1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật - Pháp - Mỹ lần đầu tập trận chung, ngầm "nắn gân" Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trên lãnh thổ nước này với lực lượng Pháp và Mỹ, động thái được xem là nhằm gửi thông điệp răn đe tới các động thái của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật - Pháp - Mỹ lần đầu tập trận chung, ngầm nắn gân Trung Quốc - 1

Nhật Bản, Pháp, Mỹ lần đầu tập trận chung trên lãnh thổ Nhật Bản (Ảnh minh họa: AFP).

Ngày 11/5, Nhật Bản, Pháp, Mỹ khởi động cuộc tập trận ở tây nam Nhật Bản, trong bối cảnh phương Tây và Tokyo ngày càng lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong khu vực.

Hoạt động này đánh dấu lần đầu tiên một cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa 3 nước diễn ra trên lãnh thổ Nhật Bản.

Ngoài ra, Australia cũng điều một chiến hạm tham gia cuộc tập trận kéo dài 1 tuần trên không, trên bộ và trên biển. Khoảng 300 binh sĩ thuộc lực lượng bộ binh từ Nhật, Pháp, Mỹ tham gia tập trận.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc phòng với các đối tác ngoài đồng minh Mỹ nhằm đối phó với các động thái của Trung Quốc ở khu vực.

"Cuộc tập trận này không có gì nghi ngờ là biện pháp răn đe tới hành vi của Trung Quốc trong khu vực", chuyên gia Takashi Kawakami từ đại học Takushoku nhận định với AFP.

Ông Kawakami nói thêm: "Về dài hạn, cam kết của châu Âu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và NATO, điều mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo ủng hộ".

Các nước dự kiến tổ chức diễn tập với sự tham gia của đội tiêm kích và hoạt động đổ bộ ở khu vực Kyushu và trên biển, áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19. Tàu ngầm Nhật Bản cùng 10 tàu bề mặt - 6 chiếc của Nhật Bản, 2 chiếc của Pháp, 1 của Mỹ và 1 của Australia tham gia tập trận.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Nhật Bản nhiều lần bày tỏ lo ngại với các hành động của Trung Quốc ở khu vực này.

Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là "đường chín đoạn", thuật ngữ không được cộng đồng quốc tế công nhận. 

Pháp có lợi ích chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Paris có lãnh thổ hải ngoại như đảo Reunion ở Ấn Độ Dương và French Polynesia ở Nam Thái Bình Dương.

Pháp năm 2018 đã công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, xác định rằng Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ là các đối tác chiến lược chủ chốt trong khu vực.