1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những câu hỏi về bức tranh tiêm chủng chống Covid-19 trong tương lai

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều người trên thế giới đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19 chỉ trong vòng 1 năm và Israel thậm chí đã tiêm mũi thứ 4. Câu hỏi đặt ra là việc tiêm chủng trong tương lai sẽ như thế nào?

Những câu hỏi về bức tranh tiêm chủng chống Covid-19 trong tương lai - 1

Các nước trên thế giới đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine liều tăng cường (Ảnh minh họa: SCMP).

Việc tiêm chủng mũi 4 diễn ra chỉ 1 năm sau khi Israel triển khai chiến dịch tiêm vaccine mRNA Pfizer-BioNTech và khoảng 5 tháng sau đợt tiêm liều thứ 3.

Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm mũi 3 cho người dân trong những tháng gần đây. Chiến dịch này được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy hiệu quả của vaccine, ngay cả loại vaccine hiệu quả nhất như mRNA, cũng giảm dần trong 6 tháng và kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại biến chủng Omicron.

Điều này đã đặt ra câu hỏi chương trình tiêm vaccine Covid-19 trong tương lai sẽ ra sao. Trong khi bệnh cúm chỉ cần tiêm phòng hàng năm để đối phó với các biến chủng khác nhau, nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19 chỉ trong vòng một năm.

Trong 2 tuần qua, các nhà phát triển vaccine đã công bố các tài liệu đánh giá trước về các thử nghiệm để xác định liệu liều thứ ba có thể tạo đủ kháng thể trung hòa chống lại chủng Omicron hay không. Pfizer cho biết, 3 liều vaccine mRNA có thể vô hiệu hóa Omicron.

"Các dấu hiệu ban đầu cho thấy Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn so với các chủng trước đó và trong khi hai liều của một số loại vaccine có hiệu quả bảo vệ đáng kể chống lại biến chủng này, liều tăng cường sẽ khôi phục khả năng chống lại nguy cơ bệnh nặng ở mức tương tự như hai liều", theo Peter Smith, giáo sư tại trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh).

Nhưng liệu 3 mũi tiêm có đủ hiệu quả bảo vệ hay không vẫn chưa rõ ràng.

"Hiện tại, có vẻ như 3 liều vaccine mRNA đã đủ hiệu quả bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh nặng do Omicron gây ra, nhưng nếu hiệu quả tiếp tục giảm đáng kể theo thời gian, thì sẽ tiêm tiếp liều thứ 4", giáo sư Smith nói.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế Jerome Kim chỉ ra rằng, hiện Omicron vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng và các chương trình tiêm liều tăng cường là cách để "câu giờ" trong lúc chính phủ và nhà khoa học tìm hiểu thêm. Ông cho biết các nhà khoa học muốn hiểu thêm về Omicron và những gì thực sự có thể giúp cơ thể con người chống lại nó, chẳng hạn như kháng thể hoặc tế bào T, vốn được cho là có thể giúp hạn chế khả năng xuất hiện triệu chứng nặng.

Trong khi Omicron gây nhiều ca nhiễm đột phá hơn do vaccine tạo ra mức độ kháng thể trung hòa thấp hơn, các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra cách miễn dịch qua trung gian tế bào có thể bảo vệ để chống lại khả năng nhập viện do chủng này gây ra.

Các nhà khoa học cũng muốn thử nghiệm xem liệu liều tiêm tăng cường của loại vaccine mRNA có hoạt động hay không và liệu có cần một loại vaccine đặc hiệu dành riêng cho Omicron hay không.

Có nên phát triển một "siêu vaccine"?

Những câu hỏi về bức tranh tiêm chủng chống Covid-19 trong tương lai - 2

Israel đã bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 4 cho người dân (Ảnh: AFP).

Một câu hỏi phức tạp đặt ra là các nhà khoa học có nên phát triển một loại vaccine đa hóa trị hay thậm chí là một "siêu vaccine"?

"Điều gì sẽ xảy ra nếu cần một loại vaccine để đối phó với Omicron và chủng gốc ban đầu, hay các loại vaccine dành cho Omicron liệu có đủ để đối phó với chủng gốc?", ông Jerome Kim nêu câu hỏi.

Điều đó càng trở nên khó khăn hơn do thiếu dữ liệu thực tế về hiệu quả của mũi tăng cường. Một điều đáng chú ý cho đến nay là nghiên cứu trước đó của Nam Phi cho thấy việc tiêm tăng cường cho vaccine Johnson&Johnson liều một mũi có hiệu quả 84% trong việc ngăn ngừa nhập viện đối với khoảng 69.000 nhân viên y tế.

Tuy nhiên, một ẩn số lớn khác là liệu mũi tăng cường có hoạt động tốt với những người đã nhiễm Covid-19 trước đó và có lượng kháng thể nhất định.

Hơn nữa, nếu cần cập nhật liên tục vaccine Covid-19, vẫn chưa rõ vaccine có thể bắt kịp tốc độ xuất hiện các biến chủng mới như thế nào.

"Hiện khó có thể dự đoán về những đột biến mới sẽ xuất hiện và cũng rất khó để sản xuất một loại vaccine mới sử dụng các phương pháp hiện tại để bảo vệ chống lại một biến chủng mới chưa được xác định", ông Kim nói. "Điều này không khác với vấn đề về vaccine cúm, khi phải đưa ra các dự đoán về việc tạo thành các virus cúm có khả năng lưu hành trong mùa cúm tiếp theo".

Theo ông Kim, về lâu dài, các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển thế hệ "siêu vaccine" Covid-19 tiếp theo ít nhạy hơn với sự thay đổi của các biến chủng. Nhưng ông cho rằng cần ít nhất vài năm nữa để điều này thành công, và quá trình tương tự với vaccine cúm cho đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả.

Một vấn đề khác là trong khi Trung Quốc là nhà xuất khẩu vaccine Covid-19 lớn nhất cho các nước đang phát triển, một số quốc gia mua vaccine bất hoạt đang chuyển sang loại khác chẳng hạn như vaccine mRNA trong chiến dịch tiêm liều tăng cường để chống lại Omicron.

Một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) cho biết 2 liều vaccine Sinovac và liều Pfizer tăng cường sẽ tạo ra mức độ kháng thể cao hơn so với 2 liều Pfizer. Tuy nhiên, sự kết hợp này là không đủ để ngăn nhiễm Omicron.

Một nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải và một phòng thí nghiệm có trụ sở tại Thượng Hải cho biết ba liều vắc xin bất hoạt có khả năng trung hòa chống lại Omicron "thấp đáng kể", nhưng không cho biết liệu điều này có còn đủ để bảo vệ chống lại biến thể mới hay không.

Tuy nhiên, Sinovac khẳng định 3 liều vaccine bất hoạt có thể cải thiện khả năng trung hòa kháng thể. Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, vaccine bất hoạt hiệu quả trước Omicron vì chúng nhắm vào toàn bộ virus, trong khi hầu hết vaccine khác nhắm vào đột biến trên gai protein.

Mặc dù vậy, vẫn còn quá nhiều ẩn số về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 trong tương lai.

Theo www.scmp.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm