1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những bài toán quốc phòng "đau đầu" của tân ông chủ Nhà Trắng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Joe Biden phải đối mặt với những bài toán khó về quốc phòng do tình hình địa chính trị phức tạp hiện tại.

Triều Tiên

Những bài toán quốc phòng đau đầu của tân ông chủ Nhà Trắng  - 1

Triều Tiên gần đây đã giới thiệu các tên lửa mà họ gọi là "mạnh nhất thế giới" (Ảnh: KCNA)

Giới quan sát dự đoán nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể thực hiện các vụ thử tên lửa để thu hút sự chú ý của tân Tổng thống Mỹ, giống như những gì Bình Nhưỡng đã thực hiện vào giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Một trong những dấu hiệu ban đầu cho thấy ông Kim có thể thực hiện động thái trên là trong kỳ đại hội đảng Lao động cầm quyền vừa qua, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc duyệt binh quân sự. Trong khi đó, ông Kim cũng tuyên bố Mỹ là "kẻ thù chính lớn nhất" và dự đoán "chính sách thù địch" của Washington với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục.

Trong nhiệm kỳ của ông Trump, quan hệ Mỹ - Triều đã có những bước phát triển, tuy nhiên mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hiện được xem vẫn rất xa vời do việc đàm phán giữa 2 bên hiện vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể.

Ông Biden đã chỉ trích các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim giống "chương trình truyền hình" và hứa hẹn một chiến dịch hợp tác với các đồng minh và những quốc gia có tầm ảnh hưởng với Triều Tiên - ví dụ Trung Quốc, để thúc đẩy mục tiêu chung về một Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Iran

Căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang dồn dập khi nhiệm kỳ của ông Trump khép lại. Một số ý kiến từng lo ngại rằng ông Trump có thể ra lệnh tấn công Iran và Tehran cũng cảnh báo có thể sẽ đáp trả việc Mỹ ám sát tướng cấp cao Iran Qassem Suleimani.

Ông Biden cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại hiệp ước hạt nhân với Iran - thỏa thuận mà ông Trump đã "xé bỏ" trong nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mục tiêu này không dễ thực hiện khi Iran đã công khai phá vỡ các giới hạn về làm giàu uranium trong thỏa thuận. Bên cạnh đó, Israel - đối thủ của Iran trong khu vực - được cho sẽ nỗ lực thuyết phục Mỹ không tham gia trở lại thỏa thuận.

Nga, Trung Quốc

Những bài toán quốc phòng đau đầu của tân ông chủ Nhà Trắng  - 2

Trong những năm qua Mỹ đẩy mạnh triển khai hàng không mẫu hạm tới Ấn Độ - Thái Bình Dương làm nhiệm vụ (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Chiến lược quốc phòng quốc gia năm 2017 của ông Trump đã nhận định "sự cạnh tranh giữa các cường quốc" với Trung Quốc và Nga là chủ đề chính của các chính sách quốc phòng của Mỹ, thay thế sự tập trung vào chủ nghĩa khủng bố quốc tế trước đó. Trọng tâm hướng về Nga -Trung dường như khó có thể thay đổi dưới thời Biden.

Mặc dù chính quyền Biden dự kiến sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, Mỹ cũng có thể tiếp tục các nỗ lực nhằm ngăn cản Bắc Kinh mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông và tổ chức diễn tập quân sự ở gần Đài Loan. Chính quyền Biden được dự đoán sẽ tiếp tục các nỗ lực tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên biển và có thể sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Căng thẳng với Nga cũng có thể trở thành tâm điểm trong thời gian đầu nhiệm kỳ của Biden sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Moscow tấn công mạng quy mô lớn vào các hệ thống của chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân. Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ sẽ là trung tâm trong các nỗ lực của quân đội nhằm ứng phó với mối đe dọa, cùng với các biện pháp trừng phạt có thể có với Nga.

"Những cuộc chiến không hồi kết"

Mặc dù, ông Trump đã cam kết sẽ đưa quân nhân Mỹ hồi hương từ những cuộc chiến tranh không hồi kết, ông Biden sẽ phải cân nhắc những rủi ro liên quan đến việc rút các lực lượng còn lại của Mỹ khỏi các chiến trường trên thế giới.

Giới quan sát cho rằng kịch bản trên có thể đúng với Afghanistan. Việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia này có thể khiến Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước. Kịch bản về sự bùng phát trở lại của các nhóm khủng bố như Al-Qaeda, hay IS có thể sẽ xảy ra, theo các chuyên gia.

Chi tiêu quốc phòng

Vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng sẽ là bài toán với ông Biden khi ông đã bác bỏ những lời kêu gọi cắt giảm mạnh khoản này. Phe cấp tiến của đảng Dân chủ muốn cắt ngân sách trong cách lĩnh vực như kho vũ khí hạt nhân để lấy tiền cấp cho các chương trình nghị sự trong nước Mỹ. Trong khi đó, bên có quan điểm cứng rắn về tài chính muốn tìm cách thắt chặt chi tiêu sau các đợt kích thích tài khóa liên tiếp trong thời kỳ đại dịch.

Mặc dù vậy, ông Biden được cho sẽ giữ các khoản chi quốc phòng cố định. Điều này sẽ thúc đẩy Mỹ giảm bớt sự tập trung những hệ thống vũ khí "khủng", thay vào đó tập trung vào các sáng kiến mang tính cấp tiến như các tàu chiến tự hành và robot.

Ngoài ra, ông Biden cũng dự tính huy động Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ phân phối vắc xin Covid-19 khi Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm