1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria

Một quan chức quân sự cao cấp Nga tuyên bố không lập căn cứ không quân ở Syria nhưng vẫn để ngỏ khả năng này. Thực chất đó là gì?

Nga tuyên bố chưa tính đến khả năng lập căn cứ không quân ở Syria

Thời gian Nga, Mỹ và NATO liên tiếp cáo buộc Nga đưa vũ khí, trang bị và binh lính tới Syria nhằm xây dựng căn cứ không quân ở nước này.

Khả năng này đã được đề cập hồi tháng 4, khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố cho phép Nga xây dựng thêm các căn cứ quân sự mới và mở rộng căn cứ bảo đảm của hải quân Nga ở cảng Tartus của nước này

Báo giới phương Tây cho biết, Nga đã chuyển đến Syria nhiều vũ khí mạnh như máy bay chiến đấu Su-34, máy bay trực thăng chiến đấu và vận tải, máy bay trinh sát không người lái. Ngoài ra, Nga còn đưa cả xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh đến bảo vệ điểm tập kết ở sân bay Latakia…

Bình luận về vấn đề này, giới chức quân sự và chính trị của Nga đều bác bỏ thông tin nước này xây dựng căn cứ không quân ở Syria. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga chưa từng bàn đến việc xây dựng căn cứ quân sự ở đất nước này.

Thậm chí ông này còn nhấn mạnh là sự tham gia của quân đội Nga trong cuộc xung đột tại Syria “không nằm trong kế hoạch của Moscow” và nó cũng “chưa từng được bàn đến” trong các cuộc họp của giới chức lãnh đạo chính trị-quân sự và ngoại giao.

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 1

Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga tuyên bố nước đôi về khả năng lập căn cứ không quân ở Syria

Trước tin đồn quân đội Nga vào Syria, ngày 6-9, Tổng thống Putin đã xác nhận rằng Nga đang hỗ trợ vũ khí và huấn luyện binh sĩ của quân đội nước này. Ngày 17-9, ông còn khẳng định rằng, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngày 17-9, bình luận về việc báo chí phương Tây cho rằng Nga đang thành lập căn cứ không quân ở Syria, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Bogdanovsky tuyên bố, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga không dự kiến xây dựng căn cứ không quân ở Syria.

"Hiện nay không có kế hoạch xây dựng căn cứ không quân ở Syria, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra" - ông Nikolai Bogdanovsky đã trả lời nước đôi với các nhà báo ở Novosibirsk khi bị đặt câu hỏi, phải chăng Bộ Tổng tham mưu Nga đang có kế hoạch thiết lập căn cứ không quân ở Syria.

Từ trước đến nay, các tướng lĩnh của Moscow đã nhiều lần tuyên bố không dự kiến lập căn cứ không quân ở Syria, nhưng có nhiều nguyên nhân và biểu hiện cho thấy, Nga không chỉ lập mà còn sẽ lập nhiều căn cứ quân sự ở Syria và Địa Trung Hải.

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 2

Phương Tây cáo buộc Nga đưa nhiều trang bị không quân sự Syria

Mục đích của Moscow không chỉ dừng lại ở việc tăng cường sự hiện diện mà Nga còn muốn tạo ảnh hưởng bao trùm cả Trung Đông và khống chế vùng biển Địa Trung Hải - khu vực thống lĩnh của Tiểu hạm đội Địa Trung Hải của hải quân Liên Xô khi xưa.

Những nguyên nhân khiến Nga sẽ xây dựng căn cứ không quân ở Syria

Tuy Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Bogdanovsky đã tuyên bố rằng, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga không dự kiến xây dựng căn cứ không quân ở Syria nhưng có nhiều nguyên nhân và biểu hiện dẫn chúng ta đến kết luận này.

Vai trò địa chính trị hết sức quan trọng của Syria

Hơn 20 năm qua, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Nga đau lòng nhìn Mỹ và NATO “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ. Lần lượt Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Lybia… bị Mỹ và NATO tiêu diệt; hiện giờ Syria, Iran... cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp.

Hiện nay, Moscow chỉ có đồng minh duy nhất là Damascus và phần nào là Tehran. Syria cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Do đó, sự tồn tại của Syria và căn cứ Tartus là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow.

Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho các hoạt động của Hải quân Liên Xô trên khắp thế giới cùng với các căn cứ khác ở Ai Cập giai đoạn 1970-1977, Ethiopia giai đoạn 1978-1985 và Việt Nam giai đoạn 1979-2002. Hiện Tartus cũng là căn cứ hải quân hải ngoại duy nhất của Nga.

Sự tồn tại của căn cứ Tartus là vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Moscow, còn căn cứ tức là còn sự hiện diện quân sự, mất căn cứ Nga sẽ bị hất cẳng khỏi Địa Trung Hải. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở đây?

Vì vậy, Nga phải giữ vững Syria bằng mọi giá.

Để bảo vệ chính quyền Damascus, trước hết Nga phải khôi phục sự hiện diện đầy đủ và mạnh mẽ ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Điều đó chỉ có thể làm được nếu Moscow duy trì được một lực lượng quân sự đủ mạnh và đương nhiên nó phải gắn với việc sở hữu những căn cứ không quân và hải quân.

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 3

Căn cứ không quân và hải quân ở Địa Trung Hải có vị trí rất quan trọng đối với Nga

Việc xây dựng căn cứ quân sự ở Syria và đảo Síp cùng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ giúp hải quân Nga khống chế hoàn toàn vùng biển này, bảo vệ đồng minh Syria và huyết mạch chiến lược của Hạm đội Biển Đen ra Địa Trung Hải.

Hơn nữa, sự hiện hiện của các căn cứ quân sự ở Syria có thể khiến Nga bảo vệ được lối ra, vào của Hạm đội Biển Đen qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ngăn chặn khả năng di chuyển của Hạm đội 5 Mỹ từ biển Đỏ lên hỗ trợ Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải, thông qua kênh đào Suez của Ai Cập.

Đó là lí do thứ nhất khiến Nga sẽ phải xây dựng căn cứ không quân ở Syria, dù tuyên bố chính thức hay trá hình dưới bất cứ vỏ bọc nào.

Sự hiện diện của tàu thuyền, máy bay NATO ở Địa Trung Hải khiến Nga lo lắng

Thời gian qua, chiến sự liên miên và sự lộng hành của các tổ chức khủng bố Hồi giáo đã gây ra làn sóng người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi, bỏ chạy khỏi đất nước để tới châu Âu, thông qua tuyến đường biển từ phía Nam lên phía Bắc Địa Trung Hải.

Những di dân này đã chủ yếu sử dụng những con thuyền nhỏ, ọp ẹp vượt biển trong đêm để tới các quốc gia châu Âu ven bờ phía bắc của Địa Trung Hải. Đã có tới hơn 3000 người chết, trong đó có không ít trẻ em, gây ra cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất châu Âu.

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 4

Nga lo lắng NATO có thể lợi dụng việc chống buôn lậu và cứu trợ người tị nạn để đưa lực lượng áp sát Syria

Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu, chủ yếu là các quốc gia NATO như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Slovenia đã thành lập một Ủy ban cứu nạn người tị nạn ở Địa Trung Hải, với mục đích là trấn áp bọn buôn người và cứu trợ di dân trên biển.

Để thực hiện sứ mệnh này, ngày 22-6, EU đã chính thức thành lập lực lượng EU Navfor Med (lực lượng hải thuyền EU tại Địa Trung Hải) với những phương tiện tác chiến mạnh mẽ của hải quân như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trinh sát chống ngầm…, với nhiệm vụ trấn áp những kẻ buôn người.

Lực lượng cụ thể ban đầu bao gồm 5 tàu mặt nước hải quân, do Hàng không mẫu hạm Cavour của Italia chỉ huy, cùng với 2 tàu ngầm, 3 máy bay trinh sát biển, tuần tiễu chống ngầm cùng 2 máy bay không người lái và một số trực thăng tham gia vào chiến dịch.

Ngoài ra, tùy theo diễn biến tình hình, hải quân châu Âu sẽ có động thái điều phối và bổ sung tăng cường lực lượng. Ngày 15-8, tài liệu của Cục Tình báo Pháp, do Le Monde trích dẫn đã thể hiện, trong danh mục nhân lực, vật lực bổ sung có cả tàu đổ bộ hải quân và lực lượng đặc biệt.

Trước mắt, các phương tiện của EU sẽ hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế cho tới khi khối này có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như của Chính phủ các nước châu Phi, Trung Đông để tiến sâu hơn vào lãnh hải của các quốc gia này.

Sự tăng cường hiện diện của các tàu ngầm, máy bay tuần tiễu chống ngầm, lực lượng đặc biệt của các nước châu Âu ở vùng biển này cũng là một nguyên nhân khiến Nga lo lắng về viễn cảnh các nước NATO lợi dụng tình hình này để duy trì một lực lượng lớn chiếm lĩnh Địa Trung Hải và áp sát Syria.

Điều này buộc Nga cũng phải tăng cường sự hiện diện ở đây nhằm có thể tạo ra đối trọng cần thiết. Và đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến Moscow đẩy nhanh tiến trình xây dựng các căn cứ quân sự ở quốc gia đồng minh của mình, nằm ven bờ phía đông của Địa Trung Hải.

Viễn cảnh tuyến tiếp vận của Nga có thể bị cắt bất cứ lúc nào

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 5

Nga đứng trước thực trạng các tuyến tiếp vận có thể bị cắt bất cứ lúc nào

Vừa qua, Mỹ và NATO đã gây sức ép với Hy Lạp và Bulgaria để 2 nước này cấm máy bay chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga bay qua không phận nước mình để tới Syria, từ ngày 1 đến 24-9. Theo giải thích của Mỹ, các máy bay này đã chở vũ khí trái phép cho quân đội Syria.

Sau đó chính quyền Bulgaria đã thực hiện yêu cầu của Mỹ, đóng cửa không phận đối với các chuyến bay vận tải, gồm cả quân sự và dân dụng của Moscow. Máy bay Nga chỉ có thể quá cảnh với điều kiện hạ cánh xuống sân bay của nước này để kiểm tra hàng hóa, nếu hợp lệ sẽ bay tiếp.

Tuy sau đó cả Tehran và Athens đều tuyên bố vẫn mở không phận cho Moscow nhưng trên thực tế, muốn bay tới Hy Lạp máy bay Nga phải bay qua Bulgaria, còn đi đường Iran thì sẽ phải xin phép bay qua không phận Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ mới tới Syria.

Nên trên thực tế, Nga đã bị chặn đường hàng không tới Syria, chỉ còn duy nhất phương án vận tải bằng đường biển qua eo biển Bosphorus sang Địa Trung Hải để tới Syria.

Sự việc này đã làm gióng lên hồi chuông báo động về khả năng tiếp vận một khi chiến sự ở nước này bùng phát dữ dội hay trường hợp nguy cấp cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, hoặc có tình huống đột xuất cho hạm đội Nga ở Địa Trung Hải.

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 6

Nga cần tăng cường sự hiện diện quân sự bằng các căn cứ không quân và hải quân để ngăn chặn Mỹ-NATO

Giả sử một khi có chiến sự xảy ra, Mỹ-NATO rất dễ gây sức ép toàn diện (sẽ lớn hơn thời điểm hiện nay) khiến Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus, chặn đường từ biển Đen ra và các quốc gia NATO hay đồng minh xung quang Syria như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đóng cửa không phận, chặn đường hàng không.

Khi đó, Nga chỉ có thể tiếp vận bằng đường biển từ Hạm đội Baltic, ra Đại Tây Dương, vào hải phận quốc tế ở Địa Trung Hải. Đó là con đường quá xa và mất rất nhiều thời gian. Do đó, Nga cần có sự hiện diện bằng các căn cứ không quân và hải quân sẵn có ở khu vực này.

Với những căn cứ quân sự này, lúc bình thường Nga có thể dự trữ sẵn hàng hóa, vũ khí, trang thiết bị để khi cần có thể bổ sung, cung cấp ngay và đủ dùng trong khoảng thời gian nhất định ban đầu, chờ đợt tiếp vận mới.

Yêu cầu này đã trở nên cấp bách trong thời điểm hiện nay khi Mỹ và NATO đã cho thấy khả năng cô lập Syria. Và việc Nga xây dựng căn cứ không quân, đồng thời nâng cấp căn cứ bảo đảm hải quân ở Tartus thành căn cứ hải quân tổng hợp là điều chắc chắn.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Nguyên nhân khiến Nga quyết lập căn cứ không quân ở Syria - 7