1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những "cái đầu nóng" ở Greenland

Thanh Thành

(Dân trí) - Đảo Greenland, với vị thế chiến lược và tài nguyên phong phú, đang trở thành chiến trường nóng bỏng giữa các "ông lớn" muốn khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng ở Bắc Cực, nhất là khi băng đang tan dần.

Những cái đầu nóng ở Greenland - 1

Một khu vực ở Greenland (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 6/4, Greenland - hòn đảo khổng lồ thuộc Đan Mạch ở Bắc Cực - bắt đầu bầu cử sớm, một động thái chính trị được đánh giá có thể gây tác động lớn đến các quốc gia đang tìm kiếm lợi ích ở Bắc Cực.

Greenland, với dân số chỉ 56.000 người, là vùng lãnh thổ tự trị thuộc quyền kiểm soát của Đan Mạch, nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Nền kinh tế của vùng tự trị này chủ yếu dựa vào ngành đánh bắt hải sản và tiền trợ cấp từ "mẫu quốc" Đan Mạch. Tuy nhiên, tình trạng băng tan và những tranh cãi liên quan tới mỏ khai thác đất hiếm có nguy cơ làm chệch hướng cuộc bầu cử lần này - cũng như tương lai của Greenland.

Những tranh cãi gay gắt quanh một dự án khai thác đất hiếm ở phía nam hòn đảo khiến chính quyền liên minh Greenland sụp đổ và mở đường cho cuộc bầu cử lần này.

Công ty sở hữu khu mỏ ở Kvanefjeld cho biết, đây là nơi có "tiềm năng trở thành nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới phương Tây". Đất hiếm là mặt hàng cấp thiết trong thời đại công nghệ hiện nay vì nó gồm 17 nguyên tố được sử dụng để sản xuất thiết bị điện tử, vệ tinh viễn thông, máy bay, vũ khí…

Khu mỏ ở Kvanefjeld đã làm bùng nổ "cuộc chiến" giữa các phe phái chính trị. Đảng Siumut ủng hộ việc khai thác và mở rộng khu mỏ đất hiếm tiềm năng này. Theo Siumut, việc này sẽ tạo ra hàng trăm việc làm và thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm trong vài thập kỷ tới. Và một khi có thể tự kiếm được tiền, Greenland có thể dễ dàng tách độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch hơn. Tuy nhiên, đảng đối lập Inuit Ataqatigiit đã bác đề xuất này vì lo ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ và chất thải độc hại.

Nhưng một thực trạng đang khiến Greenland đau đầu hơn nữa là có quá nhiều nước đang nhòm ngó mỏ Kvanefjeld, hiện chứa 619 triệu tấn khoáng sản các loại, thuộc sở hữu của một công ty Greenland Minerals (Australia), và được một đối tác Trung Quốc hỗ trợ. Vì vậy, nó được đánh giá có thể trở thành mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới với khoảng 10 triệu tấn và 260.000 tấn uranium.

Vì sao các nước đều nhòm ngó Greenland?

Những cái đầu nóng ở Greenland - 2

Vị trí địa lý chiến lược của Greenland (Ảnh: Washington Post).

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng hơn 2,1 triệu km², 80% bị băng tuyết bao phủ. Nơi này có biên giới phía nam là Đại Tây Dương, phía bắc là biển Lincoln và biển Wandels (cả hai biển này đều nằm trong Bắc Băng Dương), phía tây là eo biển Davis và vịnh Baffin, phía tây bắc là eo biển Smith và eo biển Nares, phía đông là biển Greenland và eo biển Đan Mạch, cách Iceland 240 km.

Về vị trí địa lý, Greenland gần châu Mỹ hơn, nhưng lịch sử và chính trị quốc gia này lại chịu ảnh hưởng bởi châu Âu. Ngoài ưu thế vị trí địa lý chiến lược, Greenland còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận như than và uranium.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, cái tên Greenland nhiều lần trở thành đề tài thu hút sự chú ý khi ông chủ Nhà Trắng đánh tiếng có thể mua lại lãnh thổ này vào năm 2019. Đan Mạch nhanh chóng bác bỏ, nhấn mạnh điều này thật sự là "vô lý". Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn rất quan tâm đến "thương vụ" này cũng như tương lai của hòn đảo.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có các hợp đồng khai thác mỏ với Greenland, trong khi Mỹ - quốc gia có căn cứ không quân Thule nằm trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo tại Greenland - đã viện trợ hàng triệu USD cho hòn đảo này. Bản thân "mẫu quốc" Đan Mạch cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của vùng lãnh thổ tự trị này khi lần đầu tiên vào năm 2019, chính phủ nước này đặt Greenland lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về an ninh quốc gia.

Greenland càng gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi hồi tháng 3 vừa qua, một tổ chức tư vấn cho rằng nhóm Ngũ Nhãn (gồm Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand) cần đặt trọng tâm hơn nữa vào Greenland để giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề duy nhất của Greenland mà quan trọng hơn là sự sống còn của vùng đất này và nhiều khu vực khác khi nó nằm ở vùng ranh giới của sự nóng lên toàn cầu, trong đó các nhà khoa học đã cảnh báo về lượng băng tan kỷ lục vào năm 2020. Điều này thật sự khiến các khu vực ven biển trũng thấp trên khắp thế giới lo ngại. Nhưng chính việc băng tan lại mở ra cơ hội khai thác tài nguyên thiên nhiên và cả khả năng khai thác các tuyến vận tải mới qua Bắc Cực.

Đó là lý do Greenland trong suốt thời gian qua rơi vào cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Đan Mạch, Nga và Canada khi các bên đều đang đòi chủ quyền đối với một dãy núi rộng lớn dưới nước gần Bắc Cực, gọi là Lomonosov Ridge. Trong khi đó, Moscow cũng đang mở rộng các hoạt động kinh tế và quân sự ở Bắc Cực, động thái khiến các nước phương Tây đứng ngồi không yên.