1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc: Quân đội làm kinh tế (*)

Những đại án rúng động

Vụ án tham nhũng của Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng… làm suy yếu sức mạnh quân đội Trung Quốc, khiến binh sĩ nhụt chí, hoang mang

Sau khi nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt của đảng, nhà nước và quân đội, Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng mang tên “Đả hổ diệt ruồi”, nghĩa là sẽ chống tham nhũng không ngại quan to và không bỏ qua quan nhỏ.

“Sói” rơi đài

Nổi bật trong số các quan to bị đánh gục là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng - 2 cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương, cũng là những người có quan hệ thân cận với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Cả 2 tướng trên đều đã về hưu song cái bóng của họ vẫn khuynh loát trong quân đội Trung Quốc với sự hậu thuẫn của ông Giang và nhiều phe cánh cùng thuộc hạ đang nắm giữ các chức vụ quan trọng, từng được Từ và Quách nâng đỡ. Thế nhưng, chiến dịch do ông Tập phát động vẫn được tiến hành với sự trợ giúp của cánh tay đắc lực Vương Kỳ Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI). Trọng tâm trong chiến dịch “đả hổ” là truy tố được Từ và Quách cùng những tay chân thân tín.

Trong lịch sử ngành công an Trung Quốc, những vụ kiểm kê tài sản của các tướng lĩnh quân đội có lẽ phải cần cả một cuốn sách dày mới có thể kể hết. Ngay các tay chân thân cận với Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng cũng đã có khối lượng tài sản khổng lồ.

Một “con sói” lớn bị mắc lưới là trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần. Là một quan chức cấp cao nắm giữ vị trí béo bở, lại thân cận với Từ Tài Hậu, nên Cốc được xem là một trong những nhân vật giàu quyền lực nhất của quân đội Trung Quốc.

Những đại án rúng động - 1

Tướng quân đội Quách Bá Hùng chờ ngày hầu tòa vì tham nhũng. Ảnh: E-PHOTO

Cũng như nhiều quan chức quân đội khác, quá trình tích lũy tài sản của Cốc Tuấn Sơn bắt đầu từ đất. Một tài liệu điều tra của CCDI cho biết các cáo buộc Cốc bắt đầu từ một vụ tranh chấp dự án đất đai khổng lồ. Đó là mảnh đất 267 ha của quân đội nằm tại vị trí đắc địa ở Thượng Hải. Cốc cắt làm đôi, đem bán với giá 2,7 tỉ nhân dân tệ (hơn 420 triệu USD) và hưởng 6% (tương đương 24 triệu USD).

Ngoài ra, cũng theo CCDI, Cốc sở hữu hàng chục lô đất ở trung tâm Bắc Kinh, Thiên Tân, Cáp Nhĩ Tân và nhiều nơi khác. Bằng cách “phù phép” chuyển từ đất công sang tư, Cốc bán rẻ lại cho các công ty bất động sản, hưởng chênh lệch và hoa hồng cho mỗi thương vụ vài triệu đến hàng chục triệu USD.

Kiểm kê tài sản của Cốc, cơ quan chức năng ghi nhận trung tướng này có hơn 60 căn biệt thự, trong đó có 7 căn đồ sộ do anh trai mình đứng tên. Cốc khai với CCDI số đó để làm quà tặng cho cấp trên (Từ Tài Hậu và “cấp trên của ông Từ”) nhằm hối lộ cho việc chạy chức và chạy tội.

Cốc còn dùng tiền để lo việc thăng hàm, “gắn sao” cho nhiều sĩ quan quân đội khác. CCDI cũng đặt nghi vấn: ngay từ năm 2011, Cốc đã suýt bị cách chức nhưng đến năm 2012 y vẫn được thăng từ thiếu tướng lên trung tướng. Một nhà bình luận thời sự đã cảm thán: “Mỗi một sao gắn trên cầu vai của Cốc là hàng núi tiền!”

Ngày 10-8-2015, Cốc bị tước bỏ mọi chức vụ, bị khai trừ khỏi đảng và bị truy tố với 4 tội danh, trong đó bao gồm tham nhũng và lợi dụng chức quyền. Tháng 8-2015, một báo cáo dẫn bản kiểm kê tài sản của Cốc Tuấn Sơn mà có lẽ liệt kê ra đây Hòa Thân cũng phải ghen tị.

Hơn 20 năm làm quan quân đội, trong nhà riêng của Cốc có chứa 400 kg vàng miếng, một hầm rượu quý, bảo vật, đồ cổ thì vô số. 20 nhân viên mất 2 đêm mới kê khai xong và phải dùng 4 xe tải quân sự cỡ lớn mới chở đi hết số tài sản này. Đó là chưa kể đến các vật sưu tầm kỳ lạ nhưng đắt giá như tượng chủ tịch Mao bằng vàng ròng, 1 bồn rửa tay bằng vàng và 1 con thuyền buồm cũng bằng vàng nốt.

“Hổ” thân bại danh liệt

Qua điều tra, Cốc đã cung khai ra Từ Tài Hậu, cấp trên và cũng là người đỡ đầu cho mình. CCDI có đầy đủ nhân chứng và vật chứng để truy tố Từ. Gia sản của Từ còn lớn hơn và đa dạng hơn của Cốc, đến nỗi một tờ báo người Hoa ở hải ngoại phải châm biếm rằng có lẽ nên làm một cuốn đại từ điển mới đủ để kê khai.

Về phần Từ, khi bị truy tố, ông nằm điều trị ung thư bàng quang giai đoạn cuối ở bệnh viện quân sự. Năm ngoái, Từ Tài Hậu qua đời. Cái chết của ông giúp cho Trung Quốc chặn được đoạn hậu của vụ bê bối vì nếu phải đứng trước vành móng ngựa, Từ có thể khai ra thêm nhiều điều nguy hiểm.

Quách Bá Hùng, “con hổ” còn lại trong 2 mục tiêu, đã được miêu tả rằng vô cùng hoảng sợ khi nghe tin Từ bị truy tố và tịch biên gia sản. Đòn đắt giá nhắm vào thượng tướng này là vào năm 2015, hàng loạt sĩ quan quân đội cấp trung và cấp cao ở quân khu Chiết Giang, trong đó có con trai của Quách Bá Hùng (đại tá Quách Chính Cương), bị bắt giữ về tội lợi dụng chức vụ và quyền lực của cha để trúng thầu 2 dự án trọng điểm trên đất quân đội. Vợ của Quách Chính Cương thì bị nêu đích danh là đã thu lợi 1,5 tỉ nhân dân tệ từ tiền cho thuê 2 trung tâm thương mại lớn ở tỉnh Chiết Giang.

Trước đó, những người thân cận hoặc có liên quan đến Quách Bá Hùng như Lưu Tử Vinh (phó giám đốc Cơ quan Kiểm soát không lưu Trung Quốc), Trần Hồng Nham (phó chính ủy Quân khu Bắc Kinh), Vương Thanh (phó chủ nhiệm hậu cần Lực lượng Không quân), người thì bị bãi chức để điều tra, người bị vô hiệu hóa, riêng Lưu Tử Vinh phải nhảy lầu tự tử. Chiến dịch này đã “bội thu” cho ông Tập Cận Bình: 39 sĩ quan quân đội trung và cao cấp bị bắt giữ để điều tra.

Ngày 1-4, Bắc Kinh ra thông cáo Quách Bá Hùng “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng” (từ mà CCDI dùng để chỉ tội tham nhũng). Ngày 4-4, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ CCDI cho biết Quách đang bị cáo buộc tham nhũng 80 triệu nhân dân tệ và sẽ sớm phải hầu tòa.

Như vậy, cả 2 “con hổ” lớn của quân đội Trung Quốc đều đã bị hạ bệ.

1/3 đất quân đội bất minh

Trong một hội nghị quân đội, Trung tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nói qua thanh tra, hơn 1/3 đất đai do quân đội sở hữu không có giấy tờ rõ ràng. Chính vì thế, ông cho rằng những quan chức tham nhũng đã lợi dụng sự không minh bạch này để trục lợi.

Chỉ riêng năm 2009, số tiền từ bán đất của quân đội được hạch toán lên đến 30 tỉ nhân dân tệ. Hàng chục lô đất đã được bán dưới danh nghĩa “chuyển đổi mục đích sử dụng” và số tiền chính vẫn chạy vào túi các tướng lĩnh như Cốc Tuấn Sơn.

(Kỳ tới: Sức ép cải cách)

Theo Đặng Văn Thuận

Người Lao động