Nhật Bản chật vật tuyển tân binh
(Dân trí) - Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã nỗ lực tuyển quân trong thời gian qua nhưng không thành công. Nguyên nhân không chỉ có vấn đề về nhân khẩu học.
Ngày hội tham quan gần đây tại một căn cứ quân sự Nhật Bản gần Tokyo đã để lại nhiều kỷ niệm vui vẻ cho các gia đình, nhưng bất chấp các trò chơi và đồ ăn nhẹ, quầy tuyển quân vẫn vắng bóng người qua lại.
"Thực tế là thế. Ngày hội lúc nào cũng chật kín người nhưng chẳng có ai đến đây", một trong hai người lính trực quầy thú nhận. Gần đó là chồng tờ rơi tuyển quân không ai đoái hoài đến trên chiếc bàn đặt cạnh xe bọc thép màu xanh lá.
Nhật Bản đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây trước lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và tần suất các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, một báo cáo chuyên gia hồi tháng 7 đã nêu bật nguy cơ "cực kỳ cao" là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ suy yếu vì thiếu nhân lực.
Con số mỗi năm vẫn có sự dao động nhưng kể từ năm 1990, quân số của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã giảm hơn 7%, xuống dưới 230.000 quân nhân.
Năm 2022 chỉ có chưa đầy 4.000 người nhập ngũ tại Nhật Bản, không đạt một nửa chỉ tiêu. Lần gần nhất chỉ tiêu tuyển quân được hoàn thành là vào năm 2013.
Trên thế giới, nhiều nền kinh tế tiên tiến cũng gặp vấn đề trong việc tuyển đủ quân số, nhưng tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Nhật Bản, nơi cứ 10 người thì có một người từ 80 tuổi trở lên.
Nhưng theo những người đang nhập ngũ và đã xuất ngũ trả lời SMCP, nguyên nhân không chỉ là về nhân khẩu học.
"Tôi không thấy tự hào khi gia nhập Lực lượng Phòng vệ", Yuichi Kimura, 45 tuổi, người từng là lính nhảy dù và hiện điều hành công ty giúp đỡ các cựu quân nhân tìm việc làm sau khi xuất ngũ, cho biết.
Sĩ khí hiện ở mức "thấp" do "lương thấp" và do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản "thiếu tham vọng". Lực lượng này vốn chỉ đóng vai trò phòng thủ kể từ sau Thế chiến II, theo hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Nhiều cá nhân nhập ngũ với hy vọng được giúp đỡ người dân gặp nạn trong thiên tai, nhưng lại thất vọng khi thấy mình chỉ thực hiện các nhiệm vụ quân sự.
"Hầu hết binh sĩ không hề nghĩ gì đến vấn đề quốc phòng khi gia nhập", Kohei Kondo, 25 tuổi, một cựu Trung sĩ, cho biết.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định chỉ tuyển dụng những ứng viên phù hợp nhưng theo một số bản tin của báo chí nước này, các tiêu chuẩn đã được giảm xuống, bao gồm cả khâu kiểm tra tâm lý.
Nhật Bản "tuyển mộ tất cả mọi người vì không ai cho rằng sẽ xảy ra xung đột vũ trang thực sự", ông Kimura nói.
Để ngăn chặn sự suy giảm trong quân số, Nhật Bản vào năm 2018 đã tăng độ tuổi tối đa của tân binh từ 26 lên 32.
Một giải pháp khác, theo báo cáo tháng 7, là sử dụng nhiều phương tiện không người lái hơn trên không, trên biển và trên mặt đất.
Quân đội Nhật Bản thậm chí còn được cho là đang cân nhắc tuyển dụng binh sĩ có hình xăm, điều vẫn thường gắn liền với các nhóm tội phạm yakuza.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ nhập ngũ từ mức 9% hiện nay lên 13% vào năm 2030.
Với hình ảnh các nữ quân nhân tươi cười, trang web của Bộ Quốc phòng Nhật Bản hứa hẹn "môi trường phù hợp với phụ nữ".
Nhưng theo Fumika Sato, Giáo sư xã hội học quân sự và xã hội học giới tính tại Đại học Hitotsubashi, giữa quảng cáo và thực tế còn có khoảng cách đáng kể.
Trong năm qua, một loạt vụ tiết lộ về hiện tượng tấn công tình dục trong quân ngũ đã làm chấn động Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, bắt đầu với những lời cáo buộc của cựu quân nhân Rina Gonoi.
Hiện không có bằng chứng cụ thể cho thấy tác động của những cáo buộc trên. Nhưng tính đến tháng 3, số lượng tân binh nữ giới đã giảm 12%, trong khi con số này trước đó vẫn tăng hàng năm kể từ năm 2017.
"Cha mẹ nào lại cho con gái mình tham gia một tổ chức như vậy?", một hạ sĩ quan nói với điều kiện giấu tên.