Điều gì chờ đợi châu Á năm 2018?
(Dân trí) - Bầu cử tại Campuchia, vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay chính sách phát triển của Trung Quốc dự kiến sẽ là những vấn đề nổi cộm tại khu vực châu Á trong năm 2018.
Khó khăn của Đông Nam Á
Tại Campuchia, vấn đề dân chủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong năm 2018. Campuchia dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7 tới, song không có sự tham gia của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) - đảng đối lập lớn nhất tại nước này. CNRP đã mất ghế trong Quốc hội sau khi Tòa án tối cao Campuchia ra phán quyết yêu cầu đảng này giải thể với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Theo đó, đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen được dự đoán sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Kết quả bầu cử tại Campuchia có thể sẽ trở thành chủ đề gây tranh cãi trong dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 11 từng tuyên bố “không cần bất kỳ ai công nhận cuộc bầu cử” này tại Campuchia.
Myanmar cũng là một “điểm nóng” khác tại Đông Nam Á trong năm 2018 khi cuộc khủng hoảng Rohingya vẫn đang tiếp diễn. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi Myanmar kể từ tháng 8/2017. Cố vấn nhà nước kiêm ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với sức ép từ cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc khủng hoảng Rohingya. Bà San Suu Kyi được dự đoán sẽ phải tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng này trong năm nay.
Theo Nikkei, một quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang ở trong thế khó là Singapore, đặc biệt liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hiện Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, trong khi Singapore sẽ là chủ tịch hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2018. Do vậy, cách Singapore tham gia giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ trong năm nay.
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Nhà Trắng được cho là đang tăng cường các biện pháp siết chặt thương mại với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á được cho là đang tìm cách xây dựng con đường phát triển thương mại mới của riêng từng nước.
Một số quốc gia như Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia vẫn tiếp tục tiến trình phát triển cùng TPP. Trong khi đó, một số nước khác như Philippines ngày càng ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy việc hoàn tất Hiệp định Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu. Theo Newsweek, các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ hướng đến RCEP trong năm 2018 nếu TPP không đi đến đích cuối cùng, đặc biệt trong bối cảnh Canada dường như không sẵn sàng tham gia TPP.
Tại Philippines, mặc dù chính phủ đã kết thúc cuộc chiến chống các phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thành phố Marawi, song mối đe dọa từ các phần tử cực đoan có liên quan tới IS vẫn còn hiện hữu ở Đông Nam Á. Các nhóm thân IS có thể sẽ tiếp tục tuyển mộ thành viên ở nam Philippines, Indonesia hoặc một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Kỷ nguyên mới của Trung Quốc và Ấn Độ
Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 2018 dự kiến sẽ là năm ổn định các vấn đề trong nước. Sau khi kết thúc thành công Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 năm 2017, việc chuyển giao ban lãnh đạo sẽ được hoàn tất tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 tới và các vị trí mới trong chính phủ cũng sẽ được bổ sung.
Tại phiên họp toàn thể vào tháng 10/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ công bố rõ hơn tầm nhìn đối với chương trình phát triển kinh tế và chính trị Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Một trong số các vấn đề mà ông Tập cần giải quyết đó là kiểm soát số nợ hiện nay của Trung Quốc. Số nợ ngày một phình to này sẽ gia tăng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình “hãm phanh” quá nhanh, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị chững lại.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ phát triển chậm lại, Ấn Độ được kỳ vọng là nhân tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Thủ tướng Narendra Modi có thể vực dậy nền kinh tế Ấn Độ và đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế quay lại mức xấp xỉ 8% hay không.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm tài khóa 2018, từ tháng 4/2018-3/2019. Nếu dự báo này là chính xác thì đây sẽ lần đầu tiên trong 2 năm, Ấn Độ vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đông Bắc Á tiếp tục “nóng lên”?
Tương tự Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều khả năng sẽ tập trung giải quyết các vấn đề nội địa trong năm 2018. Thủ tướng Abe đang tiến gần tới việc trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần thứ 3 liên tiếp trong nhiệm kỳ 3 năm. Việc kéo dài thời gian nắm quyền sẽ giúp ông Abe có thể sớm đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp vốn thiên về hòa bình của Nhật Bản.
Triều Tiên được dự đoán tiếp tục là “điểm nóng” của khu vực Đông Bắc Á trong năm nay. Bình Nhưỡng đã phóng 15 tên lửa và tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay trong năm 2017. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nút bấm hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc của ông và toàn bộ lãnh thổ Mỹ đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ngày càng rạn nứt, đặc biệt sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt nghị quyết trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên hồi tháng trước khiến Bình Nhưỡng chỉ trích đây là “hành động chiến tranh”, châu Á tiếp tục “nín thở”chờ đợi một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải tìm cách để bảo đảm rằng đảng Dân chủ Hàn Quốc của ông sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 tới trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm.
Việc giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sẽ cho phép Tổng thống Moon Jae-in tiếp tục theo đuổi động lực để tăng cường chi tiêu chính phủ và thúc đẩy cải cách. Ngoài ra, chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong năm 2018 cũng không thể thiếu các giải pháp để đối phó với tình hình Triều Tiên.
Thành Đạt
Tổng hợp