Nhật Bản lập "hàng rào" tác chiến điện tử đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Nhật Bản sẽ thành lập các đơn vị tác chiến điện tử nhằm đối phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại biển Hoa Đông - khu vực hai nước có tranh chấp chủ quyền.
Theo Nikkei, Nhật Bản sẽ thành lập 3 đơn vị tác chiến điện tử trên các đảo hướng ra biển Hoa Đông trước tháng 3/2022, nhằm tăng cường khả năng giám sát và ứng phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển này.
Từ hệ thống radar và thông tin liên lạc cho tới tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại, các lực lượng vũ trang hiện nay đều trông cậy chủ yếu vào sóng điện từ. Các hệ thống tác chiến điện tử của Nhật Bản được thiết kế để gây nhiễu các tín hiệu bằng cách phát ra sóng có cùng tần số của đối phương.
Nhật Bản đã có một đơn vị tác chiến điện tử trên đảo Hokkaido phía bắc để đối phó với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch thành lập thêm 7 đơn vị nữa, bao gồm một đơn vị với khoảng 80 người ở tỉnh Kumamoto phía nam vào tháng 3/2021, và một đơn vị mới ở Hokkaido.
5 trong số các đơn vị mới thành lập sẽ được triển khai ở phía nam Nhật Bản gần Trung Quốc, trong đó 3 đơn vị sẽ được triển khai trên đảo Okinawa và Amami Oshima.
Để gây nhiễu tín hiệu của đối phương, các lực lượng Nhật Bản trước hết cần thu thập tần số mà đối phương đang sử dụng. Nhật Bản vẫn đang tập trung phát triển năng lực tác chiến điện tử mới trên các đảo phía nam, một phần để thu thập thông tin về các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 8/10 đã gặp chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider, để trao đổi mối quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời thảo luận cách thức để củng cố liên minh Nhật - Mỹ.
Bộ trưởng Kishi cũng đến thăm Trại Asaka của Lực lượng phòng vệ mặt đất - nơi dự kiến trở thành trung tâm chỉ huy phòng thủ điện tử của Nhật Bản.
“Chúng ta có thể giành ưu thế trước đối thủ trong cuộc tác chiến bằng cách vô hiệu hóa sóng điện từ của họ”, Bộ trưởng Kishi nói với các phóng viên.
Nhật Bản cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung với sự tham gia của lực lượng phòng thủ trên bộ và trên không.
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản ngày 1/10 đã triển khai máy bay trinh sát điện tử RC-2, thu thập dữ liệu về hoạt động của máy bay Trung Quốc và Nga xung quanh không phận Nhật Bản để hỗ trợ cho các hoạt động điện tử của lực lượng phòng vệ mặt đất.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề xuất gói ngân sách 8,8 tỉ yên (83 triệu USD) để chi cho các hệ thống tác chiến điện tử trong năm tài khóa 2021, và 2,1 tỷ yên cho thiết bị theo dõi, quản lý dữ liệu về các tín hiệu do các đồng minh và các lực lượng khác sử dụng.
An ninh mạng cũng là vấn đề được Nhật Bản tập trung. Các lực lượng trên biển, trên bộ và trên không Nhật Bản sẽ thành lập một đơn vị an ninh mạng chung vào năm 2021 để chỉ đạo các chiến dịch mạng và các chiến dịch khác. Nhân sự liên quan tới hoạt động an ninh mạng sẽ tăng lên 540 người.
Quần đảo không người ở tại Hoa Đông hiện do Nhật Bản quản lý và gọi là Senkaku nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đặt tên là Điếu Ngư. Vụ tranh chấp đã trở thành “cái gai” trong quan hệ giữa hai nước nhiều thập niên qua, dù mối quan hệ này đã được cải thiện những năm gần đây.
Các tàu tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc liên tục đi vào lãnh hải Nhật Bản hoặc vùng tiếp giáp quanh quần đảo tranh chấp và phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản. Trung Quốc dường như đang tìm cách lấn lướt lực lượng tuần duyên Nhật Bản ở biển Hoa Đông trong bối cảnh tuần duyên Nhật Bản phải dàn trải lực lượng ở các vùng biển khác nhau.