1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những sự kiện châu Á nổi bật năm 2007

(Dân trí) - Châu Á trong năm 2007 đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng như CHDCND Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ và tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, trung tâm sản xuất của thế giới Trung Quốc đối mặt với hàng loạt vụ bê bối an toàn hàng hóa, chuyển giao chính trị ở Nhật Bản…

Khủng hoảng tại Pakistan

 

Ngày 11/11, Tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Pakistan Pervez Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp, với hi vọng có thể giữa vững được quyền lực trước hàng loạt thách thức. Nhiều cuộc biểu tình trên đường phố đã nổ ra nhằm ủng hộ tòa án độc lập, bị ông Musaharraf sa thải theo lệnh tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, ông Musharraf còn phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng từ những chiến binh Taliban trên đất Pakistan, đặc biệt là ở miền tây bắc và hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở các thành phố.

 

Rắc rối như dồn dập đến với ông Musharraf sau cuộc khủng hoảng bạo lực với các phần tử cực đoan cố thủ trong ngôi Đề Đỏ ở thủ đô vào tháng 7, và sự trở về của hai cựu thủ tướng lưu vong đòi phục hồi lại chính quyền dân sự. Tuy nhiên, ông Musharraf vẫn hi vọng sẽ giải quyết được căng thẳng và vẫn đứng vững trên cương vị là tổng thống sau khi đã từ bỏ chức tổng tư lệnh quân đội.

 

Sự lớn mạnh của Taliban

 

Ngày 29/9, một kẻ đánh bom liều chết Taliban đã giết chết 35 lính Afghanistan và 2 thường dân trong một vụ tấn công đẫm máu nhất trong năm tại Kabul. Hơn 5.000 người Afghanistan đã bị mất mạng trong làn sóng đánh bom và tấn công của các chiến binh. Mục đích của những cuộc tấn công trên là nhằm buộc binh lính nước ngoài phải rút khỏi Afghanistan. Bất chấp sự hiện diện của 40.000 lính NATO, đến mùa thu năm 2007, Taliban đã kiểm soát được một vùng đất rộng lớn của Afghanistan, và chúng còn dự định sẽ tiếp tục mở một đợt tấn công mới vào mùa xuân tới.

 

CHDCND Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân

 

Ngày 13/2, nhiều tháng sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân gây xôn xao dư luận, CHDCND Triều Tiên tại bàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh đã đồng ý sẽ có những bước đi đầu tiên tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Cam kết bao gồm Bình Nhưỡng sẽ ngưng và dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân ở khu liên hợp Yongbyon để đổi lại lấy viện trợ về năng lượng. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của thỏa thuận lại là lời hứa về đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên qua một diễn đàn riêng, tiến tới kết thúc xung đột và bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ. Dẫu tiến độ thực hiện cam kết vẫn còn chậm, nhưng nó là có thật.

 

Đại nhảy vọt của các công ty Trung Quốc

 

Ngày 5/11/2007, PetroChina, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, đã trở thành công ty lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường vượt 1.000 tỷ USD ngay trong ngày niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Hiện 5 trong top 10 công ty có giá trị lớn nhất thế giới thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại lo sợ rằng thị trường chứng khoán quá “nóng” của Trung Quốc đang tiềm ẩn những hiểm nguy.

 

Cuộc khủng hoảng về an toàn sản phẩm của Trung Quốc

 

Ngày 11/7, Zheng Xiaoyu, cựu lãnh đạo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc bị kết án tử hình vì tham nhũng trong vụ việc liên quan đến dược phẩm kém chất lượng dẫn đến cái chết của nhiều người. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu kém chất lượng của Trung Quốc, trong đó có thức ăn cho vật nuôi, kem đánh răng và đồ chơi, buộc đất nước là trung tâm sản xuất của thế giới này phải có quy định chặt chẽ, mạnh tay hơn nữa về an toàn hàng hóa.

 

Đổ vỡ trong thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn Độ

 

Ngày 16/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lấy làm tiếc phải thông báo với Tổng thống Bush rằng thỏa thuận hạt nhân mà Washington ca ngợi là “sáng kiến quan trọng nhất” trong lịch sử Mỹ - Ấn đã bị ngưng áp dụng trong tương lai. Theo thỏa thuận, Ấn Độ được tiếp cận với thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu mặc dù nước này công khai theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận bị các thành viên trong liên minh của Thủ tướng Singh phản đối với lý do chương trình hạt nhân của Ấn Độ không muốn mang tiếng chịu ơn Washington. Họ đã thề sẽ lật đổ chính phủ nếu ông Singh tiếp tục thực thi thỏa thuận.

 

Chuyển giao chính trị ở Nhật

 

Sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức, ông Yasuo Fukuda được bầu làm lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do (LDP) và tiếp quản vị trí thủ tướng của ông Abe. Ông Abe ra đi sau hàng loạt bước lùi của LDP, như mất quyền kiểm soát hạ viện hồi tháng 7 và vụ bê bối tiền lương hưu. Ông Fukuda được coi là một người có tư tưởng, chính sách đối ngoại ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm của ông.

 

Trung Quốc bầu lãnh đạo mới

 

Ngày 22/10, đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 bầu chọn bộ chính trị mới, cơ quan sẽ lãnh đạo Trung Quốc tới năm 2012.

 

Hội nghị thượng đỉnh SCO, khối đối trọng với Mỹ

 

Ngày 16/8, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được khai mạc ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, khẳng định an ninh của Trung Á nằm trong tay của chính các tổ chức trong khu vực. SCO còn tổ chức các cuộc tập trận quy mô, với sự tham gia của quân đội từ các nước Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan. Sự tồn tại và lớn mạnh của SCO tạo nên một thế đối trọng về quyền lực trong vùng, và có thể là trên toàn cầu.

 

Phan Anh

Theo Time