nền kinh tế, cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực vào giải quyết những vấn đề trong nước, chi phí quốc phòng tuy có giảm nhưng thực lực kinh tế-quân sự vẫn được nâng cao.

Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhóm BRICS, SCO... gia tăng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương, trọng điểm là khu vực Trung Đông. Năm 2015, thông qua việc “ra đòn” tấn công IS với hiệu quả bất ngờ khiến Mỹ và phương Tây buộc phải quan tâm đến vai trò của Nga và sự đồng thuận “hiếm hoi” Nga - Mỹ, khiến Nghị quyết mới về Syria của Liên hợp quốc cũng được ghi nhận trong năm 2015.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên thế giới; tranh chấp quyết liệt với Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương; mở rộng quan hệ với các đối tác lớn, áp dụng sách lược hòa dịu với các nước láng giềng, nhưng vẫn cứng rắn trong bảo vệ “lợi ích cốt lõi”. Nhân chuyến thăm Singapore (7/11), ông Tập Cận Bình còn ngang nhiên khẳng định: “các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa”. Do đó, Bắc Kinh phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình”.

Nhật Bản cũng đẩy mạnh điều chỉnh chính sách an ninh đối ngoại, coi trọng đầu tư nâng cao tiềm lực quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thông qua “Luật An ninh mới”, theo đó quân đội Nhật Bản có thể tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài. Tokyo cũng sửa đổi Luật Tổ chức Bộ Quốc phòng, chuẩn bị điều chỉnh Hiến pháp, tăng cường quan hệ đồng minh và chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, cải thiện quan hệ với các đối tác khu vực, nhằm thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”.

Ấn Độ cũng tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, thực hiện chính sách ngoại giao năng động, quyết đoán và thực dụng hơn nhằm từng bước trở thành cường quốc quân sự tại khu vực, nâng cao vị thế “nước lớn” trên trường quốc tế. Ấn Độ đang thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, triển khai thực hiện chính sách “Hướng Đông”, thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Ấn và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

EU vừa phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế, vừa phải đối mặt với các thách thức từ nạn di cư, khủng bố, vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga và nguy cơ dẫn đến nguy cơ chia rẽ nội bộ. Việc hơn một triệu người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi tràn vào khu vực đã đặt EU vào thế khó xử “tiến thoái lưỡng nan” trong việc bảo đảm an ninh.

Các nguy cơ về an ninh biển gia tăng

Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, lợi ích quốc gia sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hoà bình và phát triển của khu vực, khiến nguy cơ chạy đua vũ trang sẽ gia tăng trong năm 2016.

Một số nước đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để đạt tham vọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tìm kiếm lợi ích quốc gia khiến cho tình hình khu vực ngày càng căng thẳng, nguy cơ xảy ra va chạm và xung đột tại các vùng tranh chấp có xu hướng gia tăng, khiến quá trình xây dựng lòng tin chiến lược ngày càng khó khăn hơn.

Theo giới phân tích, do tính phức tạp và khó lường của các yếu tố an ninh ở Biển Đông, nhất là đối tượng chủ yếu tác động đến an ninh tại đây, nên có thể có nhiều kịch bản về an ninh được đề xuất, dự báo. Trong đó có hai kịch bản chủ yếu: một là, sự bất ổn về an ninh Biển Đông tiếp tục gia tăng; hai là, an ninh Biển Đông tương đối ổn định hơn năm 2015. Trong đó, kịch bản 1 có nhiều khả năng hơn, nhưng kịch bản 2 cũng không bị loại trừ.

Giới chuyên gia dự báo lý giải là, trong Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc năm 2016 là năm triển khai giai đoạn 2, với mục tiêu (2016-2030) phát triển toàn diện kinh tế biển, về quân sự họ sẽ xây dựng hệ thống phòng thủ  lấy Hải quân làm nòng cốt; chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” với “bảo vệ trên các đại dương”, khiến khả năng 1 có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cũng theo giới nghiên cứu Trung Quốc những giải pháp mà họ tiến hành năm 2015 là “5 ăn 5 thua” đã không nhận được sự đồng tình của thế giới và cả người dân Trung Quốc. Vì thế, tại Hội nghị ASEAN với các đối tác (8/2015), Trung Quốc đã đưa ra kiến nghị 10 điểm, trong đó có điểm thứ 6 nói về an ninh Biển Đông.

Việc khắc phục sự suy giảm kinh tế, Trung Quốc rất cần tạo được môi trường quốc tế thuận lợi, nhất là vấn đề an ninh Biển Đông có liên quan đến các nước láng giềng ASEAN, khiến cho tình hình an ninh tại khu vực có thể ổn định hơn trong năm 2016 so với năm 2015 cũng là khả năng không bị loại trừ.

Thách thức an ninh phi truyền thống vẫn không giảm

Cuộc chiến chống IS lôi kéo nhiều nước tham gia, song thiếu hợp tác chặt chẽ do tính toán lợi ích của các bên, nhất là giữa Nga - Mỹ - phương Tây nên tính phức tạp có thể còn kéo dài, nhất là trong bối cảnh Mỹ vẫn theo đuổi chiến lược “Đại Trung Đông” mới.

Mặc dù có một bước tiến quan trọng trong việc Liên hợp quốc ra Nghị quyết mới về Syria số 2245 với sự đồng thuận “hiếm hoi” của hai cường quốc Mỹ - Nga, nhưng để biến sự tách rời của 3 liên minh chống khủng bố thành mặt trận duy nhất do Liên hợp quốc lãnh đạo như Nga đề nghị hiện vẫn còn khó đoán định.

Vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, hàng hải, năng lượng, nguồn nước, kinh tế… ngày càng buộc các nước dù muốn hay không đều phải hợp tác liên kết với nhau để đối phó. Kết quả của COP 21 là một điển hình cho xu thế này.

Châu Á-Thái Bình Dương hiện vẫn là khu vực phát triển năng động, các nước lớn đẩy mạnh triển khai chiến lược cũng tạo ra những cơ hội và thách thức mới về an ninh. Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hoà bình và phát triển của khu vực, nhất là khả năng gia tăng các cuộc đấu tranh, xung đột “phi vũ trang”.

Tuy nhiên, với sức mạnh kinh tế vượt trội, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tiệm cận là “trung tâm quyền lực” của thế giới, các cường quốc đều đẩy mạnh triển khai chiến lược tại khu vực và sự cạnh tranh, tương tác của các chiến lược trên đã và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức về an ninh.

Như vậy, với những yếu tố tiền an ninh nguy hiểm của năm 2015 có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu năm 2016, nhưng theo giới chuyên gia thì tham vọng của các cường quốc vẫn chịu sự chế ước bởi xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hơn, sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, các nhân tố lợi ích toàn cầu ngày càng tăng… khiến những dự báo về an ninh toàn cầu năm 2016 được kỳ vọng là có độ dung sai không lớn.

Tuy nhiên, sự kiềm chế những tham vọng lợi ích của các cường quốc đến đâu để không làm gia tăng sự bất ổn về an ninh là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm gìn giữ hòa bình của cộng đồng quốc tế. Vì thế, sự kỳ vọng vào sự ổn định, hòa bình và phát triển trong năm 2016 của nhân loại vẫn còn đang ở phía trước.

Quang Huy