1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Những chiêu trò quen thuộc của Trung Quốc

Theo nhận định của học giả Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tại Đại học Brandeis, cách tiếp cận thiếu hiệu quả hiện nay không những không khiến Trung Quốc dừng hoạt động cải tạo đất phi pháp mà còn thể hiện sự quân sự hóa với quy mô chưa từng có từ trước đến nay tại Biển Đông.

Học giả Ngô Di Lân đề xuất một chiến lược mới mang tên “Phản ứng linh hoạt” với 4 đặc điểm chính, bao gồm tức thời, độc lập, chọn lọc và cân đối, nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc.

Không thể kiềm chế Trung Quốc?

Hãng Reuters đưa tin, Trung Quốc bắt đầu vận hành trạm hải đăng xây dựng trái phép trên bãi đá Xu Bi, một trong những đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 5-4, Tân Hoa xã cho biết, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã tổ chức “lễ khánh thành”, đánh dấu việc chính thức đi vào hoạt động của trạm hải đăng cao 55m trên bãi đá Xu Bi.

Trước đó (4-4), tờ The Straits Times cho rằng, trong mấy chục năm qua, bờ biển của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam về cơ bản không có cư dân hoặc công trình dân dụng, chỉ có một số ngư dân nghỉ chân tạm thời ở căn nhà gỗ trên đảo. Nhưng sau khi Bắc Kinh thành lập cái gọi là chính quyền “thành phố Tam Sa” và tạo ra sự thay đổi nhanh chóng khiến dư luận quan tâm tới Hải Nam, tỉnh cực nam của Trung Quốc, cùng với sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Theo nhận định của nhà phân tích an ninh Tạ Diễm Mai đến từ Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, Hải Nam là “đầu ngọn giáo” của Hải quân Trung Quốc và rất quan trọng đối với việc điều động lực lượng của Bắc Kinh. Bởi Hải Nam có căn cứ tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân và trong tương lai Trung Quốc có khả năng triển khai tàu sân bay ở đây. Trong khi đó, học giả Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng, nếu Trung Quốc quyết định thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Hải Nam có thể phát huy vai trò quan trọng.

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc

Chuyên gia quân sự Harry Kazianis, Tổng biên tập trang tin của chuyên san The National Interest cho rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, nhằm thiết lập ADIZ ở vùng biển này. Đồng thời khuyến cáo, Trung Quốc có thể thâu tóm Biển Đông trong vài năm tới nên Mỹ và các nước hữu quan phải hành động ngay từ bây giờ.

Trước đó, Hãng Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định, sự trỗi dậy của Trung Quốc là xu thế không thể đảo ngược. “Bạn không thể kiềm chế Trung Quốc”, Tiến sĩ Ng Eng Hen nói.

Ông Ng Eng Hen còn cho rằng, lập trường của Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn với các nước láng giềng ASEAN và châu Á và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore lo ngại về xu hướng chạy đua vũ trang đang tăng lên ở Đông Nam Á. Và việc Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhận lời phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La năm nay được dư luận quan tâm bởi Bangkok vốn được coi là có lập trường thân Bắc Kinh. Và Biển Đông chắc chắn là trọng tâm của chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La.

Tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân vừa lớn tiếng tuyên bố, bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng có quyền lập ADIZ. Và Trung Quốc đưa ra tuyên bố ngang ngược kể trên sau khi Mỹ khẳng định không công nhận nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Bởi trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Work tuyên bố, Washington sẽ coi việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông là hành động gây mất ổn định và sẽ không công nhận một vùng giới hạn như vậy ở Biển Đông.

Nếu Bắc Kinh biết xấu hổ

Ngày 5-4, tờ The Straits Times đưa tin, làng chài Đàm Môn ở đảo Hải Nam đã trở thành tuyến đầu trong việc Trung Quốc sử dụng ngư dân vào mục đích bảo vệ cái gọi là vùng biển “truyền thống tổ tiên”. Bởi Bắc Kinh đã trả 180.000NDT (khoảng 27.000USD) cho mỗi chủ tàu để họ tới quần đảo Trường Sa và không quan tâm tới việc họ có đánh bắt cá hay không.

Trước đó, tờ The National Interest đăng bài viết của tác giả Harold Kearsley bàn về quy mô, vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Và cảnh báo, Cảnh sát biển Trung Quốc trở thành lực lượng nguy hiểm, khó đối phó và lực lượng này đang phục vụ khá đắc lực cho yêu sách bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo ông Jamali Basri, Chủ tịch Hiệp hội ngư dân ở thành phố cảng Miri, bang Sarawak, Malaysia, gần 1.000 ngư dân của bang này hằng ngày phải sống trong sợ hãi vì mối đe dọa đến từ “tàu chiến Trung Quốc”. Giới chuyên môn cho rằng, có 2 vấn đề nan giải đang tồn tại: nhu cầu về cá ngày một tăng lên, và các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đều muốn thực thi chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Và 2 vấn đề này khiến tranh giành giữa các nước về nguồn cá ở Biển Đông diễn ra không có hồi kết.

Theo tờ Straits Times, ngư dân sống ở vành đai khu vực Biển Đông đang lo lắng về nạn đánh bắt hải sản trộm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và nguồn thu nhập của họ. Ngư dân Đông Nam Á hiện sống trong tình trạng không lo hải tặc, chỉ sợ tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc. Trước đó, Cục Cảnh sát biển Đài Loan cho biết, một tàu cá Trung Quốc đã bị bắt khi săn trộm san hô và rùa quý hiếm xung quanh quần đảo Pratas (Bắc Kinh gọi quần đảo này là Đông Sa) do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông.

Còn Tạp chí Plos Biology vừa đăng kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Hawaii (Mỹ) cho thấy, hành động bồi đắp xây 7 đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông đã làm mất gần 30% số lượng rạn san hô tự nhiên.

Theo nhận định của ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, tình hình bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi, Giaven, Tư Nghĩa và Gạc Ma cho thấy, Bắc Kinh đã mở rộng rất nhanh và quy mô ngày càng lớn tại khu vực này. Và những gì đang diễn ra chứng tỏ, sớm hay muộn phải đối mặt với viễn cảnh Trung Quốc áp đảo về quân sự ở Biển Đông.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cảnh báo, việc Trung Quốc triển khai vũ khí và binh lính bất hợp pháp đến Biển Đông đã đi ngược với tuyên bố của ông Tập Cận Bình khi tuyên bố (tháng 9-2015 tại Washington), Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Theo báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 5-4 cho thấy, căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, là yếu tố thúc đẩy Nhật Bản vượt Đức để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 8 thế giới (tăng lên 40,9 tỉ USD trong năm 2015). Chi tiêu quân sự năm 2015 đạt mức 1.676 tỉ USD, tăng 1% so với năm trước và Trung Quốc đứng thứ hai với mức 215 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm trước.

Trong 10 năm qua (2006-2015), ngân sách quân sự Mỹ giảm 4%, nhưng Trung Quốc lại tăng hơn 132%. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Đại Dương tăng 5,4% lên 438 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 49%. Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự và áp đặt chính sách bành trướng ở Biển Đông, khiến các nước ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia… phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Một số nước Đông Nam Á cũng tăng cường sức mạnh quân sự sau khi chứng kiến Trung Quốc liên tục có hành động đơn phương sai trái ở Biển Đông. Theo đó, chi tiêu quốc phòng của Philippines trong năm 2015 tăng 25,5% lên 3,9 tỉ USD. Con số này của Indonesia, Malaysia là 7,6 tỉ USD (tăng 16,5%) và 4,6 tỉ USD (tăng 7,7%). Nhưng những con số này quá nhỏ so với chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2015 - đạt 215 tỉ USD.

Theo nhận định của ông Sam Perlo-Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ duy trì ở mức tăng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế.

Tân Hoa Xã cho biết (lần đầu tiên), Chiến khu Trung tâm có biên chế lực lượng hải quân. Điều này đồng nghĩa với việc trong 5 chiến khu mới thành lập, có 4 chiến khu đã thành lập lực lượng hải quân là Chiến khu miền Đông, Chiến khu miền Nam, Chiến khu miền Bắc và Chiến khu Trung tâm. Giới quân sự cho rằng, sự xuất hiện của hệ thống YJ-62 với tầm bắn lên đến 400km ở Hoàng Sa cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường đáng kể sức mạnh cơ bắp ở quần đảo này và đẩy mạnh quân sự hóa tại Biển Đông.

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã triển khai tổ hợp pháo phòng không tự hành LD-2000 cho lực lượng đồn trú trái phép tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hỏa lực phòng không tại Hoàng Sa.

Còn trang khoa học Popular Science vừa tiết lộ thông tin về CSA-003 “Scout”, loại máy bay do thám mới của Trung Quốc, có khả năng sẽ được sử dụng cho các cuộc tuần tra biên giới. CSA-003 “Scout” do Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc chế tạo, có thể thu thập thông tin tình báo và có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng, cũng như chống lại các thiết bị điện tử của đối phương.

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 26 và 27-5.

Tokyo đang phối hợp với các nước G7 để nêu vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7. Ngoài ra, Tokyo còn đề nghị các Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung sau cuộc họp ở thành phố Hiroshima diễn ra ngày 10 và 11-4.

Việc này cho thấy Tokyo đã phớt lờ cảnh báo được Bắc Kinh liên tục đưa ra gần đây - Nhật Bản sẽ cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nếu đề cập vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Theo

PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm