1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điểm tương đồng giữa IS và Khmer Đỏ

Trong một bài viết thăm dò xuất sắc của tác giả Graeme Woods mới đăng trên The Atlantic, ông có những so sánh thú vị về sự tương đồng giữa tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Khmer Đỏ.

IS và lá cờ đen đặc trưng
IS và lá cờ đen đặc trưng

Chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia trước đây đã giết chết 1,7 triệu người bằng các biện pháp tử hình với dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức.

Khmer Đỏ được nhiều học giả xem là một trong những chế độ hung bạo nhất trong thế kỷ 20, thường được so sánh với chế độ của trùm phát xít Adolf Hitler. Khmer Đỏ lợi dụng sự giận dữ của người dân Campuchia sau các đợt ném bom rải thảm của Hoa Kỳ giai đoạn 1965 - 1973. Chiến dịch này trút hơn 2,7 triệu tấn bom đạn xuống Campuchia, nhiều hơn số bom mà quân đồng minh sử dụng trong Thế chiến II.

Tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ giành được chính quyền tại Campuchia. Như một bài báo năm 2006 của Taylor Owen và Ben Kiernan đã lưu ý, "mặc dù có nhiều khác biệt, song có những mối liên hệ tương đồng quan trọng giữa cuộc chiến Iraq và cuộc xung đột Campuchia, đó là ngày càng có sự phụ thuộc vào sức mạnh không quân để chống lại cuộc nổi loạn biến đổi không đồng nhất".

Một trong những hành động đầu tiên của Khmer Đỏ là làm cho Phnom Penh vườn không nhà trống, đuổi người dân về quê làm ruộng. Những người sơ tán được tuyên truyền rằng, họ phải ra đi để tránh những cuộc ném bom của người Mỹ. Khmer Đỏ cai trị bằng tra tấn, hành quyết.

Đứng đầu trong hàng ngũ của Khmer Đỏ là hàng nghìn người trẻ bị nhồi sọ quan niệm rằng, năm 1975 (khi Khmer Đỏ bắt đầu cầm quyền) là "Năm Zero", và đặt mục tiêu xóa bỏ tư hữu, tiền và cấu trúc gia đình hay bất cứ điều gì liên quan đến xã hội Campuchia cũ. Nhưng những cách thức mà lực lượng này áp dụng đã không mang lại kết quả mà họ mong đợi, để rồi cuối cùng dân Campuchia trở thành những người bất hạnh.

Lãnh đạo Khmer Đỏ khoe khoang trên đài phát thanh rằng, chỉ cần một hay hai triệu người trong số dân chúng để xây dựng một xã hội điền địa cộng sản không tưởng. Đối với những người khác, thì theo câu châm ngôn, "sống cũng chẳng được gì; chết cũng chẳng mất gì".

Chúng định khôi phục lại những năm vinh quang của đế quốc Khmer thế kỷ 12. Trong thời gian cầm quyền, Pol Pot đã mạnh tay đàn áp các nhà trí thức, và bị cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 26% dân số Campuchia tại thời điểm đó.

Có khá nhiều điểm tương đồng giữa chế độ diệt chủng Pol Pot với IS ngày nay. Ngoài những điểm như đã nói ở trên, cả hai tổ chức đều gắn liền với sự huỷ diệt, đi ngược lại sự tiến bộ. Khái niệm "Năm Zero" của Khmer Đỏ không khác mấy so với việc IS phá huỷ các đồ tạo tác cổ đại ở Mosul và Nimrud, mặc dù chúng đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc buôn lậu cổ vật khác.

Các phong trào chống sự tiến bộ (dù là vì lý do tôn giáo hay chính trị) đều không có gì mang tính cách mạng. Chính bản chất của chúng lại sản sinh ra các phong trào chống đối, chẳng hạn như Luddite, một thành viên trong các nhóm công nhân Anh gây náo loạn và cố phá hủy máy dệt sợi trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Những nhóm này phát triển mạnh trong các giai đoạn thay đổi, như các biến động xã hội, hay thăng trầm công nghệ.

Bất cứ ai đến cánh đồng chết ở Campuchia hay nhà tù S-21 đều vô cùng đau xót và bị thôi thúc thực hiện hành động chống lại các nhóm diệt chủng. Không giống như chế độ Pol Pot ở Campuchia tự phải lo tài chính, IS ngày nay có của cải và tài nguyên vượt xa hơn nhiều.
 
Theo Ngọc Vân/National Interest
Lao Động