1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Nhật Bản thay Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trong cuộc cải tổ nội các lớn, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chọn một phụ nữ làm Ngoại trưởng và bổ nhiệm chính trị gia thân đảo Đài Loan làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản thay Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng - 1

Thủ tướng Kishida (giữa) dự cuộc họp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại trụ sở ở Tokyo vào ngày 13/9 (Ảnh: Kyodo).

Theo Reuters, các lựa chọn ấy phản ánh việc chính phủ Nhật Bản tập trung hơn vào vấn đề bình đẳng giới và quốc phòng. Cuộc cải tổ nội các diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với ông Kishida, người nhậm chức 2 năm trước, đã giảm trong những tháng gần đây.

Theo danh sách được công bố ngày 13/9, nội các mới của Nhật Bản có 5 phụ nữ trong danh sách 19 thành viên nội các, tương đương kỷ lục được thiết lập dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2001 và cố Thủ tướng Shinzo Abe năm 2014.

Hai gương mặt mới đáng chú ý

Bà Yoko Kamikawa, cựu Bộ trưởng Tư pháp, đã trở thành tân Ngoại trưởng của Nhật Bản.

Người phát ngôn chính phủ còn cho biết, ghế Bộ trưởng Quốc phòng thuộc về ông Minoru Kihara, một chính trị gia thân đảo Đài Loan, từng đến thăm hòn đảo và thuộc nhóm hợp tác cơ quan lập pháp giữa Nhật Bản - đảo Đài Loan.

Thủ tướng Nhật Bản thay Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng - 2

Ông Minoru Kihara (trái) trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi bà Yoko Kamikawa là tân Ngoại trưởng (Ảnh: Nikkei).

Cả hai được giao nhiệm vụ điều phối mối quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã đi xuống kể từ khi Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Ông Kihara cũng sẽ giám sát việc tăng cường sức mạnh quân đội trong khuôn khổ kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm, tính tới năm 2027. Ông còn phải giải quyết câu hỏi lấy kinh phí ở đâu để xây dựng quân đội Nhật Bản.

Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ và rất chú ý tới những biến chuyển trong lập trường của Nhật Bản đối với hòn đảo này.

Trả lời Reuters, Giáo sư Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku ở Tokyo, cho biết việc chọn ông Kihara làm Bộ trưởng Quốc phòng "cho thấy sự gần gũi với đảo Đài Loan".

"Tôi thực sự nghĩ rằng điều này gửi đi thông điệp là Nhật Bản đang tìm kiếm sự ổn định ở đảo Đài Loan cùng với Mỹ", ông bổ sung.

Tuy nhiên, một nhà bình luận chính trị lưu ý rằng, tầm quan trọng của vị trí bộ trưởng đã giảm sút và các cuộc đối thoại với Trung Quốc ở cấp cao nhất đang được ưu tiên hơn.

"Khắp thế giới, ngoại giao thượng đỉnh (trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao với nhau) đã trở thành xu hướng chủ đạo", ông Shigenobu Tamura, người từng làm việc cho LDP, cho biết. "Ngay cả khi Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng thay đổi, chính sách ngoại giao của Nhật Bản vẫn sẽ không biến chuyển".

11 trong 19 gương mặt của bộ máy mới là thành viên lần đầu tiên tham gia nội các Nhật Bản.

Nhưng để thể hiện tính tiếp nối, Thủ tướng Kishida cũng giữ lại một số quan chức chủ chốt, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki và Bộ trưởng kinh tế Yasutoshi Nishimura.

Cân nhắc cuộc đua năm sau

Danh sách nội các mới cũng phần nào thể hiện tính toán của ông Kishida khi cuộc bầu chọn tân chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) sẽ diễn ra vào năm tới, theo Japan Times.

Ông Kishida đã quyết định giữ các đối thủ tiềm năng ở gần mình, như việc giữ lại ông Toshimitsu Motegi làm Tổng thư ký đảng LDP, hay việc giữ lại ông Taro Kono làm Bộ trưởng Kỹ thuật số bất chấp sự cố liên quan tới Hệ thống Định danh quốc gia "My Number".

Là ứng viên tiềm năng trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP tiếp theo, ông Motegi rất thông thạo chính sách kinh tế và ngoại giao, từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại và Ngoại trưởng Nhật Bản. Ông cũng đứng đầu nhóm lớn thứ ba trong nội bộ LDP, với 54 nghị sĩ.

Thủ tướng Nhật Bản thay Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng - 3

Thủ tướng Fumio Kishida tại văn phòng ở Tokyo (Ảnh: Getty).

Quyết định giữ ông Motegi làm Tổng thư ký LDP sẽ khiến ông khó chỉ trích Thủ tướng Kishida, đồng thời có tác dụng duy trì thế cân bằng hiện tại giữa các phe phái trong đảng.

Trong những tháng qua, ông Motegi đã cố gắng nâng cao uy tín của mình bằng cách thực hiện các chuyến công du nước ngoài và tiên phong đi đầu các sáng kiến quan trọng của chính phủ, bao gồm việc tăng chi tiêu chăm sóc trẻ em. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ công chúng ủng hộ ông vẫn còn tương đối thấp.

"Chúng ta có hàng núi vấn đề trong nước và quốc tế cần xử lý và chúng ta phải giải quyết chúng", ông Motegi nói. "Do đó, tôi chỉ có thể nói là tôi muốn hỗ trợ chính quyền của ông Kishida".

Ông Kono, người liên tục được coi là một trong những gương mặt sáng giá tiếp theo cho chiếc ghế thủ tướng dù từng thất bại trước ông Kishida trong cuộc đua năm 2021, cũng được giữ lại làm Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số, phụ trách cải cách hành chính số.

Trong khi đó, Yuko Obuchi, con gái cựu Thủ tướng Keizo Obuchi, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Bầu cử của đảng LDP. Bà Obuchi cũng được coi là ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế thủ tướng trong tương lai, theo Nikkei Asia.

Theo Reuters, Japan Times, Nikkei