1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhân chứng trong vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy phá vỡ im lặng

An Hoàng

(Dân trí) - Sau 60 năm, cựu đặc vụ Mỹ, một nhân chứng trong vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy (JFK), đã lên tiếng về chi tiết còn gây tranh cãi trong vụ việc này.

Nhân chứng trong vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy phá vỡ im lặng - 1

Tổng thống John F Kennedy (JFK) bị ám sát vào năm 1963 (Ảnh: AP).

Ông Paul Landis, 88 tuổi, từng là thành viên trong đoàn tháp tùng Tổng thống JFK vào ngày 22/11/1963 khi đoàn xe chở người đứng đầu chính phủ Mỹ và Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, Thống đốc Texas John Connally Jr chạy qua tòa nhà Dealey Plaza ở Dallas.

Ba tiếng súng liên tiếp đã nổ ra, ông Kennedy bị trúng đạn vào đầu và cổ còn Thống đốc Texas trúng đạn vào lưng.

Trong nhiều thập niên, sau cuộc điều tra của Ủy ban Warren về vụ việc, kết quả điều tra cho ra đời giả thiết "viên đạn ma thuật", nghĩa là chỉ có một phát đạn duy nhất đồng thời đoạt mạng của Tổng thống JFK và khiến Thống đốc Texas John Connally bị thương.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới kết luận đó là một viên đạn được tìm thấy trên cáng của ông Connally Jr khi ông cấp cứu tại bệnh viện Parkland Memorial sau vụ nổ súng. Điều này cũng dẫn tới việc kết án thủ phạm duy nhất Lee Harvey Oswald.

Phán quyết này khiến cựu đặc vụ Mỹ không ngừng đặt nghi vấn trong suốt 60 năm qua.

Lời khai mới của ông Landis đang thách thức các điều tra viên Ủy ban Warren, vì ông khẳng định chính ông là người đã tìm thấy một viên đạn ở phía sau ghế chiếc limousine của Tổng thống JFK.

Ông cho biết đã phát hiện viên đạn sau khi đoàn xe đến bệnh viện và đặt nó lên cáng chở tổng thống. Theo ông, cáng của ông Kennedy và ông Connally có thể đã va chạm vào nhau và bằng cách nào đó viên đạn nảy từ cáng này sang bên kia.

"Đó là một bằng chứng mà tôi nhận ra ngay lập tức. Rất quan trọng. Tôi không muốn nó biến mất hoặc thất lạc", ông Landis chia sẻ với New York Times.

Ông Landis đưa ra giả thuyết rằng viên đạn bắn xuyên qua lưng ông Kennedy và rơi ra trước khi thi thể của ông được đưa ra khỏi xe limousine. Viên đạn này không thể đủ lực để gây thương tích cho ông Connaly.

Từ đây, có thể lập luận rằng ông Connally đã bị thương bởi một viên đạn khác. Theo lập luận đó, không chỉ có Oswald là hung thủ. Mẫu súng được cho là hung khí Oswald sử dụng ngày hôm đó trên lý thuyết không thể nạp đạn nhanh như vậy.

Một video ghi lại khoảnh khắc xảy ra vụ ám sát cho thấy, ông Kennedy và ông Connally dường như chỉ trúng đạn cách nhau khoảng 1 giây. Trong khi theo các nhà điều tra, nếu Oswald hành động một mình, ông ta phải mất 2-3 giây cho mỗi lần nạp đạn, sau đó ngắm bắn và tiếp tục nổ súng.

Những tiết lộ của ông Landis thậm chí còn đặt ra nhiều dấu hỏi lớn hơn.

Thứ nhất, lời kể trong cuốn hồi ký khác với hai bản tường trình mà ông từng nộp sau vụ ám sát. Ông cho biết thời điểm đó nghe thấy 2 tiếng súng chứ không phải 3 tiếng súng như tuyên bố hiện tại.

Thứ hai, ông Landis chưa từng đề cập đến việc vào phòng cấp cứu ông Kennedy mà chỉ "ở bên ngoài cửa khi Đệ nhất phu nhân bước vào".

Ông Landis cho biết, mãi tới năm 2014, ông mới nhận ra ký ức của mình khác với lời khai ban đầu. Tuy nhiên, ông không trình báo vì cho rằng đây là sai lầm của ông khi đã đặt viên đạn lên cáng.

Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F Kennedy (JFK) bị ám sát vào trưa 22/11/1963 tại thành phố Dallas khi đang ngồi trên ô tô mui trần cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kenedy.

Đến nay, 60 năm kể từ sau vụ ám sát, bí ẩn vẫn bao trùm dù hàng trăm nghìn tài liệu đã được giải mật.

Cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald bị buộc tội dùng súng bắn tỉa để đoạt mạng người đứng đầu chính phủ từ cửa sổ tầng 6 trong một tòa nhà gần đó. Tuy nhiên, người Mỹ không tin rằng, một mình Oswald có thể hạ sát tổng thống.

Theo Sky News