1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những nhân vật nổi bật tại Hội nghị Bandung

Lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hội nghị Á-Phi (Hội nghị Bandung) sắp diễn ra tại thủ đô Jakarta và thành phố Bandung của Indonesia. Chúng ta cùng tìm hiểu lại về một số nhân vật nổi bật tại Hội nghị Bandung 1955.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)
Với sự tham dự của lãnh đạo 29 nước Á-Phi, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung mà tinh thần chủ yếu là chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc, tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước Á, Phi. Hội nghị Bandung đánh dấu các nước Á, Phi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị quốc tế, tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
 
Tổng thống Indonesia Sukarno

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)

Tổng thống Sukarno là một trong những chính trị gia châu Á nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Dù có nhiều bình luận khác nhau nhưng không thể phủ nhận ông đã để lại nhiều dấu ấn.

Sinh năm 1901 ở Java, ông sớm tham gia nhiều hoạt động yêu nước và sau này là người lãnh đạo nhân dân Indonesia giành độc lập từ Hà Lan tháng 8 năm 1945. Là Tổng thống đầu tiên của Indonesia và giữ chức vụ này trong 22 năm từ 1945 đến 1967, ông điều hành đất nước với những thành công và cả những bất ổn trong giai đoạn quá độ sang độc lập. Ông bị lật đổ bởi tướng Suharto năm 1967 và qua đời ba năm sau đó ở tuổi 69. Người dân Indonesia gọi ông là Bung Karno (Bung là một cách xưng hô trìu mến, phổ biến trước những năm 1900).

Là người chủ trì Hội nghị Bandung, Tổng thống Sukarno để lại dấu ấn đậm nét. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông tuyên bố “Chúng ta có mặt ở đây để quyết tâm chống chủ nghĩa thuộc địa dưới bất cứ hình thức nào; chúng ta cũng gặp nhau tại đây vì căm ghét sự kỳ thị chủng tộc và quyết tâm gìn giữ nền hòa bình thế giới”

Tháng 6 năm 1959, Tổng thống Sukarno đến thăm Việt Nam theo lời mời và đáp lễ chuyến thăm Indonesia ba tháng trước của Hồ Chủ tịch, thể hiện sự ủng hộ công cuộc kháng chiến và tái thiết của Việt Nam. Về tình cảm giữa nhân dân hai nước giai đoạn này, Bác Hồ từng nói: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em”.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai
 
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)

Thủ tướng Chu Ân Lai đến nay vẫn là một trong những chính trị gia nổi tiếng, xuất chúng và nhận được nhiều tình cảm của người dân nhất. Ông sinh đầu mùa hè năm 1898 tại Giang Tô và trải qua tuổi thơ nghèo khó. Ông có một thời gian dài học tập, hoạt động tại Nhật, Pháp và nhiều nước châu Âu, tham gia phong trào công nhân và cộng sản quốc tế trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, Chu Ân Lai là người đầu tiên giữ chức Thủ tướng cho tới khi qua đời năm 1976, và Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1949 tới năm 1958.

Trên bình diện quốc tế, Chu Ân Lai là người ủng hộ chung sống hoà bình. Ông chịu trách nhiệm chính trong việc tái lập các mối quan hệ với phương Tây đầu thập niên 70. Ông đã chào mừng Tổng thống Richard Nixontới Trung Quốc tháng 2/1972 và ký Thông cáo Thượng Hải.

Trong hơn nửa thế kỷ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc không can thiệp, tôn trọng chủ quyền của nước khác, không xâm lược và chung sống hòa bình. Đó chính là nguyên tắc được Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra tại Hội nghị Bandung. Tại đây, ông phát biểu: “Chúng ta thành công chống thuộc địa, chúng ta thành công giữ hòa bình, và thành công trong hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa bởi vì chúng ta, nhân dân các quốc gia Á – Phi chung một số phận và chung một giấc mơ ….”

Ông thể hiện sự tôn trọng đúng mực đối với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Chu Ân Lai được biết đến là có mối quan hệ đồng chí thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi quen nhau tại Pháp cho đến khi trở thành các lãnh tụ. Khi Hồ Chủ tịch qua đời năm 1969, ông đã vô cùng đau xót và trực tiếp đến Hà Nội tiễn đưa Người.

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru
 
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)

Thủ tướng Ấn Độ Nehru là một trong những gương mặt nổi bật nhất tại Hội nghị Bandung bởi vai trò xuyên suốt của ông trong việc khởi xướng, tổ chức và triển khai kết quả sự kiện này. Ông là một trong những người đề ra 10 nguyên tắc chung sống hòa bình tại Hội nghị Bandung (Indonesia) năm 1955 và sau này khởi xướng "Phong trào Không liên kết".

Nehru sinh năm 1889, là người cộng tác xuất sắc của Mahatma Gandhi trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Ông là Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, được nhân dân Ấn Độ trìu mến gọi là “Bác Nehru”. Ông gia nhập Đảng Quốc đại năm 1912. Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập, ông giữ chức Thủ tướng cho đến khi qua đời.

Các tài liệu phương Tây đánh giá sự hiện diện của Thủ tướng Nehru là vô cùng quan trọng bởi sự tín nhiệm của các nước dành cho ông như một người phát ngôn cho quan điểm trung lập của các quốc gia Á - Phi trong Chiến tranh Lạnh. Trước đó, ông đã tham dự Đại hội Dân tộc bị áp bức ở Brussels, Bỉ 2/1927. Năm 1947, ông tổ chức Hội nghị Hợp tác châu Á đầu tiên, nhấn mạnh "trách nhiệm đặc biệt" của châu Á đối với châu Phi.

Hội nghị Bandung là một thành công lớn của Thủ tướng Nehru và những người cùng chí hướng. Ông nói: “Chúng ta là những quốc gia có chủ quyền, chúng ta muốn sống tự do và độc lập không nghe lệnh một ai cả. Chúng tôi rất quý những tình cảm bạn bè hữu nghị của các cường quốc, nhưng chúng tôi mong rằng từ nay chúng tôi giao tế một cách bình đẳng với họ… Chúng tôi muốn làm bạn với Đông, với Tây, với Nam với Bắc, với tất cả mọi người…”

Là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp quản Thủ đô, ngày 17/10/1954, Thủ tướng Nehru là vị quốc khách đầu tiên thăm Việt Nam, khẳng định quan hệ giữa hai nước luôn gắn bó trong chiến tranh lẫn thời bình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung, Indonesia 1955 (Nguồn: Vietnamnet)

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bandung, Hội nghị này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và chính sách hòa bình xuyên suốt của Việt Nam đến hôm nay.

Giữa thế kỷ XX, Việt Nam là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới với các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Sự hiện diện của đoàn Việt Nam tại các hội nghị quốc tế, trong đó có Hội nghị Bandung 1955 luôn được quan tâm bởi dư luận và báo chí, đặc biệt là với những nước Á - Phi coi Việt Nam là tấm gương.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh năm 1906 tại Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam và sớm tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp trước khi giác ngộ và bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1926. Ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 và được biết đến là người giữ chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại với 32 năm tại vị cho đến khi về hưu năm 1987.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội (khóa I) nhưng chủ yếu ông để lại dấu ấn trong lĩnh vực ngoại giao. Ông là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau (1946), Trưởng phái đoàn Chính phủ dự Hội nghị Genève về Đông Dương (1954). Đóng góp của đoàn Việt Nam do ông đứng đầu là vô cùng quan trọng, tạo ra những đột phá đưa Hội nghị tới thành công.

Có bảy năm kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao (1954-1961), ông dành nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một phần cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn bó mật thiết với quá trình trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Theo Phú Hà (tổng hợp)
Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm