Những điều ít biết về gia đình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Từ năm 2009, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Và 10 năm trước (2005), tạp chí Southern People Weekly từng viết, để tìm một người thích hợp đại diện cho hình ảnh phụ nữ Trung Quốc hơn Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện là "nhiệm vụ bất khả thi".
Chuyện tình lãng mạn
Hơn 7 năm trước (tháng 3/2008), khi được bầu làm Phó Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, chuyện tình lãng mạn của ông Tập Cận Bình đã được đưa lên mạng. Đây là lần đầu tiên, chuyện tình và cuộc sống riêng của một Ủy viên Bộ Chính trị được đăng tải công khai. Và từ khi đó, giới truyền thông đã xếp ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện là một trong những gia đình chuẩn mực của giới chính khách Trung Quốc bởi họ đều thành đạt, có mối tình lãng mạn và nuôi dạy con ngoan.
Ông Tập Cận Bình đã làm quen với vợ khi đang là Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Mặc dù khi đó là Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, nhưng đám cưới của ông Tập Cận Bình (1/9/1987) khá giản đơn. Và theo lời kể của vợ, niềm vui lớn nhất của ông Tập Cận Bình sau những giờ làm việc căng thẳng là nuôi dạy, chăm sóc và vui đùa cùng con gái.
Mặc dù là một trong những giọng hát dân ca ưu tú nhất Trung Quốc, nhưng bà Bành Lệ Viện vẫn thực sự ngưỡng mộ kiến thức của chồng bởi "tuy là một công chức nhưng rất am hiểu âm nhạc. Hơn nữa, vẻ lịch sự, cùng sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cùng cách nói chuyện cuốn hút của anh ấy đã khiến tôi yêu mến, cảm phục".
Thân phụ và thân mẫu của ông Tập Cận Bình.
Trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo Trung Quốc năm 2011, bà Bành Lệ Viện (sinh ngày 20/11/1962, ở tỉnh Sơn Đông) từng thổ lộ: "Khi chồng về nhà, tôi luôn nấu những món ăn ông thích" và trong mắt bà, ông Tập Cận Bình là người biết nấu những món ngon cho gia đình, biết sửa chữa những vật dụng trong nhà.
Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện được người hâm mộ Trung Quốc gọi là "Ca thần đến từ tiên cảnh" với giọng ca đỉnh cao của âm nhạc đương đại Trung Hoa. Bởi cách đây 35 năm (1980), bà Bành Lệ Viện từng đại diện cho Trường Nghệ thuật Tế Ninh, Sơn Đông tới Bắc Kinh tham gia biểu diễn văn nghệ và giọng ca của cô gái 18 tuổi (học thanh nhạc từ năm 14 tuổi) khi đó đã làm chấn động giới âm nhạc thủ đô.
Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện được coi là đại diện tiêu biểu của dòng nhạc dân tộc đương đại, là Thạc sĩ thanh nhạc dân tộc đầu tiên của Trung Quốc, là Thiếu tướng văn công trẻ nhất, là Giám đốc nghệ thuật đội quân nhạc của Quân đội Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viện, nữ ca sĩ nổi tiếng trong nền âm nhạc cách mạng Trung Quốc đương đại.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là giới truyền thông. Trong khi tờ New York Times miêu tả bà Bành Lệ Viện "tuyệt đẹp, ăn mặc thời trang và là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc" thì báo chí Anh so sánh Đệ nhất phu nhân Trung Quốc với "hiệu ứng Kate Middleton".
Nhiều người nói, cách ăn mặc giản dị nhưng sang trọng đã khiến bà Bành Lệ Viện trở thành một biểu tượng thời trang mới tại Trung Quốc.
Tề gia, trị quốc
Sinh ra (1/6/1953) trong gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, là con trai cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, ông Tập Cận Bình về công tác ở Quân ủy Trung ương, làm thư ký cho tướng Cảnh Tiêu. Khi làm Bí thư Huyện ủy Chính Định, tỉnh Hà Bắc, ông Tập Cận Bình từng nhường xe cho cán bộ cao tuổi sử dụng.
Và khi làm lãnh đạo ở Phúc Châu, ông dành tiền lương tài trợ dài ngày cho học sinh nhà nghèo ăn học… nên được dân chúng gọi là "Bí thư bình dân". Ông Tập Cận Bình từng là Chủ tịch rồi Bí thư của tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải. Trước khi trở thành Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình (có bằng cử nhân Chính trị, Tiến sĩ Luật) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, sức hấp dẫn của nhà lãnh đạo là cá tính của họ: có thu hút được quần chúng hay không chính là sự thể hiện qua hiệu quả công việc, qua năng lực xử lí tình huống của người đó. Giới truyền thông cho rằng, kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến nay, ông Tập Cận Bình đã đạt được một số thành công trong việc xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc, qua đó tạo hình ảnh thân thiện với người dân.
Tờ Nhân Dân nhật báo từng đưa tin, sau khi kết hôn, bà Bành Lệ Viện đã ngừng hát tại các sô diễn lớn, thù lao cao, để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ miễn phí cho người dân. Ngoài hoạt động nghệ thuật, bà Bành Lệ Viện còn tham gia công tác xã hội - từng là Đại sứ Thiện chí của Tổ chức Y tế thế giới (vận động tuyên truyền chống bệnh lao và HIV/AIDS), là Đại sứ của Hiệp hội Kiểm soát thuốc lá Trung Quốc.
Theo tâm sự của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, khi mang thai, bà muốn sinh con trai, nhưng chồng lại thích con gái và Tập Minh Trạch rất giống bố. Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện cho biết, vì cả 2 vợ chồng đều bận công tác, ít khi có điều kiện chăm sóc con gái, nên họ thống nhất với nhau - khi có mặt cả 3 người sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của con gái và một trong những sở thích của Tập Minh Trạch là được mẹ ôm khi đi ngủ.
Theo giới truyền thông, Đệ nhất tiểu thư Tập Minh Trạch (sinh ngày 27/6/1992), còn được gọi thân mật trong gia đình là Mộc Tử. Theo bà Bành Lệ Viện, người đặt tên cho con gái là cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân bởi ông nội muốn cháu gái sau này làm người một cách đàng hoàng, minh bạch, là người có tác dụng với xã hội. Tập Minh Trạch rất ít khi xuất hiện trước công chúng bởi ảnh hưởng tác phong của bố từ khi học ngoại ngữ tại Hàng Châu.
Theo tờ Daily Mail, Tập Minh Trạch đến trường Ivy League (thuộc Đại học Harvard) theo một chương trình học chuyển tiếp với một tên gọi khác nhằm tránh thu hút sự chú ý của dư luận. Theo tờ Washington Post, Tập Minh Trạch đã đăng kí học tại trường Kappa Alpha Theta và được bạn bè cùng lớp mô tả là một sinh viên "chăm chỉ và kín đáo", nói tiếng Anh rất chuẩn và hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Hơn 7 năm trước (12/5/2008), trận động đất kinh hoàng tại Tứ Xuyên đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, gây hậu quả nghiêm trọng và trong dòng người tới chia sẻ với bà con vùng thiên tai, dư luận đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của bà Bành Lệ Viện cùng con gái Tập Minh Trạch. Khi đó, bà Bành Lệ Viện tới Tứ Xuyên hát phục vụ bà con, còn Tập Minh Trạch khi đó là tình nguyện viên, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Danh gia vọng tộc
Chuyện tình của ông Tập Cận Bình với bà Bành Lệ Viện giống như cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân với bà Tề Tâm. Trong cuốn "Những sự kiện lớn", bà Tề Tâm từng viết, chồng là người bạn đời thuỷ chung, là người cha gương mẫu, luôn hết lòng quan tâm đến con cái.
Bà Tề Tâm thổ lộ, lần đầu tiên gặp nhau (một ngày chủ nhật tháng 4/1943), ông Tập Trọng Huân chỉ nhìn và mỉm cười gật đầu, còn khi cầu hôn thì yêu cầu bà viết lý lịch gửi cho mình. Một trong những đặc điểm của ông Tập Trọng Huân là bình dị, dễ gần cùng thái độ ân cần, thân mật với mọi người. Ngoài ra, ông Tập Trọng Huân còn có khả năng thu hút mọi người bằng cách diễn tả lời nói độc đáo.
Ông Tập Cận Bình thời trẻ chụp cùng mẹ, em trai và các em gái.
Ngày 28/4/1944, ông Tập Trọng Huân kết hôn với bà Tề Tâm và sinh được 5 người con, trong đó có ông Tập Cận Bình. Bà Tề Tâm nhớ lại, kể từ lúc lên chức bố sau khi vợ sinh cô con gái Kiều Kiều đầu lòng (1/3/1949) cho tới sau này, ông Tập Trọng Huân luôn yêu quý, chăm sóc các con và vui đùa với chúng cho dù công việc rất bận. Vì điều kiện công tác của mẹ, nên 2 anh em trai Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình đều do bố chăm sóc.
Ông Tập Trọng Huân (1913 - 2002) sinh trong một trang trại nông dân ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, với tên gọi khi mới sinh là Tập Trung Huân, tự Tương Cận; nhưng tổ phụ lại ở 2 nơi - một là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hai là thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây. Cuối thời nhà Thanh, do chiến tranh li tán nên gia đình họ Tập phải chuyển tới huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây.
Ông Tập Cận Bình đưa vợ con tới thăm cha, ông Tập Trọng Huân.
Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, ông Tập Trọng Huân là một trong những lãnh đạo của khu Thiểm Bắc, là người sáng lập chính của căn cứ địa cách mạng khu vực Thiểm Cam. Tới tháng 10/1935, ông Tập Trọng Huân hội quân với Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ông Tập Trọng Huân là thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc, và được cử làm Phó Thủ tướng, phụ trách công tác hằng ngày của chính phủ kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện (chính phủ) từ tháng 4/1959.
Ông Tập Trọng Huân được coi là một trong bát đại nguyên lão thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền, là người từng dìu dắt cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông đúng thời điểm Trung Quốc bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, nên được coi là người đề ra mô hình đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Theo Lư Tuấn Nghĩa
Cảnh sát toàn cầu