1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguyên nhân nào khiến 20 người trên tàu ngầm Nga chết ngạt?

(Dân trí) - Theo các quan chức Nga, hệ thống chữa cháy trên chiếc tàu ngầm hạt nhân mới của Nga đột nhiên khởi động khi chiếc tàu đang được thử nghiệm ở vùng Biển Nhật Bản, phun khí freon khiến 20 người chết ngạt và 21 người khác phải nhập viện.

Hải quân Nga cho biết chiếc tàu ngầm không bị hỏng hóc gì trong sự cố hôm thứ bảy vừa qua, và đã tự trở về căn cứ của nó trên bờ biển Thái Bình Dương vào hôm chủ nhật, 9/10. Vụ tai nạn cũng không gây ra mối nguy hiểm nào về rò rỉ phóng xạ.

 

Tuy nhiên, đây là vụ tai nạn tồi tệ nhất trong ngành hải quân Nga kể từ vụ nổ ngư lôi đánh đắm tàu ngầm hạt nhân Kursk trên biển Barents vào năm 2000, khiết tất cả 118 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.

 

Theo các nhà phân tích, trong sự cố xảy ra hôm thứ bảy vừa qua, tình trạng quá tải cũng có thể là một nhân tố quan trọng.

 

Theo người phát ngôn của Hải quân Nga Igor Dygalo, chiếc tàu ngầm đang được thử nghiệm khi đó mang theo 208 người, gồm 81 thủy thủ. Trong khi đó, các hãng thông tấn của Nga cho biết chiếc tàu ngầm loại này thông thường chở được thủy thủ đoàn gồm 73 người.

 

“Tàu ngầm thường rất dễ gặp sự cố trong các cuộc thử nghiệm. Rất khó có thể giữ trật tự cho một lượng lớn các thủy thủ và đội ngũ dân sự như vậy trên tàu”, Gennady Illarionov, một quan chức tàu ngầm về hưu cho biết trên hãng thông tấn RIA Novosti.

 

Theo Vladimir Markin, một quan chức của Ủy ban điều tra Nga, các nạn nhân đã bị chết ngạt sau khi hệ thống chữa cháy của tàu ngầm phun ra khí freon. Các cuộc xét nghiệm pháp y đã tìm thấy freon trong phổi của họ.

 

Trong số 20 người thiệt mạng có 3 thủy thủ. Ngoài ra 21 người khác cũng đã được đưa tới bệnh viện sau khi được sơ tán lên bờ. Theo Dygalo, không có ai trong số những người bị thương gặp nguy hiểm đến tính mạng.

 

 

Nguyên nhân nào khiến 20 người trên tàu ngầm Nga chết ngạt? - 1

Tàu ngầm gặp sự cố trên đường trở lại căn cứ ở Thái Bình Dương.

 

“Lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm vẫn hoạt động bình thường. Mức phóng xạ cũng bình thường”, Dygalo thông báo. Ông cho biết sự cố chỉ ảnh hưởng đến hai khoang trên tàu.

 

Ủy ban điều tra của Markin đang tiến hành điều vụ tai nạn, tìm hiểu xem vì sao hệ thống chống cháy lại được khởi động, và tìm hiểu khả năng vi phạm các quy định về điều khiển tàu ngầm.

 

Lev Fyodorov, một chuyên gia hóa học hàng đầu của Nga, cũng khẳng định freon đã đẩy khí oxy ra ngoài, khiến những người ở bên trong bị chết ngạt. Tuy nhiên, ông băn khoăn không biết vì sao thiết bị trợ thở cá nhân mà mỗi người trên tàu đều phải đeo lại không giữ được mạng sống của họ.

 

“Mọi người trên tàu ngầm có thể không sử dụng thiết bị trợ thở khi gặp trường hợp khẩn cấp”, ông nhận xét.

 

Igor Kurdin, một quan chức hải quân về hưu, cho biết trên đài phát thanh Ekho Moskvy rằng có thể hầu hết những người thiệt mạng là các công nhân trên tàu, do họ thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý với các thiết bị trợ thở.

 

Còn hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời một quan chức hải quân giấu tên cho biết, có thể hệ thống còi báo cháy trên tàu cũng không hoạt động. Vì vậy những người trên tàu có thể không nhận thấy khí freon bị phụt ra, cho đến khi đã quá muộn.

 

Chiếc tàu ngầm gặp sự cố hôm qua đã trở về Bolshoi Kamen, một xưởng đóng tàu, căn cứ hải quân gần Vladivostok. Giới chức tại Nhà máy đóng tàu Amur cho biết họ đã phát triển chiếc tàu ngầm trên và gọi nó là Nerpa. Theo người phát ngôn Hải quân Nga chiếc tàu sẽ được trao cho lực lượng Hải quân sử dụng vào cuối năm nay.

 

Nguyên nhân nào khiến 20 người trên tàu ngầm Nga chết ngạt? - 2

Một tàu ngầm loại Akula II của Nga.

 

Tàu Nerpa là tàu chiến loại Akula II, bắt đầu được xây dựng vào năm 1991. Tuy nhiên, việc xây dựng phải ngưng lại trong nhiều năm do thiếu kinh phí. Tháng trước, chiếc tàu bắt đầu được đem ra thử nghiệm và tuần trước nó đã nổi lên trên mặt nước lần đầu tiên.

 

Stratfor, cơ quan đánh giá rủi ro tình báo có trụ sở tại Mỹ cho biết tàu ngầm loại Akula là loại có uy tín, và Nerpa là chiếc thứ 11 được xây dựng.

 

Vụ tai nạn hôm thứ bảy xảy ra trong bối cảnh Kremlin đang nỗ lực phục hồi lại sức mạnh hải quân Nga, khi căng thẳng với phương Tây vẫn chưa thể lắng dịu. Trong tháng này, một đội tàu chiến của Hải quân Nga đã lên đường đến Venezuela để tham gia tập trận chung, trong một động thái mà nhiều người cho rằng nhằm phô diễn sức mạnh quân sự gần vùng biển của Mỹ.

 

Theo các nhà phân tích, mặc dù trong suốt 8 năm nắm quyền, ông Putin, hiện là Thủ tướng Nga, đã chi mạnh cho quốc phòng, nhưng quân đội Nga vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng già cỗi, vũ khí cũ kỹ, cộng thêm nạn tham nhũng và thiếu năng lực.

 

Illarionov nhận xét vụ việc có vẻ như phản ánh hải quân Nga thiếu những kỹ năng quan trọng để tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển. “Dưới thời kỳ Liên Xô cũ, chúng tôi được trao 3-5 tàu ngầm mỗi năm. Nhưng giờ chúng tôi chỉ có 1 chiếc trong 5 năm. Mọi người đã quên mất thận trọng và đánh mất các kỹ năng của mình”, RIA Novosti trích lời ông.

 

Phan Anh

Theo AP