Nhật Bản quan ngại vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông
(Dân trí) - Nhật Bản đang theo sát các động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông với sự “quan ngại”, một phát ngôn viên chính phủ của Nhật Bản cho biết sau thông tin Bắc Kinh phóng tên lửa ra Biển Đông.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông”, hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại một cuộc họp báo diễn ra hôm nay khi bình luận về việc Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông trong một cuộc tập trận ngày 26/8.
Ông Suga nói thêm: “Các vấn đề xung quanh Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, một vấn đề về lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước chúng tôi”.
Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” DF-26B và DF-21D ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật sáng 26/8. Tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Trong khi đó, tên lửa DF-21D phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông nước này. Cả hai đều phóng vào khu vực Trung Quốc đã lập vùng cấm bay trên Biển Đông.
Một số hãng truyền thông địa phương thậm chí nói rằng, Trung Quốc đã phóng tổng cộng 4 tên lửa để "phát đi cảnh báo đến Mỹ".
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày sau khi một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ bị cáo buộc đi vào vùng cấm bay trong thời gian Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía bắc nước này.
Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Scott D.Conn cho biết, ông đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc được cho là phóng tên lửa ra Biển Đông. Ông cho biết, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc cũng như các vụ phóng tên lửa. "Lực lượng hải quân của chúng tôi sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa với các đồng minh và đối tác trong khu vực", ông Conn nói.
Tháng 7/2019, Trung Quốc từng thực hiện vụ phóng tên lửa tương tự ở Biển Đông.
Nhận định về vụ phóng tên lửa hôm qua, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng đây là một bước đi có tính toán của Bắc Kinh nhằm phô diễn sức mạnh với dư luận trong nước mà không phải với Mỹ. “Bắc Kinh thận trọng triển khai hành động này trong giới hạn”, ông Poling nói.
Tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên. Quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận đồng thời ở nhiều khu vực duyên hải khác nhau trên Biển Đông gần đây.
Trung Quốc đã đơn phương đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ngang nhiên bồi đắp trái phép đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông.
Tháng trước, Mỹ đã ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này và coi đây là những yêu sách "phi pháp".