1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà khoa học bắc cầu cho thơ Việt vươn xa

(Dân trí) - Giới khoa học thường nói vui rằng “thi ca góp phần nuôi lớn tâm hồn khoa học”, vì thế rất nhiều nhà khoa học đã “bén duyên” với thi ca như một nguồn cảm hứng. Đối với Lâm Quang Mỹ, ông không chỉ dung nạp mà còn nuôi dưỡng đồng thời cả hai niềm đam mê ấy, để cùng gặt hái những thành công ngọt ngào.


Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (giữa) trong buổi lễ đón nhận Huân chương vì Sự nghiệp Văn Hoá do Bộ Văn Hoá và Bảo tồn Di tích Lịch sử Ba Lan trao tặng. Người bên trái là ông Ngô Hoàng Minh, thông dịch và dẫn chương trình. Người đứng bên phải là ông Lương Quang Chỉnh, Bí thư thứ nhất của ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (giữa) trong buổi lễ đón nhận Huân chương vì Sự nghiệp Văn Hoá do Bộ Văn Hoá và Bảo tồn Di tích Lịch sử Ba Lan trao tặng. Người bên trái là ông Ngô Hoàng Minh, thông dịch và dẫn chương trình. Người đứng bên phải là ông Lương Quang Chỉnh, Bí thư thứ nhất của ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ tên thật là Nguyễn Đình Dũng, sinh năm 1944 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tại xã Nghi Thọ, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1971, ông tốt nghiệp ngành Điện tử tại trường Đại học Bách khoa Gdansk, Ba Lan, rồi về nước công tác ở Trung tâm nghiên cứu khoa học tự nhiên tại Hà Nội. Năm 1989, ông trở lại Ba Lan, vừa học nghiên cứu sinh, vừa làm việc tại Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Năm 2002, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và tiếp tục làm việc tại viện cho đến năm 2004 thì nghỉ hưu, định cư hẳn tại Warszawa. Kể từ đó, ông dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác, dịch thơ và các hoạt động khác liên quan đến thi ca. Lâm Quang Mỹ hiện là nhà thơ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam và hội viên Hội nhà văn Ba Lan.

Tính đến nay, ngoài những tập thơ xuất bản ở trong nước như Đợi (Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005), Chiều rơi trên sóng (Evening descends on waves) in song ngữ Anh - Việt (NXB Hội nhà Văn, Hà Nội, 2010), thơ Lâm Quang Mỹ đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ở nước ngoài, như: tập thơ Tiếng vọng in song ngữ Việt Nam - Ba Lan (NXB Oficyjna, Warszawa, Ba Lan, 2004); tập thơ Przemija życie... (Life passes on...) in song ngữ Ba Lan - Anh (NXB Temat, Ba Lan, 2013) và tập thơ Zatoulana Pisen bằng tiếng Tiệp (NXB Bromov, Cộng hòa Séc, 2008).

Ngoài các tập thơ trên, tập thơ “Tháng ngày…” của ông đã được nhà thơ, dịch giả người Pháp Athanase Vantchev de Thracy dịch ra tiếng Pháp, xuất bản bởi NXB Institut Culturel de Solenzara Paris bằng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Pháp. Ngoài ra, thơ của Lâm Quang Mỹ cũng đã được dịch và đăng trong nhiều tuyển tập thơ, tạp chí văn học, báo chí tại Ba Lan và nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ.

Bên cạnh đó, nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã cùng dịch giả Ba Lan Pavel Kubiak dịch Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ 19 (NXB IBIS, Warszawa, Ba Lan, 2010) và Tuyển tập Thơ Việt Nam từ 1932 đến 1941 (NXB Temat, Ba Lan, 2015) sang tiếng Ba Lan.

Gia tài giải thưởng đồ sộ

Bên cạnh sự nghiệp khoa học, sự nghiệp thi ca cũng mang về cho nhà thơ Lâm Quang Mỹ một gia tài khá đồ sộ. Ông từng được trao rất nhiều giải thưởng về thơ ca, cũng như những ghi nhận về cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Ba Lan và quốc tế. Trong đó có thể kể đến một số giải thưởng như: giải Thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà Văn Ba Lan trao tặng năm 2004; hai giải thưởng về thơ và những hoạt động văn học của Những Ngày Thơ Quốc tế UNESCO Ba Lan tổ chức vào năm 2006 và 2016; hai giải nhất cuộc thi Marathon Thơ (của ban giám khảo và của công chúng) ở "Liên hoan thơ lần thứ năm các nước có chung biên giới với Ba Lan" tại thành phố Rzeszow năm 2008; hai “Cành Nguyệt quế Lớn” về thơ và dịch thơ tại Liên hoan Văn học Quốc tế Galicja Ba Lan năm 2009 và 2011.

Với những cống hiến đó, ông đã được Bộ Văn hoá và Di sản Quốc Gia Ba Lan trao tặng Huân chương danh dự về sự đóng góp cho nền văn hoá Ba Lan (2013); được Quỹ văn hoá và xã hội Ba Lan trao tặng Huy chương danh dự (Medal SPES) năm 2016; được trao Giải thưởng Văn học mang tên Đại thi hào Klemens Janicki về toàn bộ sáng tác văn học và sự đóng góp vào nền văn hoá châu Âu (2013); và thị trấn Krasne, quê hương của đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski, đã phong tặng ông danh hiệu Công dân danh dự.

Tại Việt Nam, đánh giá cao những sáng tác và ghi nhận những đóng góp của nhà thơ Lâm Quang Mỹ cho nền văn học nước nhà, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã trao tặng ông Kỉ niệm chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam" vào năm 2010.

Những người yêu thơ ở châu Âu thường nói đến nhà thơ Lâm Quang Mỹ như một nhịp cầu, nối thi ca Việt Nam với nền văn học thế giới đương đại và nhắc đến ông như một người sáng tác và thổi hồn cho thơ Việt vươn xa. Ông cũng là một trong những người đã sáng lập và hiện làm Chủ tịch câu lạc bộ Thơ Việt tại Ba Lan.

Ở nhà thơ Lâm Quang Mỹ, người ta nhìn thấy một con người luôn dồi dào nhiệt huyết và giàu chất sáng tạo. Với kiều bào châu Âu, Lâm Quang Mỹ không chỉ là một nhà khoa học, một nhà thơ nổi tiếng, mà ông còn tạo dựng cho cộng đồng một tấm gương để vững tin trên bước đường hội nhập và thêm hứng khởi để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nơi đất khách quê người.

Nguyễn Thức Tuấn

Từ Ba Lan