1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những sự thật ít biết về nhà sáng chế vũ khí Nga Kalashnikov

(Dân trí) - Là nhà phát minh mẫu súng trường lừng danh AK-47, một trong những loại vũ khí phổ biến nhất thế giới, nhưng ít ai biết rằng ông Mikhail Kalashnikov được sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường và ít được đào tạo về kỹ thuật.

Ông Mikhail Kalashnikov, cựu trung sỹ của Hồng quân Liên Xô, và là cha đẻ của mẫu súng trường tấn công lừng danh AK-47 cùng nhiều phiên bản cải tiến sau này, đã qua đời hôm 23/12 tại một bệnh viện ở Izhevsk, Nga, hưởng thọ 94 tuổi.

Ông Mikhail Kalashnikov đã qua đời ở tuổi 94
Ông Mikhail Kalashnikov đã qua đời ở tuổi 94

Ông sống tại thành phố Izhevsk, thủ đô nước Cộng hòa Udmurtia, trực thuộc Liên bang Nga. Viktor Chulkov, một người phát ngôn của Tổng thống nước cộng hòa này đã xác nhận thông tin trên nhưng không cho biết nguyên nhân ông Kalashnikov qua đời. Nhưng từ tháng trước ông đã phải nhập viện vì lí do sức khỏe.

Sinh thời, Kalashnikov là một đứa trẻ ốm yếu trong gia đình một nông dân bình thường, và không có vẻ gì sẽ trở thành một người có danh tiếng khắp thế giới. Tại quê nhà, ông đã trở thành một anh hùng của nhân dân, trong khi ở nước ngoài ông là một người nổi tiếng.

Điều đặc biệt hơn ở nhà thiết kế vũ khí quân sự này đó là ông hầu như không được đào tạo nhiều về kỹ thuật, nhưng lại trở thành “ngôi sao” của ngành công nghiệp vũ khí Xô Viết, và công du khắp thế giới, kể cả tới Mỹ, với tư cách bộ mặt của ngành vũ khí nước mình.

Jim Supica, giám đốc bảo tàng vũ khí quốc gia của Mỹ đã gọi ông Kalashnikov là “gã khổng lồ của ngành thiết kế vũ khí. Tài năng thiên bẩm của Kalashnikov trong thiết kế súng trường quân sự thể hiện ở mức chi phí sản xuất rẻ, mạnh mẽ và đáng tin cậy”.

Cho đến nay, mặc dù không có con số thống kê chính xác nhưng ước tính đã có khoảng 100 triệu khẩu AK-47 được sản xuất trên thế giới. Loại vũ khí này xuất hiện trên khắp các chiến trường từ Việt Nam tới Trung Quốc, Ai Cập, I rắc, Phần Lan, Angola, Algeria…Trong cuộc chiến tại Việt Nam, không ít binh lính Mỹ sẵn sàng vứt bỏ những khẩu M-16 được trang bị để nhặt lấy AK-47 trên chiến trường, do chúng có độ ổn định cao hơn.

Một thiết kế ra đời trên chiến trường

Mikhail Timofeyevich Kalashnikov sinh ngày 10/11/1919 tại Kurya, một ngôi làng ở miền Trung nước Nga. Gia đình ông có tối 18 anh chị em, ông là con thứ 8, nhưng cũng chỉ có 8 người sống qua tuổi thành niên.

Kalashnikov đã đi khắp thế giới với tư cách đại diện cho ngành vũ khí Nga
Kalashnikov đã đi khắp thế giới với tư cách đại diện cho ngành vũ khí Nga

Khi Liên Xô tiến hành lập các nông trường tập thể, gia đình Kalashnikov bị xếp vào diện “kulak”, hay những nông dân giàu có, nên bị lưu đày sang vùng Tomsk Oblast ở Siberia năm 1930.

Một năm sau đó, cha của Mikhail Kalashnikov qua đời, và mẹ ông sau đó kết hôn cùng với người khác đã có 3 con riêng. Ở tuổi 16, Mikhail Kalashnikov bỏ nhà sang Kazakhstan, nơi ông được nhận vào làm ở một nhà ga đường sắt trên tuyến đường từ Siberia đi Turkistan.

Đến năm 1938, khi gia nhập Hồng quân Liên Xô, kỹ năng sử dụng công cụ cơ khí giúp ông được phân về một đơn vị thiết giáp, và sao đó được trang bị xe tăng T-34 mới. Trong thời gian này, ông đã sáng chế ra thiết bị để đo thời gian động cơ xe tăng hoạt động và số viên đạn đã được súng máy của xe bắn ra.

Trong trận chiến năm 1941 khi quân phát xít Đức xâm chiếm khu vực Bryansk ở phía Tây nước Nga, trung sỹ Kalashnikov khi ấy bị thương vào ngực và vai.

Trong lúc nằm viện tại Yelets, phía Nam Mátxcơva, ông cho biết mình đã nghe được những bàn luận sổi nổi từ các đồng đội về những thứ vũ khí tuyệt vời mà quân Đức sở hữu, cũng như sự thiếu thốn của người Nga. Điều họ không hài lòng nhất là những khẩu súng trường, vốn thường chỉ bắn được từng viên một.

Trong thời gian được nghỉ phép 6 tháng, Kalashnikov trở lại Kazakhstan và ga đường sắt cũ. Ông đã họp mặt với các đồng nghiệp để thiết kế và chế tạo một phiên bản mẫu loại súng máy mới, trước khi trình lên cấp trên để đánh giá.

Khẩu súng ngay lập tức bị bác bỏ do không có cải tiến gì so với những vũ khí đã có lúc bấy giờ. Nhưng người thiết kế nó được trao một nhiệ vụ mới. Ông được cử đến làm tại một loạt phòng thí nghiệm vũ khí thường là tại các thành phố bí mật.

Ban đầu, Kalashnikov và nhóm thợ cơ khí và kỹ sư tập trung vào các loại súng hơi, súng cacbin bán tự động, và ứng dụng công nghệ mới được sử dụng trong súng trường M-1 Garand của quân đội Mỹ, và một phiên bản trước đó của Liên Xô. Nhưng thiết kế của họ đã không vượt qua phiên bản của các phòng thí nghiệm khác.

Sử dụng nguyên lý tương tự - dẫn luồng hơi tạo ra từ việc bắn một viên đạn để đẩy một viên đạn khác vào khoang chứa - nhóm thiết kế của ông đã phát triển ra AK-47. Mẫu súng này đã giành giải nhất một cuộc thi chế tạo súng trường tự động toàn quốc.

Kế từ đây, danh tiếng của Kalashnikov bắt đầu được biết tới. Ông giành vô số các giải thưởng, huy chương và được tôn vinh bởi là một nhà thiết kế xuất thân từ nông dân. Ông đã giành giải thưởng cấp nhà nước Liên Xô và giải thưởng Stalin năm 1949. Sau đó ông hai lần được phong anh hùng lao động Xã hội chủ nghĩa và hai lần nhận giải thưởng Lenin cùng nhiều giải thưởng khác.

Sau khi Liên Xô tan rã, ông Kalashnikov tiếp tục làm việc tại nhà máy vũ khí tại thành phố Izhevsk, Nga. Ông cho các nhà sản xuất rượu vodka, ô, dao bỏ túi và các đồ dùng khác mượn tên mình để quảng bá sản phẩm, tuy nhiên kết quả cũng không được như mong muốn.

Vợ ông, bà Ekaterina Viktorovna, cũng làm tại nhà máy vũ khí ở Izhevsk trước khi qua đời năm 1977. Họ cùng có 3 người con.

Trong các cuộc phỏng vấn sau này, ông thường được hỏi về cảm nhận ra sao trước những tổn thất và đau đớn mà thứ vũ khí mình chế tạo gây ra. Nhưng thường ông luôn trả lời với nội dung tương tự như phát biểu tại điện Kremlin trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của mình năm 2009: “Tôi ngủ ngon”, ông nói. “Tôi tạo ra một thứ vũ khí để bảo vệ tổ quốc. Việc nó đôi khi được sử dụng cho những mục đích khác không phải lỗi của tôi. Đó là lỗi của các chính trị gia”.

Thanh Tùng
Theo Washington Post