1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản phản đối Trung Quốc đơn phương thăm dò khí đốt ở Hoa Đông

(Dân trí) - Nhật Bản hôm nay đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về việc Trung Quốc xây dựng một dàn khoan gần một mỏ khí trữ lượng lớn tiềm tàng nhưng đang bị tranh chấp giữa hai nước ở Hoa Đông.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một tàu của Trung Quốc đã được nhìn thấy đang xây dựng dường như là một giàn khoan nằm cách đường trung tuyến giữa 2 nước chỉ khoảng 26km, Chánh văn phòng nội các Yoshihiko Suga cho biết trong một cuộc họp báo hôm nay.

Tokyo coi đường đường trung tuyến là đường biên giới thích hợp giữa hai nước trong khi Bắc Kinh thì không.

Tokyo từ lâu đã nghi ngờ Bắc Kinh có thể vi phạm thỏa thuận giữa hai nước nhằm phát triển chung mỏ khí, vốn nằm tại khu vực nơi tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước bị chồng lấn nhau.
 
Lo ngại chính của Nhật Bản là Trung Quốc có thể hút khí đốt từ mỏ khí mà ăn vào cả khu vực mà Nhật Bản coi là của mình.

“Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi là Nhật Bản không chấp nhận sự phát triển đơn phương của Trung Quốc tại khu vực này, nơi tuyên bố chủ quyền của Tokyo và Bắc Kinh bị chồng lấn, trong khi sự phân định ranh giới ở Hoa Đông vẫn chưa rõ ràng”, ông Suga nói.

“Chúng tôi đã bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng đối với Trung Quốc về các hoạt động của tàu cần trục. Thông qua các kênh ngoại giao, chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi không chấp nhận điều đó”.

“Trung Quốc chưa có bất kỳ phản ứng cụ thể nào về việc này”, Chánh văn phòng nội các Nhật bản nói thêm.

Hồi năm 2008, hai nước đã nhất trí rằng các công ty năng lượng Nhật Bản có thể được phép đầu tư vào việc phát triển mỏ khí đốt, sau khi Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng biển của khu vực.

Tuy nhiên, sự hợp tác đã nhanh chóng bị gián đoạn sau khi Nhật Bản phản đối các hoạt động đơn phương của các tàu Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản từ lâu đã thúc đẩy việc sử dụng đường trung tuyến giữa hai nước là sự mở rộng cho vùng đặc quyền kinh tế của họ. Nhưng Trung Quốc khăng khăng rằng biên giới biển giữa 2 nước nên lùi gần hơn về phía Nhật Bản.

Quan hệ giữa hai “ông lớn” châu Á đã suy giảm đáng kể trong năm qua, đặc biệt là do các tuyên bố lãnh thổ và kinh tế ở Hoa Đông. Cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là nghiêm trọng nhất.

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm