1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ xung đột nối tiếp xung đột ở Syria

Dư luận đang ngày càng lo ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự can dự trong cuộc chiến Syria, như tuyên bố gần đây của Ankara về kế hoạch triển khai bộ binh tới nước láng giềng trong trường hợp cần thiết…

Trong bối cảnh triển vọng các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Syria mờ mịt, nguy cơ gia tăng can thiệp từ bên ngoài vào Syria ngày một rõ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây đã xác nhận khả năng Mỹ sẽ triển khai bộ binh đến Syria nếu các nỗ lực hòa bình hiện tại kết thúc mà không đạt được kết quả gì.

Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố Ankara và Riyadh có thể cân nhắc điều bộ binh tới Syria để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) “nếu đến lúc cần phải tiến hành một chiến dịch trên bộ”.

Nhưng rõ ràng chống IS chỉ là một cái cớ bởi Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi ích và toan tính ở nước láng giềng Syria.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch oanh kích Syria vào tháng 9-2015, quân đội chính quyền Syria của Tổng thống Al-Assad đã lấy lại được ưu thế đáng kể trước phe nổi dậy khiến Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út lo ngại vì hai nước này vốn từ lâu ủng hộ các nhóm nổi dậy tại Syria lật đổ ông Al-Assad.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, Ankara và Riyadh đề cập tới khả năng triển khai các chiến dịch trên bộ tại nước láng giềng Syria vào thời điểm các cuộc hòa đàm ở Syria theo dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 25-2 tới, là nhằm gây áp lực để chính quyền Syria phải nhượng bộ thực sự trên bàn đàm phán. Bởi những thay đổi trong cục diện cuộc chiến như hiện nay có thể sẽ khiến phe đối lập ở Syria phải chịu lép vế trên bàn đàm phán.

Thành phố Aleppocủa Syria phải hứng chịu nhiều cuộc nã pháo qua biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd tại đây. (Ảnh: AP)
Thành phố Aleppocủa Syria phải hứng chịu nhiều cuộc nã pháo qua biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd tại đây. (Ảnh: AP)

Cho dù hiện nay, kế hoạch triển khai bộ binh tới Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út còn chưa có gì chắc chắn, nhưng việc hai nước này có chung những lợi ích và quan điểm tương đồng về vấn đề Syria là điều không phải bàn cãi.

Cả Ankara và Riyadh đều đang trong tình trạng căng thẳng với hai nước hậu thuẫn chính quyền Damascus là Nga và Iran. Sự thù địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã lộ ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Còn Iran và A-rập Xê-út thì đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vì mâu thuẫn liên quan tới vụ một giáo sĩ Shiite bị xử tử. Vì vậy, việc hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út xích lại gần nhau nhằm gây sức ép đối với Nga và Iran trong vấn đề Syria là điều có thể hiểu được.

Điều cần tính tới nữa đó là cả Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út đều ấp ủ những tham vọng gia tăng ảnh hưởng và khẳng định tại khu vực. Thực tế là hai nước này đang chứng tỏ không muốn bị lệ thuộc vào người đồng minh “lắm điều kiện” Washington. Cả hai nước đều đang trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với Mỹ do bất đồng trong một loạt vấn đề khu vực.

Trong khi Mỹ đang làm mọi cách để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, việc Riyadh và Ankara lại có kế hoạch điều bộ binh tới đây sẽ chẳng khác nào hành động đổ “gáo nước lạnh” vào nỗ lực của Washington.

Nguy cơ đối đầu giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã được cảnh báo nhất là khi kế hoạch của Riyadh và Ankara vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Thủ tướng Nga D. Medvedev đã tuyên bố trên truyền hình rằng “đừng cố đe dọa bất cứ ai” vì động thái này có thể dẫn đến “một cuộc chiến toàn diện và lâu dài”.

Nga đã trình HĐBA Liên hợp quốc bản dự thảo nghị quyết về Syria, trong đó nhắm tới các hành động can dự ngày càng rõ rệt của Ankara vào Syria, bao gồm hành động nã pháo từ Thổ Nhĩ Kỳ sang lãnh thổ Syria. Dự thảo nghị quyết của Nga trình lên HĐBA yêu cầu tôn trọng triệt để chủ quyền của Syria và ngừng ngay lập tức bất kỳ hành động can thiệp hay bắn phá nào qua biên giới quốc gia Trung Đông này, cũng như loại bỏ mọi mưu toan hay kế hoạch triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, HĐBA sau đó đã bác bỏ dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất và các chuyên gia lo ngại việc này càng làm tăng nguy cơ các nước can thiệp nhiều hơn vào Syria làm cuộc xung đột ở quốc gia này càng thêm rối ren, thậm chí có thể làm bùng nổ một cuộc chiến đẫm máu ở khu vực.

Nhất là khi chính quyền Syria đã tuyên bố rõ ràng rằng, bất cứ kế hoạch đưa quân nào vào lãnh thổ Syria mà không được sự chấp thuận của Damascus đều là hành động xâm phạm chủ quyền và nước này cùng với các đồng minh sẽ có các hành động đáp trả tương xứng.

Việc dự thảo nghị quyết của Nga bị bác bỏ cũng phản ánh mâu thuẫn giữa các bên đang tham gia thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria và việc này đang phủ bóng đen lên triển vọng của lộ trình đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ. Theo đó, các cuộc đàm phán tại Geneve (Thụy Sĩ) là một phần trong lộ trình 6 tháng được đặt ra trước đó nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Syria.

Cuộc đàm phán hồi đầu tháng này đã thất bại, trong khi đó, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura mới đây cho rằng, kế hoạch nối lại đàm phán hòa bình Syria vào ngày 25-2 tới khó thực hiện và không thực tế. Mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn và nguy cơ bị các nước can dự nhiều hơn là khó tránh đối với Syria nếu nước này không thể tự giải quyết được các vấn đề của chính nước mình.

Theo Xuân Phong

Quân đội nhân dân