Những hình phạt răn đe hà khắc dưới thời Taliban
(Dân trí) - Việc Taliban thông báo thành lập trở lại Bộ Tuyên truyền Đạo đức sau 20 năm cho thấy lực lượng này dường như vẫn giữ lập trường cứng rắn và bảo thủ trong việc điều hành đất nước Afghanistan.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 8, Taliban thông báo thành lập trở lại Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống hành vi xấu - cơ quan từng bị loại bỏ 20 năm trước sau khi Taliban bị phương Tây lật đổ.
Theo Indian Express, khi Taliban điều hành đất nước từ năm 1996 tới năm 2001, vai trò của Bộ Tuyên truyền Đạo đức thể hiện qua hình ảnh của những chiếc xe tuần tra trên đường phố Afghanistan nhằm buộc người dân tuân thủ các quy định theo luật Hồi giáo.
Taliban quy định thời gian cầu nguyện cụ thể, buộc đàn ông phải nuôi râu dài, cấm âm nhạc, cấm hút thuốc và các loại hình giải trí khác, bao gồm cờ vua, khiêu vũ và thả diều. Các đội "cảnh sát đạo đức" sẽ được triển khai tới các tuyến phố và những người vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc như bị đánh bằng roi, chặt tay, ném đá hoặc hành quyết công khai.
Một tờ báo của Anh đưa tin, Bộ Tuyên truyền Đạo đức của Taliban trước đây từng ra lệnh cho người dân ở thủ đô Kabul khóa cửa tầng trệt để ngăn những người đàn ông đi trên đường nhìn thấy phụ nữ trong nhà. Bộ này cũng dọa sẽ khám xét từng nhà nếu phát hiện các hộ gia đình sử dụng tivi. Người đồng tính tại Afghanistan có thể bị xử tử.
Trong thời kỳ Taliban nắm quyền tại Afghanistan, lực lượng này đã áp dụng các lệnh cấm đoán nghiêm ngặt với phụ nữ. Họ phải mặc trang phục kín từ đầu tới chân, không bao giờ được rời khỏi nhà mà không có đàn ông đi kèm và phải bỏ học từ năm lớp 6. Đối với bất kỳ ai vi phạm, họ sẽ bị đánh hoặc ném đá. Người phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình sẽ bị ném đá tới chết.
Sự trở lại của chính sách hà khắc
New York Post dẫn lời Mohammad Yousuf, một thành viên của Taliban, cho biết mục tiêu của việc thành lập trở lại Bộ Tuyên truyền Đạo đức là để "phục vụ đạo Hồi" và sẽ trừng phạt "theo quy định của đạo Hồi". Ông Yousuf nói rằng các hình phạt sẽ nhằm vào "những tội danh nghiêm trọng" theo quy định của đạo Hồi, bao gồm ngoại tình, giết người và trộm cắp.
Taliban cho biết cả đàn ông và phụ nữ đều sẽ bị áp dụng các hình thức trừng phạt cứng rắn, dù 20 năm trước, chỉ phụ nữ mới phải chịu hình phạt ném đá. Ông Yousuf nói rằng, để trừng phạt một người cần phải có 4 nhân chứng và những người này phải có lời khai khớp nhau để dẫn tới quyết định xử phạt.
Theo Washington Post, chính quyền mới của Taliban đã bổ nhiệm giáo sĩ Mohamad Khalid làm người đứng đầu Bộ Tuyên truyền Đạo đức. Taliban từng cam kết sẽ lập ra một chính phủ toàn diện có phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời hoàn toàn vắng bóng phụ nữ, điều này làm dấy lên nhiều hoài nghi về những lời hứa của Taliban.
Taliban vẫn duy trì các hình thức xử phạt như trước đây. Nếu hung thủ cố ý giết người, người đó sẽ bị xử tử. Nếu hành vi giết người là ngộ sát, người này có thể sẽ đối mặt với hình phạt khác như nộp tiền phạt. Nếu một người bị kết tội trộm cắp, hình phạt dành cho đối tượng này là chặt tay. Nếu có hành vi ngoại tình, người bị tố giác sẽ bị ném đá.
Sau khi lên nắm quyền, Taliban liên tục đưa ra những thông điệp ôn hòa như khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, khẳng định phụ nữ sẽ không chịu sự phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" luật Hồi giáo. Tuy nhiên, trong những ngày qua, Taliban đã ban hành nhiều quy định bị cho là tước đoạt quyền lợi của phụ nữ.
Taliban đưa ra quy định mới, yêu cầu phụ nữ làm việc trong chính quyền Kabul ở nhà, trừ khi nam giới không thể thay thế được vị trí đó. Taliban không cho phép trẻ em gái từ lớp 7-12 tới trường. Các nữ sinh đại học bị yêu cầu phải tách riêng lớp với nam giới và mặc trang phục kín từ đầu tới chân theo quy định của Hồi giáo.
Taliban cũng đóng cửa Bộ Các vấn đề phụ nữ Afghanistan. Một phát ngôn viên của Taliban Sayed Zekrullah Hashimi nói rằng phụ nữ không cần phải tham gia vào chính phủ, thay vào đó họ chỉ nên ở nhà sinh con. Taliban thậm chí còn không cho phép phụ nữ chơi thể thao, vì cho rằng hoạt động này sẽ khiến họ để lộ cơ thể.
Taliban khẳng định sự trở lại của Bộ Tuyên truyền Đạo đức sẽ khác so với 20 năm trước. Trong chính quyền trước đây, không có nhiều học giả Hồi giáo giúp xác định các quy tắc, còn hiện tại, mọi quy tắc sẽ được giới học giả xem xét kỹ để tham mưu cho chính quyền trước khi đưa vào áp dụng.
Ông Yousuf nhấn mạnh, chính quyền Taliban hiện tại hướng tới mục tiêu hướng dẫn người dân và sẽ chỉ sử dụng vũ lực nếu tái phạm nhiều lần.
"Trước đây, chúng tôi dùng vũ lực để áp dụng luật Hồi giáo và các quy tắc, nhưng bây giờ, việc áp dụng sẽ khác đi. Chúng tôi sẽ chỉ dẫn người dân để họ hiểu đâu là đúng, đâu là sai. Chúng tôi có thể dùng vũ lực, nhưng ban đầu chúng tôi sẽ thực hiện bằng trái tim rộng mở. Nhưng nếu người dân tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ phải dùng biện pháp mạnh", ông Yousuf nói.
Trong khi đó, Mullah Nooruddin Turabi, một trong những người sáng lập lực lượng Taliban, nói với hãng tin AP rằng Taliban sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tử hình và chặt tay chân, nhưng có thể sẽ không thực hiện công khai. Ông Turabi cho biết việc chặt tay là "cần thiết cho an ninh".
Ông Turabi nói rằng lần này, các thẩm phán, bao gồm cả phụ nữ, sẽ xét xử các vụ án, nhưng nền tảng của luật pháp Afghanistan sẽ là kinh Quran.
Thế giới từng lên án các hình thức xử phạt công khai của Taliban, thường diễn ra ở sân vận động thể thao của Kabul hoặc trong khuôn viên của nhà thờ Hồi giáo Eid Gah, trước sự chứng kiến của hàng trăm người Afghanistan. Tuy nhiên, ông Turabi cảnh báo thế giới không nên can thiệp vào công việc của những nhà cầm quyền mới tại Afghanistan.