1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật phản đối Trung Quốc triển khai tàu gần đảo tranh chấp

(Dân trí) - Nhật Bản hôm nay đã chính thức lên tiếng phản đối sau khi Trung Quốc phái 2 tàu tuần tra ngư chính gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

 

Nhật phản đối Trung Quốc triển khai tàu gần đảo tranh chấp - 1

Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á trở nên căng thẳng kể từ khi một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị lực lượng tuần tra bờ biển Nhật bắt giữ trên cùng vùng biển hồi đầu tháng 9.

 

Trong vụ việc mới nhất, được biết lực lượng bờ bảo vệ bờ biển Nhật phát hiện thấy 2 tàu Trung Quốc vào cuối ngày chủ nhật, 24/10.

 

Quần đảo nằm trong biển Hoa Đông, mà phía Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hiện quần đảo do Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

 

Quần đảo không có người ở, nhưng vùng biển xung quanh là nguồn đánh bắt phong phú và được cho là chứa một trữ lượng lớn dầu lửa cũng như khí đốt.

 

“Đêm qua, vào khoảng 9h tối (giờ Nhật), lực lượng bờ biển của chúng tôi đã phát hiện thấy các tàu trên và sau đó 2 tàu Trung Quốc đã rời đi về phía bắc, hướng tới Trung Quốc”, người phát ngôn chính phủ Nhật Yoshito Sengoku cho hay.

 

“Sau vụ việc chúng tôi đã ra phản đối thông qua các kênh ngoại giao”.

 

Nhật và Trung Quốc đã vướng vào cuộc tranh cãi về lãnh thổ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, sau khi thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt hồi đầu tháng 9, do tàu cá Trung Quốc va chạm với 2 tàu tuần tra Nhật. Cuộc tranh cãi cũng gây ra các cuộc biểu tình trên cả hai nước.

 

Hôm chủ nhật, khoảng 200 người đã tham gia vào cuộc biểu tình chống Nhật ở Lanzhou, tây bắc Trung Quốc, một ngày sau cuộc biểu tình tương tự tại Deyang ở miền tây nam.

 

Còn tại Nhật 300 người biểu tình phản đối Trung Quốc đã tập trung ở thành phố Takamatsu vào hôm thứ bảy.

 

Trong khi đó, Nhật kêu gọi Trung Quốc bình thường hóa việc kiểm tra hải quan đất hiếm xuất khẩu, kim loại được dùng trong mọi sản phẩm từ tua-bin gió đến xe tiết kiệm nhiên liệu.

 

Các công ty của Nhật đã phàn nàn về việc vận chuyển mặt hàng này bị gián đoạn kể từ khi nổ ra tranh cãi giữa hai nước.

 

Tuy nhiên, phía Trung Quốc, nước hiện đang gần như nắm thế độc quyền về đất hiếm, khẳng định họ không hề có áp đặt nào đối với mặt hàng này.

 

Phan Anh

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm