1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nạn nhân cuối cùng của tục bó chân Trung Quốc

(Dân trí) - Bà Zhang Huaixian mới ba tuổi khi bị mẹ đập vỡ ngón chân và buộc chúng quặp xuống phía dưới lòng bàn chân, biến bà trở thành một trong hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc “nhân danh” sắc đẹp, hay chính xác hơn là “gót sen hồng”, mà cả cuộc đời mang một đôi chân không lành lặn. (<a href="http://www.reuters.com/news/video/videoStory?videoId=60839">Xem video</a>)

Tục bó chân, để làm cho bàn chân của người phụ nữ trông nhỏ xinh, phổ biến rộng rãi khắp Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Mãi đến năm 1912 khi triều đại phong kiến cuối cùng bị sụp đổ, nó mới bị cấm.

 

Nhưng một số phụ nữ vẫn bí mật bó chân, đặc biệt là ở những vùng xa xôi hẻo lánh như Xiaojie, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Nhiều năm trước, có hơn 100 phụ nữ bó chân sống ở thị trấn này, như một minh chứng rõ ràng rằng nơi đây ngành dệt vải từng phát triển rất thịnh vượng và các bậc làm cha mẹ đã gửi gắm một mong ước lớn ở các cô con gái của mình.

 

Bà Zhang giờ đã 97 tuổi, là một trong số ít người thời đó còn sống sót. “Tôi vẫn còn nhớ rõ đã đau đớn như thế nào”, bà nói. “Đau đến nỗi buổi tối tôi phải bí mật tháo chân ra để xoa bóp. Khi bố mẹ tôi phát hiện ra, họ đã đánh tôi và bắt tôi không được làm thế nữa. Cuối cùng họ còn khâu dây buộc vào để tôi không thể tháo nó ra được nữa”.

 

Sau khi mẹ qua đời, bà Zhang vẫn tiếp tục phải bó chân, để buộc những ngón chân méo mó cùng gót chân xích lại gần nhau hơn nữa.

 

Nhưng với đôi chân co quắt, bà Zhang thường không thể nào làm hết phần việc của mình ở ngoài đồng cũng như lên núi kiếm rau, hoa quả được.

 

Một số nhà sử học ước tính trong suốt chiều dài lịch sử có tất cả khoảng 2 tỷ phụ nữ Trung Quốc đã bó chân. Theo truyền thuyết, thì tục bó chân có từ thời nhà Thương, trị vì từ năm 1700  đến 1027 trước Công nguyên. Chuyện kể rằng do một Hoàng hậu đời nhà Thương có một chân rất ngắn và méo mó, nên bà đã ra lệnh cho tất cả phi tần cung nữ trong hoàng cung phải bó chân.

 

Còn theo các ghi chép lịch sử từ triều đại nhà Tống thì tục bó chân bắt đầu dưới sự trị vì của vua Li Yu, từ năm 961 - 975. Thời đó, vua Li Yu đã đem lòng yêu một vũ nữ tài năng. Người vũ nữ này đã buộc chân để bắt chước hình dáng của mặt trăng non và trình diễn điệu múa hoa sen. Chính vì vậy mà cách gọi “gót sen hồng” đã được ra đời từ đó.

 

Trong những triều đại tiếp theo, tục bó chân trở nên phổ biến hơn và lan rộng từ thành thị đến các vùng nông thôn, nơi các cô gái trẻ nhận ra rằng bó chân có thể xem như là “giấy thông hành” cho họ thăng tiến và giàu có hơn.

 

Và mãi đến tận khi nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc, bị đánh đổ, thì tục bó chân mới bị cấm. Năm 1915 chính phủ cho phép những người đi kiểm tra được quyền phạt những người vẫn còn bó chân.

 

Hàng xóm của bà Zhang,Yang Cuixiu, năm nay đã 86 tuổi, thấy tiếc vì đã bó chân mình. Tuy nhiên bà nói đó là cách duy nhất để bà có thể kiếm được chồng. “Trong đám cưới, mọi người sẽ đến xem chân của cô dâu trước. Nếu cô ấy có bàn chân nhỏ, mọi người sẽ nghĩ đó là một cô gái tốt. Nếu bàn chân cô gái đó to, sẽ chẳng ai dám cưới”, bà nói.

 

Tuy nhiên năm 1982, một số phụ nữ bó chân đã thành lập một đoàn múa và thỉnh thoảng đi lưu diễn khắp đất nước. Có lúc đoàn múa này lên tới 82 người, nhưng hiện chỉ còn 9 và người trẻ nhất đã 70 tuổi.

 

Trang Thu
Theo Reuters