1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những “bóng hồng” từng làm nên lịch sử trên tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam

(Dân trí) - Đội bay gồm 5 “bóng hồng” xinh đẹp đã làm nên lịch sử trên tàu sân bay USS Carl Vinson cách đây 6 năm trước khi họ là phi đội toàn nữ đầu tiên của Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye.

Phi đội bóng hồng làm nên lịch sử của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Phi đội "bóng hồng" làm nên lịch sử của Hải quân Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Theo Hải quân Mỹ, ngày 25/1/2012 đã đánh dấu một sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên một đội bay toàn phi công nữ thuộc lực lượng này thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye.

Phi đội vào thời điểm đó bao gồm chỉ huy máy bay Tara Refo, chỉ huy nhiệm vụ Brandy Jackson, phi công Ashley Ruic, sĩ quan kiểm soát Nydia Driver và người điều hành hệ thống radar Ashley Ellison. Ngoài ra, một đội ngũ hỗ trợ gồm các quân nhân nữ cũng tham gia vào sự thành công của nhiệm vụ này. Đội ngũ này bao gồm các chuyên gia về máy bay, nhóm bảo dưỡng, kĩ sư cơ khí.

Từ năm 1948, luật pháp Mỹ đã cho phép nữ quân nhân được vào buồng lái máy bay, nhưng phải đến năm 1993, các nữ phi công quân sự thuộc Hải quân Mỹ mới được lái máy bay chiến đấu.

“Tôi mới chỉ có 1 lần duy nhất được thực hiện nhiệm vụ cùng một nữ phi công khác. Thật tuyệt khi được trở thành một phần của lịch sử, không phải vì chúng tôi mang giới tính nữ mà vì chúng tôi còn là những người bạn thân thiết. Đây đúng là một trải nghiệm đáng nhớ”, cô Ruic chia sẻ.

Phi đội toàn nữ này có tên là phi đội “đuôi hổ” (Tigertails). Vào thời điểm đó, họ là một trong 12 phi đội thuộc Phi đoàn cảnh báo sớm VAW-125.

Tính đến năm 2015, theo Headlines Today, số lượng nữ quân nhân trên tàu sân bay USS Carl Vinson là hơn 800 người trên tổng cộng khoảng 5.300 thủy thủ, sĩ quan và nhân viên trên tàu. Họ thực hiện các nhiệm vụ đa dạng, từ làm phi công tới kỹ sư cơ khí, kỹ sư vận hành radar.

E-2C Hawkeye là máy bay trinh thám, được mệnh danh là “mắt diều hâu” và là một trong những “radar bay” chủ lực của Mỹ. E-2C được triển khai để kiểm soát không gian trong phạm vi 300 km, tìm kiếm và phân loại các mục tiêu cũng như dẫn đường cho các loại máy bay chiến đấu đánh chặn.

Đức Hoàng

Theo Hải quân Mỹ