Những thách thức chờ Ngoại trưởng tương lai của Mỹ
(Dân trí) – Với việc được Tổng thống Barack Obama chỉ định thay bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sỹ John Kerry sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn gì trong nhiệm kỳ của mình, một khi được Thượng viện phê chuẩn?
Đúng như mong chờ của dư luận, ngày 22/12, Thượng nghị sỹ bang Massachusetts, cựu ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ năm 2004 John Kerry đã được Tổng thống Obama chỉ định thay bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ.
Giới phân tích dự đoán, ông Kerry sẽ phải đối mặt với 5 thách thức lớn trong nhiệm kỳ sắp tới, nếu như được Thượng viện phê chuẩn vào cương vị này.
Thứ nhất, cuộc chiến tại Syria đẫm máu và phức tạp hơn nhiều so với ở Lybia trước đây. Hiện vẫn chưa rõ nước Mỹ sẽ phải can thiệp như thế nào mới giải quyết được mớ bòng bong này, nhất là khi xét tới tầm quan trọng của Syria trong khu vực Trung Đông. Một mô hình can thiệp giống như ở Lybia sẽ không phù hợp vì Syria vừa là quốc gia đông dân, vừa có nhiều kho vũ khí hóa học đang nằm rải rác trên khắp cả nước.
Thứ hai, chính quyền Mỹ phải áp dụng chính sách rất linh hoạt trong việc hiện thực hóa chiến lược xoay trục an ninh sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm tránh một cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, Bắc Kinh đã tỏ ra rất cứng rắn với chính sách này. Vì vậy, tân Ngoại trưởng Mỹ phải rất nhạy cảm trong quan hệ với Bắc Kinh, cũng như với các nước khác ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm tránh dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh trong khu vực.
Thứ ba, ngoài Trung Quốc, việc duy trì quan hệ như thế nào với một nước Nga cứng rắn dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ là một thách thức không nhỏ của ông Kerry. Những khó khăn này được báo hiệu sẽ gai góc và khó chịu hơn nhiều so với việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Nga với cựu Tổng thống Dimtry Medvedev.
Thứ tư, mặc dù Mỹ đã hoàn thành việc rút quân an toàn khỏi Iraq, giúp đất nước này tạo lập được chính phủ đủ khả năng lãnh đạo và duy trì an ninh trong nước, song với Afghanistan, bài toán rút quân của Mỹ không đơn giản như vậy. Nhiều khả năng Washington vẫn sẽ phải tìm cách trở lại chiến trường Nam Á này, do vẫn có nhiều nghi ngờ về khả năng Afghanistan có thể tự đảm bảo được an ninh sau khi toàn bộ lực lượng chiến đấu nước ngoài rút hết khỏi đây vào cuối năm 2014.
Thứ năm, những người tiền nhiệm của ông Kerry như Colin Powell, Condoleezza Rice và Hillary Clinton đều không gặp phải bất kỳ khó khăn nào về vấn đề tài chính. Họ điều hành ngành ngoại giao Mỹ trong điều kiện chi tiêu ngân sách luôn tăng. Trong khi đó, ông Kerry sẽ phải bảo vệ những nhiệm vụ cốt lõi của ngành trong bối cảnh ngân sách sẽ bị cắt giảm mạnh, gây không ít khó khăn cho ông trong thời gian tới.
Cuối cùng là khả năng xảy ra một cuộc chiến với Iran. Tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran (có hay không có sự tham gia của Israel) sẽ là quyết định vô cùng khó khăn đối với ông Kerry, thậm chí khó hơn nhiều so với quyết định tăng gấp ba quân ở Afghanistan, sử dụng vũ lực lật đổ nhà lãnh đạo Lybia Muamar Gaddafi hay rút quân khỏi Iraq. Là một cựu chiến binh Việt Nam, dù cứng rắn nhưng biết rõ sự kinh hoàng của chiến tranh, John Kerry sẽ là một cố vấn quan trọng cho Tổng thống Obama đối với quyết định có tấn công Iran hay không trong một hai năm tới.
Linh Giang