1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản: Mở rộng can dự tích cực và rõ ràng?

Thay đổi chính sách phòng vệ để phù hợp với biến chuyển nhanh chóng của tình hình, nhưng nếu muốn tăng cường can dự, Tokyo phải trấn an được các nước trong khu vực.

Tàu ngầm Nhật JS Oyashio tại cảng Subic của Philippines hồi đầu tháng này. (Nguồn: Jakarta Post)
Tàu ngầm Nhật JS Oyashio tại cảng Subic của Philippines hồi đầu tháng này. (Nguồn: Jakarta Post)

Azhari A. Setiawan, chuyên gia nghiên cứu về châu Á của Indonesia đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trên The Jakarta Post vừa qua.

Phù hợp tình hình mới

Trước một Trung Quốc ngày càng có các hành động ngang ngược, quyết đoán, một Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và sự can dự sâu hơn của Mỹ tại khu vực, Nhật Bản buộc phải có sự điều chỉnh về chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.

Cụ thể, Luật An ninh mới của Nhật Bản, chính thức có hiệu lực từ ngày 29/3 vừa qua, đã mở ra giai đoạn mới cho hoạt động của quân đội nước này; cho phép Nhật Bản triển khai quân đội ra nước ngoài và đóng một vai trò chiến lược nổi bật hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình và phòng vệ tập thể.

Báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Australia đánh giá rằng Luật An ninh quốc gia mới của Nhật Bản có một số thay đổi, trong đó điều quan trọng nhất là việc sử dụng "quyền phòng vệ tập thể", cho phép Tokyo triển khai quân đội hỗ trợ các nước đồng minh khi một trong các nước này bị tấn công.

Trước đây, việc sử dụng quân đội chỉ được phép trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang trực tiếp nhằm vào Nhật Bản. Sự thay đổi chính sách này của Tokyo không chỉ nhằm mục đích đối phó với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh mà còn có mục đích sâu xa hơn bao gồm việc mở rộng sự can dự, gây ảnh hưởng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cần can dự tích cực

Tuy nhiên, tác động của chính sách an ninh mới của Nhật Bản cần phải được đánh giá cụ thể đối với sự ổn định ở khu vực Đông Á. Không bên nào mong đợi một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai ở Đông Á (giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên), nhưng sự phức tạp trong lịch sử quan hệ của các quốc gia này cùng những thay đổi mau chóng của tình hình đã buộc Tokyo phải điều chỉnh vai trò hoạt động của lực lượng quân đội.

Đối với khu vực Đông Nam Á, hiện có hai tuyến đường biển mang tính huyết mạch đối với Nhật Bản đó là: Eo biển Malacca và Biển Đông. Eo biển Malacca hàng năm giúp vận chuyển hàng trăm tỷ USD hàng hóa cho Nhật Bản, đồng thời giúp cho ngành công nghiệp dầu khí của nước này tiết kiệm hàng trăm triệu USD.

Ở eo biển này cũng thường xuyên xuất hiện nạn cướp biển, đe dọa đến an toàn hàng hải, khiến các nước như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản muốn sử dụng cả lực lượng quân đội để đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải này. Tuy nhiên, đây lại là điều Indonesia không hề mong muốn bởi nó đe dọa đến an ninh quốc gia Indonesia khi quân đội nước ngoài hiện diện ở đây.

Chính sách an ninh quốc gia mới của Nhật Bản xét ở một khía cạnh nào đó có thể thúc đẩy sự cân bằng trong cấu trúc an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc. Mặc dù vậy, chính sách đối với các nước ASEAN của Nhật Bản hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng. Là tổ chức chính của khu vực, ASEAN có trách nhiệm xây dựng một cơ chế hiệu quả để góp phần giảm bớt căng thẳng và bảo vệ sự ổn định trong khu vực.

Diễn đàn ASEAN là nơi duy nhất có thể tạo cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên một diễn đàn để cùng ngồi lại với nhau. Indonesia và ASEAN đóng vai trò là “trọng tài”. Điều này hiện vẫn chưa thực hiện được bởi ASEAN còn có những vấn đề trong việc gắn kết giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là khi có sự tác động của các nước lớn đến từng quốc gia trong Hiệp hội.

Như vậy, về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này cần phải thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng khu vực rằng chính sách quốc phòng mới sẽ góp phần vào việc duy trì an ninh và trật tự. Đây là một thời điểm tốt để khuyến khích đối thoại và hợp tác với các nước láng giềng. Khi Nhật Bản và Mỹ có các biện pháp can dự tích cực, phần nào đó sẽ có tác dụng ngăn chặn các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực.

Theo Hằng Phạm