1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua

(Dân trí) - Thế giới đã trải qua một năm với nhiều biến động. Vấn đề nóng bỏng nhất vẫn là khủng bố. Lần đầu tiên kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, châu Âu, mà cụ thể là nước Anh đã bị “hỏi thăm”. Bất ổn còn xảy ra ở ngay trong lòng Trái đất, con người bị đe dọa bởi hàng loạt các vụ thiên tai như động đất ở Nam Á, bão ở châu Mỹ...

1. Tổng thống Mỹ Bush tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2

 

Năm 2005 mở màn bằng sự kiện Tổng thống Mỹ Bush tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào trưa ngày 20/1. Đây là thời điểm mà cả thế giới chứ không riêng gì người dân nước Mỹ dõi theo. Bởi chính sách đối nội và đối ngoại của một nước hùng mạnh nhất thế giới ít nhiều đều có ảnh hưởng đến tất cả các nước còn lại.

 

Trong nhiệm kỳ lần thứ hai này, người đứng đầu nước Mỹ kêu gọi sức mạnh cho tự do của con người trên khắp thế giới, chặn đứng nạn khủng bố trên toàn cầu bằng cách kêu gọi sự hợp sức của tất cả các nước trên thế giới, hứa sẽ hàn gắn những rạn nứt chính trong lòng nước Mỹ và thuyết phục người dân hãy kiên nhẫn với cuộc chiến ở Iraq. Lý lẽ của Bush là: “Sự tồn tại của tự do trên mảnh đất của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào sự thành công của tự do trên những mảnh đất khác".

 

Như vậy những cam kết trên không hoàn toàn ám chỉ một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Bush ở nhiệm kỳ 2 này hoặc ''một sự cải thiện lớn'' theo cách nói của Thượng nghị sĩ Joe Biden - Nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện. Thậm chí nhiều người còn cho rằng các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, nhất là khi Bush chọn cố vấn an ninh Rice làm ngoại trưởng Mỹ, một nhân vật được đánh giá là thiếu khả năng để có một đường lối ngoại giao thông thoáng, mềm dẻo.

 

2. Giáo hoàng John Paul II qua đời

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 1
 

Giáo hoàng John Paul II là vị giáo hoàng có ảnh

hưởng nhất trong thế kỷ 20.

21h37’ngày 02/4, sau nhiều ngày bất tỉnh, Giáo hoàng John Paul II đã qua đời tại Vatican, thọ 84 tuổi. Sự ra đi của Giáo hoàng để lại thương tiếc của hơn một tỷ tín đồ Thiên chúa trên khắp thế giới . Bởi ông được coi là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong số các vị lãnh tụ tinh thần của toàn cầu trong suốt 26 năm “trị vì”. Ông là vị giáo hoàng không phải là người Italy đầu tiên trong suốt lịch sử hơn 450 năm của đạo Thiên chúa, mở ra một tương lai mới cho vị trí người đứng đầu Vatican.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã phát biểu: “Ngoài vai trò là lãnh tụ tinh thần cho hơn một tỷ người, ngài còn là người bảo vệ hoà bình không mệt mỏi, là một người tiên phong đích thực cho đối thoại giữa các tôn giáo và là động lực mạnh mẽ cho việc tự phê bình trong Nhà thờ”.

 

3.  Đánh bom khủng bố ở London

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 2
 

Chiếc xe buýt hai tầng bị nổ tung trên đường phố London.

Trong khi mọi con mắt chú ý đều dồn về hội nghị thượng đỉnh G8 vừa khai mạc tại Scotland, thì sáng ngày 7/7, cả London rơi vào hoảng loạn, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ liên tiếp bị rung chuyển bởi 4 vụ đánh bom khủng bố nhằm vào các ga tàu điện ngầm và xe buýt. Các vụ đánh bom được dàn xếp đúng vào giờ cao điểm, đã khiến 56 người thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương.

 

Nhưng chưa hết hoàng hồn, đúng hai tuần sau, ngày 21/7, London một lần nữa lại rung chuyển bởi bom đạn, khi phải hứng chịu một kịch bản đánh bom tương tự: 4 vụ nổ ở 3 ga tàu điện ngầm, và một xe buýt. Lần này, London đã may mắn hơn, chỉ có một người bị thương.

 

Các vụ tấn công khủng bố trên được coi như là vụ tấn công 11/9 nhằm vào nước Anh. Đây là lần đầu tiên châu Âu bị al-Qaeda “sờ gáy”, như đã làm với Mỹ 4 năm về trước. Và đây cũng được coi như lời đe doạ, thách thức của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đối với những nước là đồng minh của Mỹ, đã gửi quân đến Iraq. Sự kiện cũng cho thấy cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu mà Mỹ là người khởi sướng vẫn đang hết sức khó khăn.

 

4. Hàng loạt các vụ tai nạn máy bay trên thế giới

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 3
 

Những gì còn lại của chiếc máy bay Hi Lạp.

6 vụ tai nạn máy bay trong vòng 5 tuần từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9. Thảm họa xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, từ Canada, Italy, Hy Lạp, Peru, Venezuela, đến Indonesia, cướp đi sinh mạng của gần 500 người.

 

“Mở màn” cho “vòng xoáy” các vụ tai nạn này là vụ một máy bay của hãng hàng không Pháp trượt khỏi đường băng và bốc cháy tại sân bay Toronto, Canada ngày 2/8. Rất may tất cả các hành khách đều thoát khỏi máy bay trước khi nó bốc cháy dữ dội trong 2 giờ liền, giống như một cảnh trong phim của Hollywood.

 

Sau đó là 3 vụ rơi máy bay thảm khốc khác. Vụ thứ nhất là vào ngày 14/8, khi một máy bay của hãng hàng không đảo Síp đã rơi ở Athens, Hy Lạp, khiến 121 người thiệt mạng. Và người ta còn cho rằng chiếc máy bay giống như một “hầm mộ băng di động” trước khi nó lao xuống đất. Vụ thảm khốc thứ hai chỉ cách đó có hai ngày, vào 16/8, của hãng hàng không Colombia rơi tại Venezuela, khiến toàn bộ 161 người trên máy thiệt mạng. Và cuối cùng là vụ máy bay Indonesia lao xuống một khu dân cư ở Medan, khiến 150 người thiệt mạng.

 

Đó là chưa kể đến hàng chục các vụ tai nạn, sự cố máy bay nhỏ khác ở Anh, ở Mỹ, ở Nga, ở Australia, ở Italy, ở Phần Lan... Tất cả đã khiến người ta không khỏi nghi ngờ về mức độ an toàn của hàng không thế giới, tạo ra tâm lý “sợ đi máy bay” của rất nhiều hành khách. Nhưng các chuyên gia về hàng không đã phủ nhận nghi ngờ đó, khẳng định hàng không thế giới an toàn hơn bao giờ hết, bởi các máy bay được trang bị hệ thống hiện đại hơn, dĩ nhiên là tốt hơn. Và các vụ tai nạn máy bay lớn thường xảy ra đối với các hãng hàng không ở các nước kém, hoặc đang phát triển, nơi có hệ thống máy bay không hiện đại, tối tân bằng các nước phát triển khác.

 

5. Bão Katrina

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 4
 

Bão Katrina tàn phá New Orleans, Mỹ.

Trận bão Katrina quét qua các bang ven biển nằm trong vịnh Mexico là một trong những trận bão có sức tàn phá lớn nhất trong suốt lịch sử 20 năm qua của nước Mỹ. Bắt đầu tràn vào Florida ngày 25/8, nhưng chưa dữ dội, rồi mạnh dần khi tràn vào các bang Louisiana, Mississippi và Alabama. Ngày 30/8 khoảng 80% New Orleans, Lousiana, thành phố thấp hơn mực nước biển 2 m, ngập trong nước. 100.000 nghìn người bị mắc kẹt trong thành phố, hàng tuần trời không có thức ăn, nước sạch để uống. Xác chết nổi khắp nơi trong dòng nước đen kịt vì dầu loang từ hàng nghìn chiếc xe hơi. Trong lúc hoang mang, nhiều người dự đoán số người thiệt mạng ở New Orleans có thể lên đến hàng chục ngàn.

 

Trong khi đó, chính phủ Mỹ đã tỏ ra lúng túng trước việc tìm kiếm và cứu trợ. Khi bão đã đi qua hàng nửa tháng, rất nhiều người vẫn còn bị mắc kẹt ở New Orleans, vẫn rất nhiều người bị chết đói chết khát.

 

Trước sự chỉ trích từ nhiều phía, Tổng thống Bush cuối cùng cũng phải thừa nhận chính phủ đã quá chậm chễ trong việc cứu trợ. Và lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ phải cầu cứu NATO và các nước phương Tây giúp đỡ họ khắc phục hậu quả Katrina. Những nước hiềm khích với Mỹ như Cuba, Venezuela hay những nước nghèo nhất thế giới cũng mở rộng tay muốn được ủng hộ các nạn nhân của trận bão.

 

Hơn 1.000 thiệt mạng, tổn thất hơn 100 tỷ USD, và phải mất nhiều năm để khôi phục lại những vùng bị bão tàn phá, không phải là những con số cụ thể cuối cùng mà người ta nói về trận bão Katrina ở nước Mỹ. Xa hơn nữa là sự mất lòng tin của người dân Mỹ vào chính phủ, là giấc mộng về một “American dream” bị tan vỡ, là sự kỳ thị chủng tộc, khoảng cách giàu – nghèo, và khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp của chính quyền của một nước hùng mạnh nhất thế giới.

 

6. Israel rút khỏi 25 khu định cư Do Thái ở Gaza và Bờ Tây

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 5
 

30% người định cư Do Thái không muốn rời bỏ nhà cửa

của họ.

Đúng theo kế hoạch triệt thoái khỏi Gaza của Thủ tướng Sharon được Quốc hội Israel thông qua hồi tháng 10/2004, ngày 15/8/2005, Israel bắt đầu chiến dịch rút khỏi 21  khu định cư Do Thái tại vùng đất duyên hải Gaza và 4 khu định cư khác ở Bờ Tây.

 

Vậy là sau gần 40 năm chiếm đóng, chính người đã tiên phong trong kế hoạch dựng các khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine đã phải tự nguyện rút lui, để tự thoát khỏi mớ bòng bong của các cuộc xung đột kéo dài không dứt, gây thiệt hại nặng nề cả về người lẫn của cho Israel. Sharon “thú nhận” rằng chiếm đóng “là điều kinh khủng cho Israel, cho Palestine, và cho kinh tế của Israel.”

 

Sự kiện rút quân hứa hẹn sẽ khép lại một chương bất ổn tại vùng đất do Tel Aviv chiếm đóng từ cuộc chiến Trung Đông năm 1976. Với chính quyền Mỹ, đây là một bước tiến quan trọng giúp họ trở lại Lộ trình hoà bình Trung Đông đang bị bỏ ngỏ, lộ chình mà họ kêu gọi sự hoà giải giữa Israel và Palestine, kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập dân chủ, tồn tại song song cùng nhà nước Israel được bảo toàn về an ninh.

 

Nhưng những vướng mắc vẫn còn đó. Thứ nhất, người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza vẫn bị chia cắt, vẫn chưa có một “con đường an toàn” nào như trong hiệp ước Olso giữa những năm 1990 được áp dụng. Thứ hai, người Palestine vẫn mong mỏi một cuộc rút lui sâu rộng hơn nữa của Israel ở vùng đất Bờ Tây rộng lớn. Thứ ba, Palestine và Israel vẫn chưa thống nhất được về việc khôi phục lại một sân bay của Palestine, mở cửa một hải cảng, và về việc đi lại của người Palestine và vận chuyển hàng hoá ra vào Dải Gaza.

 

7. Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu VI

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 6
 

Tàu Thần Châu được phóng lên vũ trụ.

Sáng sớm ngày 12/10, con tàu mang theo hai phi hành gia Trung Quốc Fei Junlong và Nie Haisheng, đã được phóng lên không trung từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, phía tây bắc nước này, trong một sứ mệnh dài hơn, mạo hiểm hơn so với lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc cách đây hai năm. Và đúng 5 ngày sau, hai nhà du hành vũ trụ đã hoàn thành sứ mệnh ngoài không gian của mình, hạ cánh an toàn xuống trái đất ngay trước bình minh.

 

Sự kiện này không chỉ thu hút được sự quan tâm của người Trung Quốc mà còn cả nhiều nước trên thế giới, bởi nó đánh dấu sự thay đổi về cách nhìn của thế giới đối với Trung Quốc. Tờ Arab News bình luận: “Đã đến lúc thế giới bắt đầu nhận ra rằng Trung Quốc chuẩn bị trở thành một “gã” khổng lồ kinh tế cũng như công nghệ tinh vi.”

 

Ngoài ra, sự kiện được cho là niềm vui, niềm tự hào của người Trung Quốc lại là mối lo ngại của hai nước Nga và Mỹ. Người Mỹ giờ bắt đầu nhận ra rằng: “vị trí bá chủ về kinh tế của họ, chứ chưa nói đến quân sự, đang bị thách thức lớn bởi một nước Trung Quốc quả quyết và đầy tự tin.” (Ảrập News)

 

8. Xét xử Saddam Hussein

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 7
 

Saddam tranh cãi quyết liệt trước tòa.

Ngày 19/10, sau hai năm bị lực lượng Mỹ ở Iraq giam giữ trong một nhà tù bí mật ở Baghdad, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein lần đầu tiên được đưa ra tòa xét xử cùng với 7 cựu quan chức trong chế độ cũ của mình. Trong lần xét xử này, Saddam bị buộc tội đã giết hại 143 người Kurd trong một cuộc tàn sát năm 1982, được cho là để trả thù cho vụ ám sát hụt Saddam.

 

Trước tòa, với gương mặt hốc hác hơn, Saddam tuyên bố mình vô tội, và khẳng định vẫn là Tổng thống của Iraq, do đó, phiên tòa xét xử ông không hợp lệ. Phiên xét xử đã khép lại sau 2 tiếng đồng hồ và phải hoãn đến ngày 28/11.

 

Báo chí Ảrập bình luận đây là “phiên tòa của thế kỷ”, và là “bước ngoặt lịch sử của thế giới Ảrập” (Daily Star). Lần đầu tiên một lãnh đạo Ảrập bị đem ra xét xử bởi một tòa án của chính nước Ảrập đó vì tội ác chống lại người dân nước mình. Nhưng khó có thể nói việc kết tội Saddam lại có thể giải phóng Iraq khỏi bạo lực và bất ổn.

 

Cả đất nước Iraq đã theo dõi phiên xét xử, với những tình cảm và phản ứng khác nhau. Người thì hân hoan, muốn trừng phạt đích đáng vị cựu Tổng thống của họ, người thì tỏ ra thông cảm, và hoài nghi về sự công bằng của phiên tòa nói là của chính người Iraq, nhưng có sự hẫu thuận hùng mạnh của Mỹ.

  

9. Cúm gia cầm tái bùng phát trên toàn thế giới

 

 

Những sự kiện thế giới nổi bật năm qua - 8
 

Phun thuốc chống cúm gia cầm.

Không lâu sau đại dịch cúm gia cầm bùng phát ở châu Á từ cuối năm 2003 vừa đi qua, thì đầu tháng 6/2005, một đại dịch cúm gia cầm mới lại tái bùng phát, lần này lan rộng trên toàn thế giới, từ châu Á (Việt Nam, Indonesina, Trung Quốc (Tây Tạng), Thái Lan, Campuchia...), châu Âu (Nga, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Rumania, Croatia), sang châu Mỹ (Canada). Và gần đây ngày 10/11, Kuwait thông báo đã phát hiện hai con chim ở nước này đã nhiễm cúm gia cầm.

  

Nguy hiểm nhất là khi virus cúm gia cầm có khả năng biến đổi, và có thể lây lan từ người sang người, một đại dịch khủng khiếp sẽ bùng pháp. WHO cảnh báo, nếu trường hợp xấu nhất đó xảy ra, thì mạng sống của khoảng 5 – 15 triệu người trên thế giới sẽ không được bảo toàn.

 

Trang Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm