Những "công nghệ" phòng chống hải tặc
(Dân trí) - Vụ bắt cóc tàu chở dầu khổng lồ Sirius Star của Ảrập Xêút đã khiến cả thế giới biết đến hải tặc Somali. Trong khi chờ lực lượng quốc tế có hành động, chủ thuyền cần có các "mánh" để tự bảo vệ mình. .
Còi báo động
Ngoài việc vũ trang cho thuỷ thủ đoàn, thiết bị âm thanh tầm dài (L-RAD) và thiết bị nghe từ tính (MAD) là các khí tài được nhiều tàu hàng hải triển khai sử dụng. Được xếp loại như các vũ khí "không gây chết người", các khí tài này tạo ra một chùm âm thanh có thể đi xa hơn âm thanh của một loa phát thanh thông thường.
Vahan Simidian, Tổng Giám đốc điều hành của Hãng công nghệ HPV Technologies, hãng đã phát triển thiết bị MAD, lý giải vì sao thiết bị này có hiệu quả: "Nếu thuyền trưởng lo ngại về con tàu của mình, họ sẽ cho hoạt động hệ thống còi báo động trên MAD. Việc này chắc chắn sẽ thu được sự chú ý của hải tặc. Nếu hải tặc tiếp tục đến gần, thuyền trưởng sẽ chuẩn bị các hành động tránh bị tấn công trong khi bật nút 'tone' - đây là một âm thanh chói tai sẽ làm khó chịu và đánh lạc hướng hải tặc".
Nhưng các chuyên gia nói nếu bật hết công suất, thiết bị này có thể đánh ngã một người đang đứng.
Dây thép gai
Nick Davis, một cựu hoa tiêu đang vận hành cơ quan "Giải pháp An ninh Hàng hải chống Hải tặc" (một tổ chức được xây dựng nhằm giúp bảo vệ các tàu buôn hàng hải) cho rằng có một số loại tàu rất dễ bị hải tặc tấn công. Các biện pháp thông thường được sử dụng khi một chiếc tàu rời cảng là chăng các dây thép gai xung quanh tàu, giữ cho các vòi cứu hoả ở công suất cao nhất và luôn tuần tra trên boong.
Một công ty ở Hà Lan đã cho ra một giải pháp: sử dụng một hàng rào điện công suất 9.000 volt. Thiết bị "Secure Ship" là một hệ thống hàng rào bảo vệ bằng điện bố trí xung quanh tàu, mà các nhà sản xuất nói giống như các hệ thống được sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, giám đốc Văn phòng Hàng hải Quốc tế, Cyrus Moudi nói hệ thống "Secure Ship" có công dụng tốt nhưng không thích hợp cho mọi loại tàu. Ông nói: "Hàng rào điện không thuộc loại nguy hiểm chết người và có thể dùng để ngăn cản những kẻ tấn công. Nhưng phương pháp này không hoàn toàn an toàn và bạn không thể dùng hệ thống này cho các tầu chở các hàng hoá là chất dễ cháy, nổ. Điện và chất nổ không thể kết hợp tốt với nhau".
Quan sát rađa
Có một công nghệ khác được viện đến là rađa. Một hãng phát triển công nghệ cở East Anglia đang triển khai một hệ thống không chỉ có thể giúp xác định mục tiêu mà còn nhận dạng nó.
Gordon Oswald, Giám đốc Công nghệ ở hãng Cambridge Consultants, hãng đang phát triển công nghệ rađa khác phẳng (holographic), cho hay ý tưởng này vẫn còn đang manh nha, song có tiềm năng trở thành một công cụ giá trị giúp cho các tàu hàng hải và thủy thủ đoàn.
Theo ông Gordon Oswald: "Loại rađa này quét xung quanh tàu một chùm sóng 360 độ. Điều này có nghĩa là bạn có thể quan sát liên tục mục tiêu và biết mục tiêu này đang làm gì".
Thiết bị công nghệ "thị giác" mới này có thể sử dụng phối hợp với một rađa thông thường. Nhưng không giống các công nghệ khác, thiết bị này có thể tạo ra hình ảnh về mục tiêu được quan trắc, cho phép thuỷ thủ đoàn nhận diện mục tiêu.
Nhật Mai
Theo BBC