1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những nước có thể đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine

Cả Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Ấn Độ đều bày tỏ quan điểm trung lập đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và có thể trở thành các bên trung gian hòa giải đáng tin cậy.

Sau những nỗ lực trung gian đầu tiên do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz dẫn đầu nhằm tìm cách giải quyết xung đột Nga-Ukraine, tới nay đã có nhiều nhà lãnh đạo đóng góp vào những nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong số này có Thủ tướng Israel Naftali Bennett, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thái tử Abu Dhabi của UAE Mohamed bin Zayed và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cả 4 nước đều có quan điểm trung lập đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và đây cũng là lý do khiến họ có thể được coi là các bên trung gian đáng tin cậy.

Những nước có thể đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine - 1

Thủ tướng Ấn Độ Modi, Thái tử Abu Dhabi Mohamed bin Zayed, Thủ tướng Israel Bennett và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine hiện nay (Ảnh: AFP/Rex/EPA/AP).

Israel

Chuyến thăm của Thủ tướng Israel Bennett đến Moscow ngày 5/3 được xem là điều bất ngờ. Ông Bennett được cho là đã tham khảo ý kiến của Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Mỹ Biden trước khi rời Shabbat tới Moscow, có cuộc trao đổi kéo dài 3 giờ với Tổng thống Nga Putin và sau đó đến Berlin trao đổi với Thủ tướng Đức Scholz. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng được thông báo vì nhà lãnh đạo Israel cần sử dụng không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau chuyến đi tới Moscow, ông Bennett cũng trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hai lần và dự kiến sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng thống Nga Putin. 

Ông Bennett, nhậm chức Thủ tướng Israel từ tháng 6/2021, được nhận định là "nhân vật mới" trong lĩnh vực ngoại giao, nhưng tháp tùng ông trong chuyến đi tới Moscow ngày 5/3 có ông Zeev Elkin, một nhân vật kỳ cựu trong các cuộc gặp của giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu với Tổng thống Nga Putin từ năm 2009. Ông Zeev Elkin được đánh giá là người có nhiều thời gian gặp gỡ với nhà lãnh đạo Nga nhất trong số các quan chức Israel.

Israel không ủng hộ nghị quyết do Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề xuất lên án cuộc tấn công của Nga, dù có bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Về mặt quân sự, Israel được cho là đã ngăn Mỹ chuyển giao hệ thống phòng thủ Vòm Sắt cho Ukraine vào năm 2021, trong một nỗ lực duy trì quan hệ với Nga. Tel Aviv cũng từ chối lời kêu gọi viện trợ quân sự của Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ

Là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ khá tốt với Nga. Ankara đã chọn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp sự chỉ trích của Mỹ và NATO. Hàng năm Thổ Nhĩ Kỳ đón khoảng 5 triệu khách du lịch Nga. Hiện Nga đang giám sát xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Mersin. Công ty năng lượng Gazprom của Nga sở hữu Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkstream), đường ống dẫn khí đốt từ Nga đáp ứng 40% nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan đã có cuộc trao đổi kéo dài khoảng 1 giờ với Tổng thống Putin hôm 6/3, trong đó ông kêu gọi ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo ở Ukraine, tương tự như cách 2 bên đã từng trao đổi ở Syria.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya diễn ra từ ngày 11-13/3 tới.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các quốc gia có thể thiết lập đối thoại với cả 2 phía. Trước khi Nga tiến hành chiến dịch, chúng tôi đã lên kế hoạch mời ngoại trưởng 2 phía tới Diễn đàn Ngoại giao Antalya. Đó là trước khi chiến dịch diễn ra. Chúng tôi muốn đưa đại diện Nga và Ukraine ngồi lại với nhau ở cấp bộ trưởng", ông Cavusoglu nói.

Ông Cavusoglu sau đó cho biết thêm: "Theo sáng kiến của Tổng thống Erdogan và các nỗ lực ngoại giao của chúng tôi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã quyết định gặp gỡ có sự tham dự của tôi, bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine ở Antalya

VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết.

UAE

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng được xem là một trong những bên hòa giải tiềm năng. UAE là 1 trong 3 nước (cùng Ấn Độ và Trung Quốc) bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo National News, trong cuộc điện đàm ngày 1/3 với Tổng thống Putin, Thái tử Abu Dhabi và Phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Sheikh Mohamed bin Zayed nhấn mạnh sự cần thiết về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Sheikh Mohamed cho biết, UAE sẽ sử dụng các mối quan hệ và tiếp xúc của nước này với nhiều bên để giúp đạt được một giải pháp chính trị.

Theo hãng thông tấn nhà nước Wam của UAE, cuộc điện đàm với ông Putin là một trong số những trao đổi giữa Thái tử Abu Dhabi với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

UAE hợp tác với Nga ở Libya và các quốc gia châu Phi khác. Thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1997 lên 5 tỷ USD vào năm 2021. UAE chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại giữa Nga và khu vực Vùng Vịnh và là nhà đầu tư Arab lớn nhất ở Nga, chiếm 80 % của tổng đầu tư của Arab vào Nga.

Ấn Độ

Ấn Độ cũng là một trong số những nước có thể đóng vai trò hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ấn Độ bỏ phiếu trắng tại cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về các nghị quyết liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Kể từ khi Nga xảy ra khủng hoảng tại Ukraine, Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm trung lập với vấn đề này, dù là một trong 4 nước thuộc nhóm Bộ Tứ (cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia). Ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là sơ tán an toàn công dân nước này bị mắc kẹt trong các khu vực xung đột, đồng thời kêu gọi Nga - Ukraine tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có các cuộc trao đổi với cả lãnh đạo Nga và lãnh đạo Ukraine. Đáng chú ý, trong cuộc điện đàm ngày 7/3 với Tổng thống Putin, Thủ tướng Modi đã đề nghị Nga đàm phán trực tiếp với Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra.

Theo Hoàng Phạm - VOV