Những dấu hiệu “ấm lên” trong quan hệ Nga - Nhật?
Ngày 2/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 2 tại thành phố cảng Vladivostok của Nga để thảo luận việc hơp tác kinh tế trong các lĩnh vực năng lượng và công nghệ.
Theo giới truyền thông, Nhật Bản đang hy vọng thông qua quan hệ kinh tế sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược giữa hai nước để đối mặt với những khó khăn và tạo ra sự “đột phá” trong những tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ sau thế chiến thứ II.
Nhật tìm kiếm cơ hội
Theo giới quan sát, sự có mặt của Thủ tướng Abe tại Vladivostok cho thấy Nhật Bản rất quan tâm tới thị trường vùng Viễn Đông của Nga với nhiều tiềm năng hấp dẫn, cũng như mong muốn của Tokyo sớm vượt qua những bất đồng và thúc đẩy quan hệ với Moscow.
Theo giới chức Nhật Bản, cải thiện quan hệ với Nga trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với những nỗ lực của Tokyo đang tăng cường vai trò quốc tế của mình sau chiến tranh lạnh. Nhật sẽ có cơ hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi của nước Nga đang hướng về phía Đông.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tương lai. Tuy nhiên, trong cuộc gặp lần này, hai bên đã không đạt được bước đột phá nào về những tranh chấp lãnh thổ.
Báo giới cho biết, cuộc gặp chủ yếu có ý nghĩa củng cố lòng tin và quan hệ hữu nghị giữa hai nước để mở ra các cuộc đàm phán trong tương lai. Dư luận lại tiếp tục phải chờ đợi và hy vọng tới những kết quả khả quan hơn trong chuyến thăm chính thức Tokyo vào ngày 15/12 tới đây của Tổng thống Nga Putin.
Bên cạnh đó, cũng có nhận định rằng, Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ với Nga là nằm trong chiến lược “cân bằng” mối quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào chính sách của Washington như trước đây.
Chuyến thăm của ông Putin vào tháng 12 tới sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga kể từ khi ông Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012, mặc dù ông Abe đã nhiều lần thăm Nga, tìm kiếm quan hệ thân thiết hơn với Nga để chống lại ảnh hưởng của nước láng giềng to lớn đang gia tăng sức ép trong khu vực Đông Bắc Á.
Cựu nghị sĩ Nhật Bản, ông Muneo Suzuki cho rằng, các mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn với mục đích tìm kiếm giải pháp cuối cùng về tranh chấp các đảo ở Tây Thái Bình Dương là điều có ý nghĩa, bởi các nguồn tài nguyên năng lượng của Nga và công nghệ cũng như đầu tư của Nhật Bản là rất thích hợp với nhau.
Được biết, quần đảo Nam Kurils/Lãnh thổ phương Bắc bao gồm 4 hòn đảo do Nga kiểm soát từ cuối thế chiến II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh. Liên hợp quốc đã giao cho Nga quản lý khiến tranh chấp giữa hai nước về quần đảo này đã ngăn cản một hiệp ước hòa bình thời hậu thế chiến.
Nga đẩy mạnh “hướng Đông”
Theo giới nghiên cứu, từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, khu vực phía Trung và Tây không đủ sức hồi sinh nước Nga nên Moscow đã quan tâm hơn đến khai thác tài nguyên thiên nhiên ở phía Đông để phát triển.
Trả lời báo giới trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không đem lãnh thổ ra trao đổi”.
Tuy nhiên, nước Nga vẫn có những lợi ích to lớn trong việc bình thường hoá hoàn toàn với Nhật Bản, một cường quốc về kinh tế mà sự giúp đỡ về vốn cũng như công nghệ cao cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều đó càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh Mỹ và phương Tây kéo dài lệnh trừng phạt đối với Moscow sau sự kiện Crimea.
Cải thiện quan hệ với Nhật cũng phù hợp với lợi ích chính trị của nước Nga, với mục tiêu nổi bật của ngoại giao Nga là góp phần tạo dựng một trật tự thế giới “đa cực” trong đó Moscow là một cực quan trọng. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nga đã đưa ra và thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hoá và đặc biệt đặt trọng tâm vào củng cố quan hệ với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, Tổng thống Putin đã bày tỏ mong muốn cùng với Tokyo tìm kiếm giải pháp hoà bình cho những tranh chấp lãnh thổ hiện tại mà cả 2 bên cùng chấp nhận được.
Về lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về các dự án năng lượng “Sakhalin-2” và dự án hợp tác xây dựng cơ sở sản xuất khí hoá lỏng trên bán đảo Yamal (Cực Bắc Siberia).
Theo đó, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD để mở rộng dự án “Sakhalin-2” và để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện dự án “Sakhalin-3”. Năm 2018 sẽ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất khí hoá lỏng tại Vladivostok.
Chia sẻ lợi ích, xích lại gần nhau
Theo giới quan sát, trong khi Nhật Bản đã là đối tác thương mại hàng đầu của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Moscow và Tokyo cũng đang nỗ lực đi đến ký kết Hiệp ước hoà bình, giải quyết những tranh chấp lãnh thổ liên quan quần đảo Nam Kuril/lãnh thổ Phương Bắc.
Trong cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã nhất trí chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin sẽ diễn ra vào ngày 15/12 tại thành phố Yamaguchi - quê hương của Thủ tướng Abe.
Theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến lược London (IISS) thì Nhật và Nga có thể chia sẻ mối quan ngại chung đối với một số nước trong khu vực đang nổi lên, có lực lượng quân sự mạnh cùng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nên trong toan tính cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương thì hai cường quốc Nga – Nhật không thể không xích lại gần nhau.
Với vai trò “Trung tâm lục địa Á – Âu”, để giữ vai trò ảnh hưởng đối với khu vực và phát triển kinh tế thì Nga không thể không tăng cường khai thác tiềm năng khu vực phía Đông của mình. Mặt khác, việc này còn giúp Nga tiến một bước dài hơn trong nỗ lực “hướng Đông” - khu vực kinh tế năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI…
Như vậy, sau hơn 70 năm thế chiến II và hơn 20 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ Nga - Nhật vẫn chưa đạt được một Hiệp ước hòa bình, lý do chủ yếu được biết đến là vấn đề Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc. Giờ đây, lợi ích chiến lược của cả hai nước đã có sự điều chỉnh. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng rất có thể có bước “đột phá” quan trọng, khi quan hệ hai nước đang có xu hướng “ấm lên”./.
Theo Quang Huy/ CTV
Đảng Cộng sản Việt Nam