Những cô dâu Ấn vỡ mộng vì chồng Tây
Khi Archana Sharma cưới năm 1999, cô nghĩ đây là cơ hội để cả nhà thoát nghèo và được đi Tây. Thiếu nữ 25 tuổi đặc biệt xinh đẹp này đã từ chối lời mời đóng phim để lao vào đám cưới với một nhà chiêm tinh học.
"Tôi đã chấp nhận lấy một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp mặt, vì nghĩ anh ta sẽ cho tôi cuộc sống tốt đẹp hơn ở Canada", cô kể. "Khi sang đó rồi, tôi sẽ có thể đưa hai em gái và mẹ tôi sang theo".
Sau 6 tuần ở Ấn Độ, chú rể về Toronto, để lại lời hứa sẽ làm các thủ tục đón vợ sang. Nhưng chiếc vé thông hành mong đợi không bao giờ đến tay cô. Sau 6 năm chờ đợi ở bang Haryana quê nhà, Sharma nhận được giấy tờ thông báo rằng cô đã bị chồng bỏ.
Những câu chuyện tương tự như của Sharma ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp đất nước Ấn Độ. Có tới 30.000 cô dâu bị những ông chồng di cư bỏ lại trên đất Ấn, theo con số ước tính của chính phủ. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng con số thực tế lớn hơn nhiều.
Cho dù kinh tế ngày càng tăng trưởng mạnh, mỗi năm vẫn có tới 450.000 người Ấn đi sang nước khác tìm việc làm và một cuộc sống khá giả hơn. "Với một số người, đi tây là để tìm cơ hội tốt và xã hội ổn định", Rainuka Dagar, nghiên cứu viên của Viện phát triển Truyền thông Ấn bình luận. "Với nhiều người khác, đi Tây là để thể hiện đẳng cấp. Người ta tỏ ra kiêu hãnh khi có người nhà sống và kiếm tiền ở Tây".
"Ở một số nơi, lấy chồng ngoại là cách để đưa cả gia đình ra nước ngoài", Santosh Singh, chủ tich phòng tư vấn gia đình ở thành phố Chandigarh nói.
Nhiều cuộc hôn nhân thành công, nhưng cũng nhiều cuộc thất bại. Các cô dâu Ấn khi sang nước ngoài thường bị sốc về văn hóa. Những người chồng của họ thì thường cảm thấy bị sức ép trong mối quan hệ với gia đình vợ. Thậm chí một số chú rể kiếm cô dâu chỉ chăm chắm nhìn vào món hồi môn khổng lồ, hoặc đơn giản là kiếm "vợ hờ" cho những ngày ở Ấn.
Khi mối quan hệ ít tình yêu bị dồn ép, nhiều chú rể "lên đường" để cô dâu mỏi mòn chờ đợi. "Nếu họ bỏ lại vợ, gia đình bên nhà gái - vốn sống trong một xã hội bảo thủ và nghiêm khắc - thường không dám lên tiếng vì sợ mất mặt, không dám báo với nhà chức trách. Và cho dù họ báo, thì họ cũng không có được lợi thế nhiều về mặt pháp lý", ông Singh cho hay.
Các cơ quan chính phủ và tổ chức ở Ấn đang nỗ lực thay đổi tình trạng này, như yêu cầu phải đăng ký kết hôn, hình sự hóa tội che giấu thông tin về các cuộc hôn nhân cũ, yêu cầu các nước liên quan cho dẫn độ người phạm luật hôn nhân.
Nhưng với Sharma, những nỗ lực đó đều là quá nhỏ và quá muộn. "Thay đổi một chút trong luật chẳng làm lại được đời tôi. Những vụ việc như thế này chỉ chấm dứt nếu vị trí trong xã hội của người phụ nữ được nâng lên, và điều đó cần nhiều thời gian lắm".
Theo T. Huyền
Vnexpress/Time