1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhiều nước cho phép tiêm trộn vắc xin Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hoặc đang tính đến phương pháp tiêm kết hợp các loại vắc xin ngừa Covid-19.

Nhiều nước cho phép tiêm trộn vắc xin Covid-19 - 1

Một số nước đã tiêm hoặc đang cân nhắc tiêm kết hợp vắc xin để tăng hiệu quả phòng ngừa Covid-19 (Anhrminh họa: CDE).

Theo ghi nhận của Reuters, một số nước trên thế giới điều chỉnh chiến lược tiêm chủng, trong đó cho phép sử dụng một loại vắc xin khác ở mũi thứ hai thậm chí mũi thứ ba so với mũi đầu tiên.

Giới chức Bahrain hôm 4/6 cho biết, những người đủ điều kiện có thể tiêm liều vắc xin tăng cường của Pfizer/BioNTech hoặc Sinopharm, bất kể trước đó họ đã tiêm loại vắc xin nào.

Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng cho phép tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm chủng vắc xin Sinopharm.

UAE và Bahrain đã tiêm chủng Covid-19 cho phần lớn người dân, bắt đầu bằng vắc xin của hãng dược Trung Quốc Sinopharm trước khi bổ sung các loại vắc xin khác, trong đó có Pfizer/BioNTech. Abu Dhabi (UAE) bắt đầu tiêm liều vắc xin Sinopharm thứ ba từ tháng 5, sau khi phát hiện một số người đã tiêm hai mũi đầu không sản sinh đủ kháng thể.

Tuy nhiên, giới chức UAE khẳng định, việc tiêm bổ sung liều thứ 3 của một hãng vắc xin khác tùy vào nguyện vọng của người được tiêm, giới chức y tế không khuyến cáo.

Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) đầu tháng 6 cũng đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng vắc xin Pfizer/Moderna ở mũi thứ hai cho người đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi đầu. Với những người đã tiêm mũi đầu là Pfizer/Moderna thì mũi thứ hai có thể chọn Pfizer hoặc Moderna vì hai loại này dùng chung công nghệ mRNA, nhưng không được chọn AstraZeneca vì khác công nghệ. Tuy nhiên, PHAC cũng khuyến cáo, việc tiêm kết hợp này chỉ nên áp dụng trong trường hợp nguồn cung không ổn định, còn bình thường vẫn nên tiêm cùng một loại vắc xin.

Cơ quan Dược phẩm Italia hôm 14/6 cũng nói rằng, người dưới 60 tuổi đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi đầu có thể tiêm vắc xin khác loại ở mũi thứ hai. Một số nước ở châu Á hiện cũng cân nhắc tiêm chủng kết hợp. Giới chức Thái Lan hôm 12/7 cho biết sẽ sử dụng vắc xin AstraZeneca ở mũi thứ hai cho người đã tiêm chủng vắc xin Sinovac mũi một. Giới chức y tế nước này cho rằng, việc kết hợp vắc xin sẽ cho ra hiệu quả tăng cường trong vòng 6 tuần thay vì 12 tuần nếu sử dụng cùng loại.

Trong một cuộc họp báo của Bộ Y tế Thái Lan hôm 13/7, ông Yong Poovorawan, một chuyên gia virus học của trường Đại học Chulalongkorn, cho biết 1.200 người dân đã được tiêm 2 loại vắc xin kết hợp Sinovac - AstraZeneca theo thứ tự khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do phản ứng dị ứng với liều đầu tiên buộc họ phải đổi loại vắc xin.

Một số nước khác, trong đó có Nga, Trung Quốc, cũng đang nghiên cứu về tác động của việc tiêm kết hợp vắc xin nội địa với một vắc xin khác.

Những tranh cãi

Nhiều nước cho phép tiêm trộn vắc xin Covid-19 - 2

Một nhân viên y tế Bahrain tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho một người dân (Ảnh: Reuters).

Một nghiên cứu do Đại học Oxford của Anh dẫn đầu cho thấy kết hợp tiêm vắc xin AstraZeneca với Pfizer cho hiệu quả miễn dịch cao trong thử nghiệm.

Cụ thể, việc tiêm vắc xin AstraZeneca trước và sau 4 tuần tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer- BioNTech cho thấy phương pháp này tạo ra kháng thể và đáp ứng tế bào T tốt hơn so với việc tiêm Pfizer-BioNTech trước và tiêm AstraZeneca sau. Nghiên cứu cũng chỉ ra, tiêm kết hợp 2 loại vắc xin này cho kháng thể cao hơn so với chỉ tiêm AstraZeneca.

Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy, việc kết hợp vắc xin có thể làm tăng tỷ lệ mắc các tác dụng phụ ở mức nhẹ và trung bình, gồm sốt, mệt mỏi và đau đầu. Hầu hết tác dụng phụ đều biến mất trong vòng 48h sau khi tiêm.

Thử nghiệm lâm sàng được tiến hành với 850 người trong độ tuổi từ 50 trở lên ở Anh. Giáo sư Matthew Snape, Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết sự kết hợp này có thể tạo ra sự linh hoạt cho các chiến dịch tiêm vắc xin đang diễn ra trong bối cảnh nguồn cung không ổn định. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, thí nghiệm chưa đủ lớn để khuyến nghị một sự thay đổi rộng rãi thay thế các phác đồ đã được phê chuẩn về mặt lâm sàng (tiêm chủng vắc xin cùng loại).

Về vấn đề này, bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 12/7 cảnh báo, hiện có rất ít dữ liệu về tác động của phương pháp tiêm chủng kết hợp tới sức khỏe của người được tiêm. "Đây là một xu hướng có phần nguy hiểm. Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm kết hợp. Sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba hay thứ tư", bà Swaminathan nói.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng, không nên tiêm kết hợp vắc xin ngừa Covid-19. "Hiện chưa thể đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của việc sử dụng kết hợp vắc xin. Hai mũi tiêm vẫn nên cùng một loại vắc xin", CDC Mỹ khuyến cáo.

Cơ quan này cũng cho biết thêm rằng, trong trường hợp ngoại lệ, khi không có đủ vắc xin giống loại vắc xin đã tiêm mũi đầu, có thể sử dụng thay thế bất kỳ vắc xin mRNA nào đã được phê duyệt. Tuy nhiên, họ khuyến cáo, trong trường hợp không có vắc xin tạm thời, việc hoãn tiêm mũi thứ hai (lên đến 6 tuần) để chờ vắc xin cùng loại sẽ tốt hơn là tiêm kết hợp.