1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật từng tính đến khả năng Tokyo bị xóa sổ vì sự cố Fukushima

(Dân trí) – Ngay sau thảm họa động đất/sóng thần gây sự cố hạt nhân Fukushima, chính phủ Nhật Bản thậm chí đã dự tính khả năng Tokyo bị hủy diệt. Đây là một trong những nội dung được ủy ban điều tra độc lập Nhật Bản công bố trong báo cáo về Fukushima.

 
Nhật từng tính đến khả năng Tokyo bị xóa sổ vì sự cố Fukushima - 1

Gần 1 năm sau thảm họa động đất/sóng thần/hạt nhân ở phía đông bắc Nhật Bản, một ủy ban điều tra độc lập Nhật Bản hôm qua công bố báo cáo về sự cố hạt nhân Fukushima cùng nhiều chi tiết rất đáng chú ý.

Báo cáo được công bố sau khi phỏng vấn khoảng 300 người, trong đó có các quan chức chính phủ Nhật Bản, quan chức chính phủ Mỹ và các chuyên gia hạt nhân. Các quan chức Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) từ chối trả lời phỏng vấn.

Báo cáo chỉ trích việc chính phủ không lường trước được về sự cố hạt nhân khi động đất và sóng thần đồng thời xảy ra, làm cho hướng dẫn về quản lý khủng hoảng trở nên vô dụng.

Báo cáo phê phán cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp là không huấn luyện chuyên môn về an toàn. Báo cáo buộc tội TEPCO là làm tăng thêm thiệt hại vì không lập tức chuyển sang sử dụng hệ thống làm nguội thay thế sau khi nhận thấy hệ thống bơm nước khẩn cấp không hoạt động.

Đặc biệt, báo cáo tiết lộ rằng vào lúc xảy ra tai nạn phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, Yukio Edano, tuyên bố với các nhà điều tra rằng ông đã nghĩ đến một kịch bản khủng khiếp, tức là các lò phản ứng hạt nhân lần lượt phát nổ và trong trường hợp như thế thì Tokyo coi như bị hủy diệt.

Chính phủ Nhật lúc đó cũng đã dự trù những kế hoạch đại quy mô để di tản thủ đô Tokyo vào giữa tháng 3, vào lúc mà họ không biết chắc là có thể khống chế được tai nạn hạt nhân ở Fukushima hay không.

Tokyo có 13 triệu dân, cộng thêm số dân của ba tỉnh lân cận họp thành vùng Đại Tokyo, thủ đô Nhật có đến 35 triệu dân, vùng đô thị đông dân nhất thế giới.

Theo bản báo cáo của ủy ban điều tra độc lập, giám đốc nhà máy hạt nhân bị tai nạn ở Fukushima đã dự tính đến việc di tản toàn bộ nhân viên ở đây. Nhưng thủ tướng vào thời đó Naoto Kan đã ra lệnh cho TEPCO là phải tiếp tục làm việc và giữ nguyên nhân viên tại chỗ.

Theo các chuyên gia, nếu thủ tướng Nhật Bản không cố nài ép để đòi được như vậy, tai nạn hạt nhân Fukushima có lẽ đã trở nên trầm trọng, với những hậu quả thảm khốc.

Gần một năm sau khi khởi đầu khủng hoảng, tình hình ở Fukushima nay đã được kiểm soát và các lò phản ứng nay được giữ trong trạng thái tắt nguội, tức là nhiệt độ bên trong các lò này đã xuống dưới mức 100 độ C.

Nhật Mai

Theo NHK World, AFP