1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tài khoản chìm của Trung Nam Hải

Ngay khi nhậm chức Tổng bí thư, ông Tập Cận Bình đã thực hiện quyết liệt chiến dịch chống tham nhũng để “thanh lọc” bộ máy đảng.

Trong nhiều tháng, Cốc Khai Lai lo ngại mọi việc sẽ đổ bể. Đó là lý do Cốc đầu độc đối tác doanh nghiệp Neil Heywood (người Anh) bằng trà và thuốc độc trong một khách sạn ở Trùng Khánh. Xác Neil Heywood được phát hiện 2 ngày sau.

Năm 2011, Cốc thừa nhận mình là thủ phạm. Lý do: Cốc lo sợ Heywood khai ra hàng triệu đôla cất trong một tài khoản nước ngoài, qua đó người ta sẽ biết bà dùng một công ty ở British Virgin Islands để che giấu quyền sở hữu biệt thự tên “Villa Fontaine Saint Georges” tại Cannes (Nam nước Pháp). Căn biệt thự được mua năm 2001 bằng tiền của doanh nhân Từ Minh, tay chân của Bạc Hy Lai.

Tài liệu nhân thân từ hồ sơ Panama Papers (theo chiều đồng hồ từ góc trái trên): Patrick Henri Devillers, Giả Lệ Thanh, Hồ Đức Hoa, Đặng Gia Quý và Lý Tiểu Lâm
Tài liệu nhân thân từ hồ sơ Panama Papers (theo chiều đồng hồ từ góc trái trên): Patrick Henri Devillers, Giả Lệ Thanh, Hồ Đức Hoa, Đặng Gia Quý và Lý Tiểu Lâm

Từ Minh lách luật chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách làm hồ sơ giả mua một công ty thép để chuyển 3,2 triệu USD ra khỏi Trung Quốc. Từ “công ty thép”, tiền được chuyển qua Công ty Russell Properties S.A. (British Virgin Islands) thuộc sở hữu bí mật của Từ Minh và doanh nhân - kiến trúc sư Pháp Patrick Henri Devillers; rồi từ Russell Properties, tiền được đưa vào Pháp để mua căn biệt thự.

Trên giấy tờ, Cốc Khai Lai và Bạc Hy Lai chẳng liên quan gì đến Russell Properties - công ty được Hãng luật Mossack Fonseca bảo lãnh. Quản lý biệt thự được giao cho Heywood, đổi lại, đương sự được hưởng một thương vụ bất động sản tại Trùng Khánh. Tuy nhiên, Heywood cho rằng, những gì mình nhận được không xứng đáng và không công bằng.

Đầu năm 2011, Heywood gặp Bạc Qua Qua (con Bạc Hy Lai) yêu cầu gia đình Bạc đưa thêm tiền, nếu không, mọi việc sẽ bị phanh phui. Cốc và Heywood gặp nhau ngày 13-11-2011 tại khách sạn Lucky Holiday ở Trùng Khánh. Họ ăn tối rồi vào phòng riêng của Heywood để uống rượu. Heywood uống nửa chai whiskey Royal Salute và bắt đầu nôn. Khi được đưa lên giường, nạn nhân đòi uống nước. Cốc pha trà trộn thuốc chuột rồi dùng thìa đút cho nạn nhân. Chờ đến khi Heywood tắt thở, Cốc trở về phòng riêng.

Hơn 2 tuần sau, Panama Papers cho biết, Hãng luật Mossack Fonseca chuyển quyền sở hữu Russell Properties S.A. (nơi quản lý căn biệt thự của Cốc) cho Patrick Henri Devillers.

Ngày 7-6-2012, giới chức tài chính British Virgin Islands thực hiện điều tra Russell Properties, yêu cầu Mossack Fonseca cung cấp tên chủ sở hữu, giám đốc và nhiều chi tiết khác. 4 ngày sau, một nhân viên Mossack Fonseca gửi e-mail nội bộ đến các đồng nghiệp, cho biết Devillers có liên quan một cuộc điều tra tại Trung Quốc. Điều này cho thấy Mossack Fonseca biết rõ họ đang giao dịch bất hợp pháp với ai và như thế nào.

Với bộ tài liệu khổng lồ “Panama Papers” liên quan Mossack Fonseca, nơi chuyên giúp thành lập công ty trá hình ở những nước dễ trốn thuế, người ta biết rằng không chỉ Cốc Khai Lai mà còn có nhiều thành viên gia đình giới chức... Bắc Kinh cũng gian lận và giấu giếm tài sản với giá trị khổng lồ. Một trong những khách hàng của Mossack Fonseca là Đặng Gia Quý, anh rể ông Tập Cận Bình (tức chồng bà Tập Kiều Kiều).

Tài liệu cho thấy, Đặng Gia Quý mua một công ty nước ngoài thông qua Mossack Fonseca vào năm 2004 và hai công ty nữa năm 2009 (Supreme Victory Enterprises Ltd, Best Effect Enterprises Ltd và Wealth Ming International Ltd). Supreme Victory giải thể năm 2007 và hai công ty còn lại bắt đầu ngưng hoạt động vào trước thời điểm ông Tập lên ghế Tổng bí thư năm 2012.

Cần biết, Đặng Gia Quý cùng Tập Kiều Kiều sở hữu nguồn tài sản khổng lồ, chuyên thầu xây dựng và khai thác khoáng sản. Năm 2012, họ được ghi nhận có 376 triệu USD cổ phần trong các công ty khác nhau và một cổ phần gián tiếp 18% trong một công ty khoáng sản trị giá 2 tỉ USD…

Ngoài Đặng Gia Quý còn có Lý Tiểu Lâm, con gái của ông Lý Bằng (thủ tướng từ 1987-1998). Cùng chồng, Lý Tiểu Lâm sở hữu Cofic Investments (British Virgin Islands). Gia sản Lý Tiểu Lâm hiện ước tính khoảng 550 triệu USD. Được gọi là “nữ hoàng quyền lực”, bà Lý hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn Điện lực nhà nước China Datang Corporation.

Nổi tiếng xài sang, Lý thường xuất hiện với những bộ đồ sang trọng hiệu Gucci và từng bị Hiệp hội Ký giả điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui rằng bà, cùng chồng (Lưu Trí Nguyên) có 5 tài khoản trị giá 2,48 triệu USD vào năm 2006-2007.

Nhân vật phải kể nữa là Lý Tử Đan, cháu gái của Giả Khánh Lâm (nhân vật thứ tư trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị cho đến năm 2012), là chủ công ty Harvest Sun Trading Ltd khi cô này còn là sinh viên Đại học Stanford. Harvest Sun trước kia được đứng tên bởi Trương Du Bình, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Hãng phân phối đồng hồ cao cấp lừng danh Hanh Đắc Lợi (chuyên bán đồng hồ Thụy Sĩ cho giới nhà giàu Trung Quốc).

Tháng 12-2010, hồ sơ lưu Mossack Fonseca cho biết, họ Trương chuyển quyền sở hữu cho Lý Tử Đan với giá… 1USD!

Ngoài Harvest Sun, Lý Tử Đan còn có công ty trá hình nữa, tên Xin Sheng Investments. Lý dùng hai công ty này để thành lập hai công ty khác tại Bắc Kinh. Nổi tiếng ăn chơi xa xỉ, Lý Tử Đan từng xuất hiện trên tạp chí thời trang Vogue với bức ảnh vận chiếc váy hiệu Carolina Herrera chụp tại Hotel de Crillon (Paris) năm 2009, cạnh công nương Kitty Spencer (cháu của công nương Diana) cùng con gái diễn viên điện ảnh Clint Eastwood.

Con rể của đương kim Phó thủ tướng Trương Cao Lệ - Lý Thánh Bát - là cổ đông của ba công ty tại British Virgin Islands: Zennon Capital Management, Sino Reliance Networks Corporation và Glory Top Investments Ltd. Lý Thánh Bát lấy con gái nuôi của Trương Cao Lệ. Ở thời điểm Trương Cao Lệ thăng tiến vào Bộ Chính trị, Lý Thánh Bát là giám đốc của 17 công ty tại Hongkong và từng là một cổ đông trong Zennon Capital Management, đăng ký tại British Virgin Islands.

Con dâu của đương kim Trưởng ban tuyên giáo Lưu Vân Sơn - Giả Lệ Thanh (tức vợ của Lưu Lạc Phi) - là giám đốc kiêm cổ đông Ultra Time Investments Ltd (British Virgin Islands). Giả Lệ Thanh là con gái của cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Giả Xuân Vượng. Cho đến cách đây không lâu, Lưu Lạc Phi còn là Phó chủ tịch Citic Securities, phân nhánh của một tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc và Giả Lệ Thanh từng làm việc cho Tập đoàn Tài chính Mỹ Merrill Lynch cho đến năm 2014.

Anh của Tăng Khánh Hồng (Phó chủ tịch Trung Quốc 2002-2007) - Tăng Khánh Hoài - là giám đốc công ty trá hình China Cultural Exchange Association Ltd đăng ký tại đảo Niue sau đó chuyển sang Samoa (cùng ngồi ghế điều hành với Tăng Khánh Hoài là một “công tử đỏ” nữa: Điền Thừa Cương, con của cựu Phó thủ tướng Điền Kỷ Vân).

Con của Hồ Diệu Bang (Tổng bí thư 1982-1987) - Hồ Đức Hoa - là Giám đốc - cổ đông của Fortalent International Holdings Ltd tại British Virgin Islands. Cháu rể của Mao Trạch Đông - Trần Đông Thăng - là giám đốc một công ty bảo hiểm và từng là giám đốc Công ty Keen Best.

Cần nói thêm, việc làm ăn của “con ông cháu cha” tại Trung Quốc lâu nay đã không còn là bí mật. Giang Miên Hằng, con của Giang Trạch Dân là người đưa Hãng phim Mỹ DreamWorks Animation tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Như kinh tế gia người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân nhận xét: Nơi nào có lợi nhuận, họ luôn có mặt ở đầu dãy xếp hàng. Ôn Vân Tùng, con của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, là chủ tập đoàn viễn thông vệ tinh lớn nhất nhì châu Á. Hồ Hải Phong, con của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng quản lý một công ty nhà nước độc quyền thầu lắp camera an ninh tại các sân bay, hải cảng và trạm tàu điện ngầm.

Năm 2006, Phùng Thiệu Đông, con rể Ngô Bang Quốc, từng giúp Merrill Lynch giành một thương vụ đưa Ngân hàng nhà nước Trung Quốc I.C.B.C. lên sàn. Chu Vân Lai, con của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, từng có mặt trong Tập đoàn China International Capital Corporation, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc. Tăng Chi Kiệt, con của cựu ủy viên Bộ Chính trị Tăng Bồi Viêm, là đối tác quản lý Hãng tài chính Kaixin Investments…

Theo

PetroTimes