1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những gì đang và sẽ diễn ra ở Libya?

(Dân trí) - Chiến trường Libya đang xuất hiện những diễn biến dồn dập: phe đối lập chiếm thêm nhiều thành phố, NATO và Mỹ dự báo “hồi kết” cho chiến dịch quân sự, chính quyền Gadhafi muốn ngừng bắn... Những gì sẽ diễn ra ở Libya?

 
 
Những gì đang và sẽ diễn ra ở Libya? - 1
Quân nổi dậy Libya liên tục tuyên bố đã chiếm được quyền kiểm soát thêm nhiều thị trấn.

Thế bế tắc của nhà lãnh đạo Gadhafi?

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào tháng 8 có thể là một khoảng thời gian chiến sự tạm lắng, nhưng dự báo này đã không đúng với Libya.

Theo tin mới nhất, hôm qua, quân nổi dậy Libya nói họ đã chiếm được quyền kiểm soát thị trấn miền tây Zlitan, sau các cuộc giao tranh căng thẳng với lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi. Một ngày trước đó, quân nổi dậy nói họ đã tiến vào trung tâm Zlitan, thị trấn cách thủ đô Tripoli khoảng 150 km.

Như vậy là lực lượng nổi dậy - có sự yểm trợ của NATO - đang tiến về phía thủ đô Tripoli.

Đêm qua 18/8, nhiều tiếng nổ đã vang lên trong khu dinh thự của ông Gadhafi và ở phía tây Tripoli. Trung tâm Tripoli và ngoại ô phía đông cũng đã bị oanh tạc. Từ mấy ngày nay, NATO đã tăng cường không kích. Chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt. Ông Mahmoudi, Thủ tướng của chế độ Gadhafi đã lên tiếng kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” để tiến hành thương thuyết trong bối cảnh này.

Lãnh đạo đang bị dồn vào thế bí của Libya, ông Gadhafi, là nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trong thế giới Ảrập. Ông lên nắm quyền từ năm 1969 sau khi hạ bệ Quốc vương Idris trong một cuộc đảo chính quân sự.

Ông Gadhafi đang bị đặt dưới áp lực nặng nề của quốc tế yêu cầu ông phải rời chức sau khi ông dùng bạo lực chết người để đáp trả phong trào nổi dậy.

Thế bế tắc của tất cả các bên tham chiến tại Libya?

Chiến trường Libya được dự báo đang âm ỉ những diễn biến có thể bùng phát nhanh và khiến tình hình thay đổi sau nhiều tháng chiến dịch quân sự của NATO dường như bị sa lầy.

Tuy nhiên, xem ra những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 tháng qua càng trở nên khó khăn do những rạn nứt giữa phe nổi dậy và các đồng minh phương Tây về vấn đề liệu Gadhafi có thể ở lại trong nước hay không nếu ông từ chức.

Sa lầy trên chiến trường buộc các nhà lãnh đạo phương Tây tham gia chiến dịch của NATO ở Libya phải gia tăng áp lực ngoại giao. Anh và Bồ Đào Nha đã cùng với khoảng 30 nước khác, trong đó có Mỹ, đã công nhận chính phủ của phe nổi dậy ở Benghazi là hợp pháp.

Nhưng các động thái ngoại giao cũng cho thấy mâu thuẫn rõ rệt giữa phương Tây với phe nổi dậy. Trong khi Anh và Pháp nói rằng họ giờ đồng ý để Gadhafi ở lại Libya sau khi từ chức, thì lãnh đạo phe đối lập Mustafa Abdel Jalil lại nói rằng đề nghị đã đưa ra từ tháng trước đó nay không còn hiệu lực nữa.

Khi thời gian trôi qua, dự trữ quân sự, ngân sách và lòng kiên nhẫn của phương Tây cũng sẽ cạn dần theo. Mỹ, thành viên lớn nhất của NATO, đã hạn chế sự can dự của mình.

Trong khi đó, theo các nguồn tin quân sự, Italia, đối tác chủ chốt trong chiến dịch quân sự của NATO, đã bí mật rút các máy bay Garibaldi-551 ra khỏi chiến dịch, gây khó khăn lớn cho NATO.

Pháp cũng đã giảm bớt các phương tiện quân sự được triển khai trong cuộc chiến sau khi thất vọng với "thành quả" mà lực lượng nổi dậy giành được từ tay lực lượng của ông Gadhafi.

Stephen Flanagan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng phần lớn các chính phủ châu Âu có vẻ muốn kết thúc chiến dịch vào đầu tháng 10.

Những lo ngại về Libya thời hậu chiến

Ngay cả khi kịch bản được dự đoán có khả năng xảy ra nhất, là Tripoli sụp đổ và cuộc chiến Libya đi đến hồi kết và nhà lãnh đạo Gadhafi tránh được một kết cục đẫm máu, thì sự ra đi của ông có thể vẫn mở màn cho một giai đoạn mới đầy bất ổn và bấp bênh ở đất nước này.

Các công ty dầu lửa và các nước phương Tây lo ngại rằng lực lượng nổi dậy vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu.

Hơn thế nữa, các công ty này sợ rằng sự sụp đổ của chế độ Gadhafi sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến mới và phức tạp hơn.

Giới phân tích chính trị thì chắc rằng cho dù cuộc chiến này kết thúc một cách dễ dàng thì Libya cũng vẫn phải đối mặt với một thời kỳ hỗn loạn hơn. Một cuộc đấu đá chính trị sẽ khiến cho môi trường kinh doanh không thể trở lại như thời kì trước chiến tranh.

Chuyên gia dầu lửa của công ty Wood Mackenzie ước tính sau khi Gadhafi sụp đổ, Libya phải mất 36 tháng mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới.

Nguyễn Viết
Tổng hợp