1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nguy cơ tiềm ẩn khả năng bùng nổ trong năm 2018

(Dân trí) - Các cuộc xung đột, chủ nghĩa bảo hộ hay mối quan hệ giữa các quốc gia được đánh giá là những nguy cơ có khả năng bùng nổ trong năm 2018 trong xu thế toàn cầu hiện nay.

Trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính sẽ mở ra cuộc đua cho các cường quốc trong năm 2018 (Ảnh: BI)
Trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính sẽ mở ra cuộc đua cho các cường quốc trong năm 2018 (Ảnh: BI)

Nhận định về tình hình thế giới năm 2018, những người đứng đầu của tổ chức Âu-Á (Eurasia Group) cho rằng đây sẽ là một năm nhiều biến động.

“Đúng là các thị trường đều đang tăng trưởng và nền kinh tế không tệ, nhưng người dân các nước vẫn đang bị chia rẽ. Các chính phủ chưa làm tốt công tác quản lý và trật tự toàn cầu cũng đang thay đổi”, Ian Bremmer và Cliff Kupchan - các lãnh đạo của Eurasia Group cho biết.

Eurasia đã đưa ra nhận định về những nguy cơ lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong năm 2018. Đánh giá của Eurasia trải rộng quy mô toàn cầu, từ các quốc gia đơn lẻ cho tới xu hướng chung trên toàn thế giới. Một số nguy cơ được cho là có thể gây chấn động thế giới theo cách chưa từng xảy ra trước đây.

Xung đột

Bán đảo Triều Tiên được xem là một điểm nóng về xung đột trong năm 2018. Trong ảnh: Quân đội Triều Tiên tập trận bên bờ biển (Ảnh: KCNA)
Bán đảo Triều Tiên được xem là một "điểm nóng" về xung đột trong năm 2018. Trong ảnh: Quân đội Triều Tiên tập trận bên bờ biển (Ảnh: KCNA)

Các nhà phân tích tại Eurasia lo ngại rằng trong năm 2018, chỉ một vụ va chạm cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột với quy mô lớn hơn.

“Hiện không có cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn nào kể từ sau vụ khủng bố 11/9 (tại Mỹ), và cũng không có cuộc khủng hoảng địa chính trị nào do chính phủ các nước gây ra kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Nhưng hiện nay có nhiều khu vực mà ở đó chỉ một tính toán sai lầm hoặc một hành động sơ suất cũng có thể gây ra xung đột quốc tế nghiêm trọng”, Bremmer và Kupchan cho biết.

Theo Eurasia, những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất hiện nay là bán đảo Triều Tiên, Syria, Đông Âu và Iraq. Ngoài ra, “các cuộc cạnh tranh và xung đột về không gian mạng” cũng như “việc giải quyết các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)” cũng đặt ra những nguy cơ lớn.

“Chiến tranh lạnh”

Eurasia nhận định “cuộc chiến lớn nhất thế giới giữa các cường quốc kinh tế sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới” như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Theo Bremmer và Kupchan, Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh quyết liệt để giành thế “thượng phong” trong cuộc đua này, đồng thời thống trị các thị trường khác như châu Phi, Ấn Độ, Brazil và châu Âu.

Quốc gia nào đứng đầu cuộc đua có thể sẽ thiết lập tiêu chuẩn cho tương lai, và có thể sẽ “vũ khí hóa” trí tuệ nhân tạo.

Mỹ - Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (Ảnh: AFP)

Eurasia xếp quan hệ Mỹ - Iran nằm trong số các nguy cơ của năm 2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phá bỏ những thành tựu ngoại giao, vốn rất mong manh, mà các chính quyền tiền nhiệm đã đạt được với Iran, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân.

“Thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể sẽ vẫn tồn tại trong năm 2018, song nhiều khả năng nó sẽ bị đổ vỡ”, Bremmer và Kupchan dự đoán.

Iran có thể quay trở lại và tăng cường chương trình hạt nhân của nước này nếu thỏa thuận hạt nhân bị đổ vỡ. Kịch bản này sẽ làm gia tăng nguy cơ của một cuộc tấn công do Mỹ hoặc Israel tiến hành nhằm vào Iran, từ đó khiến giá dầu tăng vọt.

Chủ nghĩa bảo hộ

Cùng với phong trào dân túy, Eurasia nhận định các chính trị gia trên thế giới có thể sẽ phải chịu sức ép từ phía các cử tri về chủ nghĩa bảo hộ. Theo đó, các chính trị gia sẽ phải theo đuổi cách tiếp cận “tổng số bằng không” (bên này thắng, bên kia thua) trong các cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, đồng thời phải có biện pháp giải quyết vấn đề mất việc làm.

Bremmer và Kupchan gọi đây là “chủ nghĩa bảo hộ 2.0” và cho rằng thay vì áp đặt hàng rào thuế quan và hạn ngạch như chủ nghĩa bảo hộ trước đây, các công cụ bảo hộ ngày nay sẽ là các biện pháp được thực hiện trong nội bộ từng nước như các chính sách trợ giá, trợ cấp hay bắt buộc phải mua hàng nội địa.

Các thể chế

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình Brexit trong năm 2018 (Ảnh: PA)
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình Brexit trong năm 2018 (Ảnh: PA)

Theo Eurasia, việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ là số một” và Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy mối đe dọa hiện hữu liên quan tới sự đổ vỡ của các thể chế đa phương toàn cầu.

Bremmer và Kupchan cho rằng, các thể chế ủng hộ và duy trì các nhóm xã hội hòa bình và thịnh vượng như các liên minh chính phủ, đảng phái chính trị, truyền thông, tòa án hay tổ chức tài chính, có thể sẽ mất đi sự tín nhiệm. Thay vào đó, nguy cơ chủ nghĩa dân túy sẽ lan rộng tại các quốc gia đang phát triển, từ đó khiến các chính sách an ninh và kinh tế trở nên khó đoán hơn.

Anh

“2017 không phải là một năm vui vẻ đối với Anh. Và 2018 sẽ còn tồi tệ hơn”, Bremmer và Kupchan nhận định.

Lý do khiến Eurasia xếp Anh vào danh sách các nguy cơ trong năm 2018 chủ yếu liên quan tới các cuộc đám phán về việc Anh rời EU, hay còn gọi là tiến trình Brexit.

Theo Eurasia, nguyên tắc đàm phán “không gì có thể nhất trí cho đến khi mọi thứ được nhất trí” của Anh có thể sẽ dẫn đến “cuộc tranh cãi không có hồi kết về những điều khoản chi tiết” của cả hai bên.

Ngoài ra, cách giải quyết Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May có thể khiến bà đối mặt với nguy cơ mất chức để nhường ghế cho những chính trị gia cứng rắn hơn như lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn.

Châu Phi

Các tay súng Al Shabaab (Ảnh: AP)
Các tay súng Al Shabaab (Ảnh: AP)

Báo cáo của Eurasia cho rằng năm 2018 có thể sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc bạo lực từ một loạt các khu vực bất ổn ở châu Phi như Mali, Nam Sudan, Somalia, Nigeria, Kenya, Ethiopia và Bờ biển Ngà.

Chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa chủ yếu tại châu lục này, đặc biệt là các nhóm cực đoan như Al Shabaab, Al Qaeda hay IS, Boko Haram.

“Các mối nguy hiểm từ Al Shabaab ở Đông Phi và Al Qaeda ở Tây Phi không phải là mới, song chúng có xu hướng tăng dần lên”, Bremmer và Kupchan nhận định.

Trung Quốc

Theo đánh giá của Eurasia, trong năm 2018, một đất nước Trung Quốc hiện đại và mạnh mẽ có thể sẽ “ngồi” vào chỗ trống do Mỹ để lại trong vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Bremmer và Kupchan cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “vị lãnh đạo mạnh nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông”. Các chuyên gia của Eurasia cũng nhận định nhiều nước đang bắt đầu ngả về phía Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác”.

“Khi các chính sách của Washington thiếu nhất quán và hoạt động không ổn định, chính phủ Trung Quốc đã đánh giá lại môi trường đối ngoại của nước này, thiết lập các quy tắc mới và phát triển chính sách đầu tư và thương mại toàn cầu hiệu quả nhất thế giới”, Eurasia nhận định.

Thành Đạt

Theo BI