1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những nhiệm vụ nặng nề của Tân thủ tướng Pakistan

(Dân trí) - Hơn một tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, Islamabad cuối cùng đã có được chính phủ mới. Ngày 25/3, Cựu chủ tịch quốc hội Pakistan Yousuf Raza Gilani chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành thủ tướng mới của Pakistan.

Ngày 24/3, ông Gilani, nhân vật trung thành với nhà lãnh đạo bị ám sát Bhutto đã nhận được sự ủng hộ của 264 trên tổng số 342 thành viên của quốc hội. Trong khi ông Pervez Elahi, ứng cử viên thuộc đảng Liên minh Hồi giáo PML-Q thân Tổng thống Musharraf, chỉ nhận được 42 phiếu. Trước đó hai ngày, ông Gilani được đảng Nhân dân Pakistan (PPP) chỉ định làm thủ tướng và nhằm ổn định tương lai của đảng, PPP tuyên bố ông Gilani sẽ giữ chưc vụ này trong suốt 5 năm tới cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, nhằm bác bỏ các tin đồn cho rằng ông Gilani chỉ làm thủ tướng trong thời gian ngắn, sau đó sẽ nhường lại vị trí này cho ông Asif Ali Zardari, đồng Chủ tịch của PPP và là chồng của bà Bhutto.

 

Ông Yousouf Raza Gilani (56 tuổi) là người rất trung thành với PPP, người không chịu khuất phục trước sức ép ly khai đảng của Tổng thống Musharraf và cứng rắn từ chối mọi thoả thuận nhà lãnh đạo này. Năm 1993, ông là chủ tịch quốc hội khi bà Benazir Bhutto đang là thủ tướng. Năm 1999, tướng Pervez Musharraf tiến hành đảo chính thành công và sau khi trở thành tổng thống Pakistan, ông Musharraf đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng nhắm các các nhân vật chính trị quan trọng.

 

Ông Gilani bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng quyền lực tuyển hàng trăm người xuất thân từ quê ông vào các vị trí trong bộ máy chính quyền và bị bắt vào tháng2/2001, sau đó bị kết án 10 năm tù giam cùng 100 triệu rubi tiền nộp phạt. Những năm tháng trong tù đã giúp ông có được tình bạn đẹp với ông Asif Ali Zardari- chồng bà Bhutto khi đó cũng đang thụ án do bị kết tội tham nhũng.

 

Tháng 10/2006, ông Gilani được trả tự do theo quyết định của toà án tỉnh Punjab và cuộc bầu cử lập pháp tháng 3/2008 đã giúp ông trở lại chính trường Pakistan với vị thế của một tân thủ tướng. Ông Gilani được đánh giá là người có khả năng tạo sự liên kết giữa tỉnh Punjab và tỉnh Sindh- quê hương của bà Bhutto cũng như duy liên minh giữa PPP với Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N).

 

Chính phủ của ông Gilani sẽ phải đương đầu với các khủng hoảng không thể giải quyết tức thời và phải hợp tác liên minh với đảng PML-N của ông Nawaz Sharif, đảng đang nắm quyền kiểm soát tỉnh Punjab, trái tim kinh tế-chính trị của Pakistan. Hai gương mặt khởi xướng thành lập liên minh, ông Zardari và ông Sharif tuy không tham gia chính phủ nhưng vẫn có tiếng nói quan trọng đối với Islamabad.

 

Nhiệm vụ đầu tiên của tân thủ tướng Gilani là phải duy trì mối quan hệ cân bằng với hai nhân vật trên vì trên thực tế, số phận của chính phủ liên minh phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng quan hệ hợp tác giữa hai nhà khởi xướng. Ngay khi vừa được bầu, ông Gilani đã ra lệnh trả tự do ngay lập tức cho các chánh án toà án tối cáo bị ông Pervez Musharraf ra lệnh giam giữ từ tháng 11/2007. Động thái đầu tiên mang tính tượng trưng này của ông Gilani cho thấy quyền lực của ông Musharraf đang suy giảm, đồng thời khiến cả hai nhà khởi xướng hài lòng. Tổng thống Pakisntan đã không thể ngăn các đối thủ chiếm đa số tại quốc hội, bất chấp vụ ám sát bà Bhutto.

 

Nhiệm vụ tiếp theo là phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng đang lâm vào khủng hoảng. Pakistan đang phải chứng kiến tình trạng lạm phát phi mã, nhu yếu phẩm và năng lượng thiếu hụt trầm trọng, thâm hụt ngân sách lớn, đầu tư nước ngoài giảm do tình hình chính trị không ổn định. Theo thống kê từ đầu năm 2008 đến nay, có khoảng 300 người đã thiệt mạng, phần lớn là do các vụ tấn công liều chết.

 

Ông Gilani sẽ phải tính đến giải pháp khôn khéo trong ứng xử với quân đội. Một trong các lãnh đạo của PPP, ông Naveed Qamar, người được đánh giá có thể trở thành Bộ trưởng tài chính trong tương lại cho rằng, giải pháp được tính đến hiện nay nhằm hạn chế ảnh hưởng của giới quân sự trên chính trường Pakistan là cắt giảm ngân sách. Nhưng rất có thể chính phủ của ông Gilani sẽ mắc sai lầm khi dùng đến cách này nếu liên minh PPP-PML-N có ý định thoả hiệp với Baitullah Mehsud (thủ lĩnh của quân Taliban tại Pakistan).

 

Trên thực tế, quân đội cần phải được tăng cường một khi Islamabad bắt đầu các cuộc thương lượng ở khu vực bộ lạc Nam Waziristan. Ông Gilani có thể sẽ cần nhiều đến sự hỗ trợ quân đội- trong khuôn khổ Hiến pháp nước này quy định hơn cả Tổng thống Musharraf để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố nên việc tỏ thái độ của quyền lực chính trị đối với giới quân sự thực sự trở thành vấn đề nhạy cảm cần thận trọng.

 

Thêm vào đó, chính phủ của ông Gilani còn phải chịu nhiều áp lực từ Mỹ, Washington tuyên bố muốn chính phủ mới tăng cường cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan tại các vùng giáp biên giới với Afghanistan, bởi Pakistan vẫn được Washington coi mà một trong những tiền đồn của cuộc chiến chống khủng bố. Quan hệ ngoại giao với Pakistan là minh hoạ rõ nét các mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ. Mỹ vừa muốn tổng thống Pakistan nhanh chóng thiết lập lại nền dân chủ nhưng đồng thời lại áp đặt yêu cầu nước này phải tích cực hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

 

Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, việc bình thường hoá quan hệ với Ấn Độ và tự do hoá thương mại, đầu tư là những ưu tiên quan trọng đối với tân thủ tướng, bởi kinh tế sẽ quyết định mọi chính sách đối nội cũng như đối ngoại của liên minh. Ông Gilani sẽ phải tính đến việc đổi mới cách quản lý các tỉnh và tái phân bố nguồn tài nguyên giữa các vùng. Rất có thể Pakistan sẽ bước sang một trang mới dưới thời của Tân thủ tướng Yousouf Raza Gilani

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp