1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những hệ lụy đáng sợ của khủng hoảng nhập cư

Tiếp sau một mùa hè bất ổn về chính trị và kinh tế, châu Âu giờ lại đốimặt với một vấn đề lớn cần đến hành động chung của cả khối: Khủng hoảng di dân.

Trong khi hầu hết các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU) chỉ mang tính nội bộ, thì cuộc khủng hoảng di dân hiện nay mang tính "độc nhất vô nhị", pha trộn những vấn đề của các thị trường đang phát triển với của các nền kinh tế công nghiệp hóa.

Những hệ lụy đáng sợ của khủng hoảng nhập cư - 1

Di dân từ Serbia chui qua hàng rào biên giới vào Hungary trong hành trình di chuyển lên phía bắc tới Đức, Áo và Thụy Điển.

Bởi vậy, ngay cả khi ít có nguy cơ cuộc khủng hoảng này trở thành hệ thống về bản chất, tác động của nó lên viễn cảnh rủi ro chính trị là rất lớn - trang Business Insider dẫn lời nhận định của Tina Fordham, Trưởng Bộ phận Phân tích chính trị toàn cầu của CitiGroup.

"Giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư sẽ đòi hỏi nhiều cải cách, hợp tác và phối hợp hơn nữa, chứ không chỉ là sự lãnh đạo chính trị", bà Fordham nói thêm.

Từ nhận định này, trang Business Insider liệt kê 5 rủi ro kinh tế - chính trị lớn, nếu không hành động giải quyết khủng hoảng di cư:

Làm tăng tâm lý bài người nhập cư

Dường như đã có một sự thay đổi trong nhận thức của dân chúng, sau khi bức ảnh thi thể em bé Syria di cư dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được phát tán khắp nơi.

Tuy nhiên, "cuộc khủng hoảng có thể làm tăng tâm lý bài người nhập cư vốn đang rất cao ở nhiều nước, nếu sự cảm thông với cảnh khổ của người tị nạn chạy trốn xung đột va chạm với căng thẳng về các chính sách thắt lưng buộc bụng, và cả những khó khăn về hội nhập, nơi ăn chốn ở và nạn thất nghiệp", bà Tina Fordham viết.

Đáng chú ý nhất là hiện nay, sự ủng hộ của các phe phái chính trị dành cho các diễn đàn bài nhập cư ở châu Âu ngày càng nhiều.

Gánh nặng tài chính công

Người tị nạn - không giống như những người di cư tự nguyện - khó mà kiếm được việc làm ở đất nước mới. Điều này sẽ đè một gánh nặng lên lĩnh vực tài chính công trong ngắn hạn.

"Ngay cả khi số lượng di dân vừa phải với mức độ tác động tài chính không nhiều thì thách thức về hậu cần và tổ chức của việc cung cấp nơi ăn ở cho họ, giải quyết các vấn đề phát sinh... vẫn có thể vượt quá năng lực của những nước tiếp nhận", bà Fordham phân tích thêm.

Tác động kinh tế trung - dài hạn

Vấn đề này phụ thuộc vào "cách thức người tị nạn và di cư hội nhập vào thị trường lao động, mức độ thạo nghề của họ, thành phần di dân và nhu cầu của đất nước tiếp nhận", bà Fordham cho biết.

Hiện nay, một số nước châu Âu dù không được coi là thành công điển hình về hội nhập di dân, nhưng chính di dân cũng "tạo ra cơ hội cho những nước đang đang đối mặt với tình trạng già hóa và thu hẹp dân số".

Nguy cơ nước Anh ra khỏi EU

"Cuộc khủng hoảng tị nạn có thể làm tăng nguy cơ Brexit (Anh ra khỏi Liên minh châu Âu)", bà Fordham bình luận.

Nhưng dù một số người ở Anh nghĩ rằng rời khỏi châu Âu sẽ giúp họ "giành lại quyền kiểm soát biên giới" thì một Brexit vẫn không khiến Anh giảm bớt sức hút đối với di dân hoặc người tị nạn.

An ninh ở Trung Đông

Theo bà Fordham, cuộc khủng hoảng tị nạn xảy ra sau khi tình hình an ninh ở Trung Đông trở nên tồi tệ. Kết quả là, cuộc khủng hoảng này lại tăng sức mạnh cho khả năng can thiệp quân sự vào khu vực - điều mà Anh, Pháp và Nga được cho là đang cân nhắc.

Và khi đó, dòng người di cư ra khỏi Trung Đông sẽ càng đông hơn.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Những hệ lụy đáng sợ của khủng hoảng nhập cư - 2