Nhân nào, quả ấy
(Dân trí) - Tướng Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp khiêu khích Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La 13, nhưng lại quên mất một điều rằng “nhân nào, quả ấy”.
Tàu thuyền Trung Quốc liên tục đâm va, bắn vòi rồng vào các tàu Việt Nam trong suốt một tháng qua.
Trong bài phát biểu tại ngày họp thứ ba và cũng là ngày họp cuối cùng của Đối thoại Shangri-La 13 về quan điểm của Trung Quốc đối với an ninh châu Á, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Tướng Vương Quán Trung, nói rằng các bình luận trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là “không thể chấp nhận được” vì đã “khiêu khích” Bắc Kinh.
"Không thể tưởng tượng được rằng lại có thể nhận được những lời chỉ trích không đáng có như vậy trong việc chống lại Trung Quốc", Tướng Vương Quán Trung nói.
Theo ông Vương Quán Trung, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã “phối hợp và khuyến khích nhau” tấn công Trung Quốc trong các bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La13, một diễn đàn an ninh khu vực thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế sau những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông, giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở Hoa Đông.
“Tôi có cảm tưởng rằng ông Abe và ông Hagel đang hòa giọng hợp xướng với nhau. Họ đang phối hợp, thông đồng và tận dụng các cơ hội phát biểu tại diễn đàn Shangri-La để khởi xướng việc khiêu khích và thách thức Trung Quốc”, ông Vương nói trước các tướng lĩnh quân đội, quốc phòng và các học giả trong khu vực.
Theo giới phân tích, dường như những phát biểu trên của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc không nằm trong nội dung bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn. Điều này cho thấy cá nhân ông Vương nói riêng, giới quân đội và lãnh đạo Trung Quốc nói chung đang thực sự lúng túng trước những phản ứng nhất quán của cộng đồng quốc tế phản đối những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực.
Trước đó, trong bài phát biểu dẫn đề hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án các hành vi của Trung Quốc, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng cường vai trò mạnh mẽ của quân đội Nhật Bản trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Ông cũng đưa ra đề nghị cung cấp tàu tuần duyên cho các nước láng giềng để nâng cao năng lực đối phó với các chiến thuật gây hấn của Bắc Kinh.
Tiếp đó, trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cáo buộc Trung Quốc “gây mất ổn định, hành động đơn phương khẳng định các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông”. Ông cảnh báo nước Mỹ sẽ không làm ngơ trước những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
"Nước Mỹ sẽ không ngoảnh mặt đi khi có các quốc gia cố tình phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế", người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ nói.
Những phát biểu của Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Hagel được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương hạ đặt và di chuyển trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Không chỉ thế, nước này còn thường xuyên cử hơn 100 tàu và máy bay tới bảo vệ xung quanh khu vực giàn khoan, ngang nhiên đâm va, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Ở vùng biển tranh chấp với Philippines, Trung Quốc cũng cử các tàu thường xuyên tới xâm phạm ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Còn ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn lên các vùng ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Điều này lý giải tại sao Trung Quốc đã phải liên tiếp “chịu trận” trước những lời chỉ trích không chỉ của các nước liên quan như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, mà còn của các nước khác như Mỹ, Malaysia, Singapore, Anh, Pháp, Úc,...
Trong thế kỷ 21 hiện nay, dư luận khu vực và quốc tế không thể chấp nhận được những hành động ngang ngược và phi lý đến khó hiểu của một cường quốc luôn có hành động đi ngược với lời nói.
Trong các phát biểu của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nói rằng nước này đang trỗi dậy hòa bình và sẵn sàng hợp tác với các nước vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hành động thực tế của Bắc Kinh ở cả Hoa Đông và Biển Đông, người ta khó có thể tin vào những lời hoa mỹ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việc Trung Quốc hết lần này đến lần khác “làm mất đi lòng tin chiến lược” ở các quốc gia láng giềng cũng như trong cộng đồng quốc tế là căn nguyên chính khiến họ ngày càng bị cô lập, chỉ trích nặng nề.
“Gieo trung thực, gặt niềm tin. Gieo bất trung, gặp nghi kỵ”. Trung Quốc cần phải nhớ rõ những câu châm ngôn này nếu như họ không muốn rơi lại vào tình cảnh bẽ bàng như ở Đối thoại Shangri-La 13. “Nhân nào, quả ấy” âu là lẽ thường.
Đức Vũ