1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những cô gái bị bán làm nô lệ tình dục ở Iraq

(Dân trí) - Người đàn ông nói chuyện điện thoại với một cô bé Iraq 14 tuổi tự xưng là Sa'ad. Hắn ta đang gọi điện thoại đường dài từ Dubai và kể cho cô bé nghe bao nhiêu điều tuyệt diệu ở xứ sở đó. Hắn cũng không giấu ý định mua cô bé. Nhưng cô bé tuổi teen Safah thừa biết điều gì đang đón đợi mình ở phía trước.

Nhiều tuần sau khi bị bắt cóc và bị giam giữ trong một ngôi nhà tối ở quận Karada dành cho tầng lớp trung lưu ở Bagdad,  Safah đã nghe thấy những kẻ bắt cóc mặc cả về giá cả bán mình. Cuối cùng, thoả thuận cũng đạt được với giá 10.000 USD. Nhìn chằm chằm xuống sàn nhà vương đầy chai lọ whiskey rỗng, cô bé mồ côi nghe tên Sa’ad huyên thuyên về cuộc sống tươi đẹp đang đón đợi cô bé: một ngôi nhà đẹp, những bộ quần áo đắt tiền và những bữa tiệc bù khú với các ngôi sao nhạc pop. Tại sao cô bé lại không cùng hai bé gái người Iraq cùng độ tuổi khác sống với Sa’ad trong cung điện của hắn ta nhỉ?

 

Safah biết rằng mình không còn nhiều thời gian. Một chiếc hộ chiếu giả cùng ảnh của cô bé, với một cái tên giả đã được làm sẵn cho cô bé. Và giả sử cô bé có trốn thoát, thì cũng chẳng có một mái ấm để trở về. Chắc chắn cô bé sẽ kết thúc cuộc đời mình trong một nhà tù nào đó. Vậy cô bé sẽ phải làm gì đây?

 

Safah là hiện thân cho một phần không bao giờ được nhắc tới trong nạn dịch bắt cóc ở Iraq: buôn bán nô lệ tình dục. Không ai biết đã có bao nhiêu phụ nữ trẻ bị bắt cóc và bị bán kể từ năm 2003, sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Tổ chức vì sự Tự do của Phụ nữ ở Iraq, có trụ sở ở Baghdad, ước tính có hơn 2.000 phụ nữ Iraq biến mất trong khoảng thời gian trên. Một nhân viên phương Tây ở Baghdad chuyên giám sát tình trạng của phụ nữ Iraq cho biết có thể người ta đã thổi phồng con số trên, nhưng thừa nhận trước kia, dưới thời Saddam, không hề có tình trạng buôn bán nô lệ tình dục. Song ngày nay, nó lại trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Luật pháp và các quy định rệu rã, chính phủ bất ổn đã khiến cho các nhóm tội phạm cùng khủng bố phát triển mạnh.

 

“Đây thực sự là một vấn đề,” nhân viên trên nhận xét. Nhân viên này cũng đã nghe các bản báo cáo đặc biệt của các thành viên trong các tổ chức nhân đạo về những bé gái bị bắt cóc và bán cho nhà thổ. “Đáng tiếc là, tình hình an ninh không cho phép chúng tôi theo sát vấn đề này.” Theo một báo cáo về tình trạng buôn bán phụ nữ của Bộ ngoại giao Mỹ tháng 6/2005, thì ở Iraq “rất khó xác định được con số chính xác”. Tuy nhiên, đã có một số phụ nữ và em bé Iraq bị bán sang các nước Yemen, Syria, Jordan, và Vịnh Ba Tư làm nô lệ tình dục.

 

Các gia đình nạn nhân lại quá xấu hổ trước sự biến mất của con em mình nên không khai báo cho các nhà chức trách. Và có một thực trạng đáng đau buồn là một khi các bé gái trên được thả về, thì vì danh dự, người thân của họ cũng không đến nhận nữa.

 

Nếu đến thăm nhà tù dành cho nữ giới ở Khadamiyah, bắc Baghdad, bạn sẽ được thấy vô số câu chuyện về bắt cóc - bỏ rơi tương tự. Cô gái Amna 18 tuổi xinh xắn với mái tóc đuôi gà cho biết, cô bé đã được một tay súng đưa đến cô nhi viện sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến ở Iraq. Sau đó, cô bé bị đưa đến các nhà thổ ở Samarra, al-Qaim, giáp với biên giới Syria, và Mosul, rồi lại bị ném trở lại Baghdad. Ở đây Amna phải uống thuốc, mặc quần áo tự sát và đánh bom văn phòng của một giáo sỹ ở Khadamiyah. Sau đó, cô bé bị cảnh sát bắt. Một toà án kết tội cô gái 7 năm tù giam vì đã đứng về phía những kẻ tấn công, theo lời giám đốc nhà tù.

 

Còn hai cô gái Asmah, 14 tuổi, and Shadah, 15 tuổi, đã bị đưa đi khắp nơi trong các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, trước khi trốn thoát được và trình báo với cảnh sát ở Dubai. Sau đó, hai chị em Asmah – Shadah đã được đưa về Iraq. Nhưng giống như bao cô gái khác, sau khi trốn thoát khỏi tay bọn bắt cóc và buôn người, họ lại bị tống tù vì mang hộ chiếu giả. Ở đó, họ phải đợi các nhà chức trách xem xét sự trong sạch của mình. 

 

Còn điều gì xảy ra với nhóm đã bắt họ? Nghe nói những kẻ đó đã “lót” một ít tiền, và lại được trở lại đường phố. “Cháu không biết sẽ làm gì nếu nhà tù quyết định thả cháu,” Asmah nói. “Chúng cháu chẳng có ai để trông cậy cả.”

 

Điều đó cũng có nghĩa là, đối với những cô gái như Safah, thì chẳng còn thiên đường nào ở Baghdad cả. Năm 2003, sau khi cha Safah chết, bà của cô bé đã giấu gia đình mang cô bé đến trại trẻ mồ côi số 2 ở Adhamiya “ký gửi”. Tại trại trẻ mồ côi, cô bé làm bạn với một nữ y tá rất ân cần. Người đó đã nói chuyện với Safah hàng giờ liền. Người y tá khiêm nhường với gương mặt tuyệt với ấy đã làm cho Safah nghĩ đó là một người tốt, nhân hậu, một người cô bé có thể tin tưởng. Người y tá đã nói với Safah rằng nếu quay trở lại với gia đình cô bé có thể bị giết vì nỗi xấu hổ. Vì vậy cô ta gợi ý nhận Safah làm con nuôi. Nhưng nếu qua các thủ tục hành chính thì mất rất nhiều thời gian, nên người y tá đó xui cô bé ôm bụng dưới, bên phải, rồi la hét, lăn quằn quại trong phòng của giám đốc trại trẻ, vờ như bị đau ruột thừa. Thế là họ gọi cấp cứu cho cô bé. Và khi đã ở bệnh viện, người y tá mau lẹ đưa Safah lên một chiếc xe đã đợi sẵn.

Ba tuần tiếp theo là những ngày tồi tệ nhất trong đời Safah. “Cháu đã bị tra tấn đánh đập, chửi rủa thậm tệ trong ngôi nhà đó.” – Safah nói. Tuy không nói rõ chuyện gì đã xảy ra trong căn nhà tối om, nồng nặc mùi whiskey đó, nhưng Safah kể lại khi được biết sẽ bị bán cho Sa’ad, cô bé hoàn toàn tuyệt vọng. Cô bé đã cố nói chuyện với một cậu bé hàng xóm. Sau đó, cậu bé đã báo với cảnh sát địa phương. Họ đã xông vào ngôi nhà bắt người y tá. Rồi cả Safah và người y tá kia bị bắt giam. Một tháng trước, cô bé được trở lại trại trẻ.

Tại trại trẻ, cô bé Safah may mắn được học máy tính, khâu vá và vẽ chân dung gia đình như cô bé ước muốn. Nhưng giờ cô bé cảm thấy ở đây không còn an toàn như trước nữa. Một nhân viên xã hội đã kể với cô bé rằng người y tá không còn ở tù nữa. Đột nhiên, Safah lao ra khỏi phòng, nức nở và tự đấm bùm bụp vào đầu mình. “Nếu cô ta được thả, cháu không thể ở đây được.” – Đôi mắt của cô bé hoảng hốt. Nhưng tận trong sâu thẳm, Safah biết cô bé sẽ chẳng có nơi nào để đi.

Thuỳ Trang

Theo Times