Những kẻ buôn cái chết
(Dân trí) - "Thằng nhỏ đó chĩa súng bắn chết con gái tôi ngay trước mặt tôi", Fatu Kamar đau đớn kể lại. Những điều như thế đã trở thành "chuyện thường ngày" ở Sierra Leone. 11 năm nội chiến đã biến những đứa trẻ trở thành những kẻ giết người, tra tấn và quấy rối dân thường.
Cuộc nội chiến ở Sierra Leone tượng trưng cho tình hình nguy hiểm hiện nay trên thế giới về sở hữu và sử dụng vũ khí. Theo thống kê của các tổ chức kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí, cứ mỗi phút trên thế giới lại có một người chết vì súng đạn, trong đó số người bị giết chết bằng các loại “vũ khí nhẹ” chiếm từ 60% đến 90% tổng số nạn nhân trực tiếp của các cuộc xung đột.
Sylvie Lorthois thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết vũ khí không chỉ giết người một cách trực tiếp mà còn được dùng để làm phương tiện đe dọa, tiến hành các hành động bạo lực. Ngoài ra, ở các nước nghèo, thay vì các chương trình xã hội và phát triển thì tiền đầu tư được tập trung cho các chương trình mua sắm vũ khí của chính phủ. Hiện nay, mỗi năm các nước châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông chi tổng cộng 22 tỷ USD cho mua sắm vũ khí. Số tiền này đủ để trang trải việc học hành cho tất cả trẻ em ở các khu vực này. Tuy nhiên, việc buôn bán vũ khí phần lớn lại là hợp pháp.
Theo báo cáo của Nhóm tổ chức quốc tế kiểm soát vũ khí, năm 2001, 5 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc chiếm đến 88% lượng vũ khí thông thường xuất khẩu trên thế giới. Năm 2004, Mỹ chiếm 60% thị phần thế giới, trong khi đó Anh chỉ chiếm 11,5% và Pháp là 9%. Đây là một ngành kinh doanh đặc biệt bí hiểm và béo bở với những khoản tiền móc ngoặc khổng lồ nhưng lại chưa có quy tắc và quy định nào ở cấp độ quốc tế. Do đó chính những hoạt động buôn bán hợp pháp này đang nuôi dưỡng những hoạt động bất hợp pháp.
Đường đi của vũ khí cũng khá lắt léo. Chẳng hạn, do luật pháp của Canada cấm bán vũ khí cho Colombia nên vũ khí sản xuất tại Canada được bán cho Mỹ và Mỹ bán lại cho Colombia. Một thủ thuật khác nữa là việc cấp phép sản xuất cho các xí nghiệp, công ty ở những nước chưa có luật được thực hiện dưới chiêu bài chuyển giao công nghệ.
Áp dụng luật đối với việc bán vũ khí sẽ đụng chạm đến lợi ích của các nước lớn. Về mặt tài chính mối lợi hại của hoạt động buôn bán vũ khí vẫn còn hạn chế. Với 25 tỷ USD/năm, xuất khẩu vũ khí hiện chỉ chiếm 0,5% thương mại thế giới. Tuy nhiên, theo Patrice Bouveret, Chủ tịch Ủy ban quan sát hoạt động vũ khí, bán vũ khí là cách kiếm được ngoại tệ dễ nhất đối với những nước cần ngoại tệ, chẳng hạn như các nước Đông Âu - những nước này bán rất nhiều vũ khí còn tồn đọng từ thời Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, vũ khí còn là phương tiện để các nước có thế lực gây ảnh hưởng đối với các diễn biến về địa-chính trị và bảo vệ lợi ích của họ. Hậu quả của vũ khí đối với con người chỉ được xem là vấn đề phụ.
Điều này được thể hiện rõ trong một số trường hợp, chẳng hạn như ở Angola. Các nhà nước đã dựa vào các trung gian "tinh vi" để chuyển hướng lệnh cấm vận sang vũ khí, có lợi cho hoạt động buôn lậu vũ khí. Và kể từ sau sự kiện 11/9/2001, lượng vũ khí của các nước phương Tây bán cho các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố đã tăng mạnh mà không cần đặt vấn đề về việc sử dụng các loại vũ khí này trong các cuộc xung đột nội bộ hoặc để đàn áp dân chúng trong nước.
Thực trạng nạn buôn vũ khí được thể hiện rõ nét nhất qua bộ phim "Chúa tể chiến tranh" (Lord of war) của đạo diễn Andrew Nicoll. Bộ phim kể về cuộc đời hư cấu của một kẻ buôn bán vũ khí và làm giàu trên cơ sở các cuộc xung đột gây chết chóc. Tuy nhiên nội dung phim dựa trên những câu chuyện và những nhân vật có thật.
Nicolas Cage thủ vai chính Youri Orlov - một kẻ buôn lậu vũ khí khét tiếng, người Mỹ gốc Ucraina. Youri Orlov chính là hiện thân của 5 kẻ buôn lậu vũ khí có thật trên thế giới là Jean-Bernard Lasnaud (người Pháp, được cho là đã mất tích từ năm 2002), Monzer Al Kasser (người Ai Cập), Sarkis Soghanalian (người Libăng), Victor Bout (người Nga gốc Tadikistan) và Leonid Minin (người Ucraina). Kịch bản của bộ phim này đã bị các studio ở Hollywood từ chối vì bị coi là "trái với quyền lợi của tổ quốc", "là không ái quốc".
Đoạn cuối của bộ phim mô tả tên buôn lậu vũ khí Youri Orlov ngẩng cao đầu bước ra khỏi nhà giam và giải thích với viên cảnh sát rằng Washington cần những kẻ như hắn bởi George Bush không thể xuất hiện bên cạnh những kẻ độc tài khát máu nên chính những kẻ như hắn (Youri Orlov) làm công việc bẩn thỉu này.
Bộ phim kết luận rằng 550 triệu vũ khí đang lưu hành trên thế giới, có nghĩa là cứ 12 người có 1 người mang vũ khí, rằng 5 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc là những kẻ buôn lậu vũ khí lớn nhất hành tinh này. Nói một cách khác, những kẻ như Youri Orlov đang hành động một cách tự do với sự tán đồng của các cường quốc trên thế giới.
Nguyễn Phúc
Theo L’Humaninte