Nhân viên nhà sách Hong Kong thừa nhận "bán sách bất hợp pháp"
(Dân trí) - Bốn trong số 5 nhân viên nhà sách Hong Kong, vốn bị mất tích vào tháng 10 năm ngoái, mới đây đã xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình Trung Quốc và xác nhận rằng họ bị bắt là do bán sách bất hợp pháp tại Trung Quốc đại lục.
Trả lời trên truyền hình Phoenix hôm Chủ Nhật (28/2), 4 trong số 5 nhân viên nhà sách Hong Kong, gồm: Gui Minhai, Lui Por, Cheung Chiping và Lam Wing-kee, đang bị điều tra hình sự tại đại lục, đã thừa nhận các hoạt động trên là bất hợp pháp, theo AFP và Reuters.
Trong đoạn phóng sự dài 4 phút, bao gồm các đoạn phỏng vấn với cả bốn nhân viên nhà sách Hong Kong, cả 4 người này đều thừa nhận đã bán sách bất hợp pháp tại Trung Quốc thông qua sàn trực tuyến và lách sự kiểm tra của lực lượng hải quan để giao khoảng 4.000 cuốn sách tới 380 khách hàng tại đại lục từ tháng 10/2014.
“Tôi đã khai nhận đầy đủ về những hoạt động mà tôi đã phạm phải và rất lấy làm tiếc về hoạt động bán sách bất hợp pháp mà tôi đã làm cùng với ông Gui Minhai”, ông Lui Por thừa nhận.
Gui Minhai, một công dân Thụy Điển, nói: “Cách (xuất bản) này không được các cơ quan chức năng Trung Quốc cho phép”. Ông Gui thừa nhận đã bọc lại bìa ngoài của các cuốn sách bằng túi ni-lông để tránh sự kiểm tra an ninh của lực lượng hải quan. Ông còn được thành viên còn lại khai nhận là người chủ mưu trong việc này. Nhóm này còn mở một tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc để phục vụ khâu thanh toán.
“Tôi biết rằng sách của ông Gui xuất bản là hư cấu. Chúng được tải xuống từ mạng internet và chắp nối với nhau từ nhiều tạp chí. Số sách trên đã tạo ra rất nhiều tin đồn trong xã hội và gây ảnh hưởng xấu…Tôi thừa nhận các sai lầm của mình và sẵn sàng chịu hình phạt”, ông Lam nói.
Phóng sự trên còn nêu chi tiết các ông Lui, Cheung và Lee đã bị các nhà chức trách Trung Quốc bắt như thế nào tại Thâm Quyến và Đông Hoản, hai thành phố tại miền nam Trung Quốc sát nách Hong Kong, vào tháng 10 năm ngoái và thời gian sau đó.
Theo phóng sự phát trên kênh Phoenix, 3 người ông Lam, Lui và Cheung có thể được trả về Hong Kong trong tuần này. Tuy nhiên, ông Gui dự kiến sẽ vẫn bị giam giữ.
Một số nước đã bày tỏ lo ngại liên quan đến việc các nhân viên nhà sách Hong Kong bị mất tích. Thậm chí một số quan chức ngoại giao còn quan ngại rằng các nhân viên nhà sách đã bị giới chức an ninh Trung Quốc bắt cóc tại Hong Kong và Thái Lan đưa về đại lục.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng rằng các quan chức thực thi pháp luật nước này sẽ không làm gì trái luật, đặc biệt ở nước ngoài và kêu gọi các quốc gia trên không nên can thiệp vào vấn đề Hong Kong. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn thừa nhận phóng sự trên được đề cập trong một bản tin vắn hôm qua, nói rằng số người này đã thừa nhận các hoạt động sai trái.
Vũ Duy
Tổng hợp